Ban Văn hóa - Xã hội khảo sát tại làng nghề chế tác Trầm hương
EmailPrintAa
20:28 09/01/2024

Sáng 09/01/2023, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã khảo sát tình hình hoạt động tại làng nghề chế tác Trầm hương, thôn 8, xã Phúc Trạch và một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Hương Khê.

Đoàn trao đổi với công nhân tại cơ sở sản xuất kinh doanh Trầm Hương Thọ Nga

Xã Phúc Trạch hiện có 1.705 hộ gia đình trồng và chăm sóc cây Trầm hương với 2.528 lao động, bình quân mỗi hộ có 1-2 lao động; tổng diện tích trên 350ha, diện tích cho thu hoạch Trầm hương gần 200ha. Tại Thôn 8, có 70ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng cây Trầm hương là hơn 40ha; có 173 hộ dân, với 478 nhân khẩu, trong đó 42 hộ (01 Hợp tác xã, 01 cơ sở sản xuất kinh doanh, 40 hộ làm nghề) với 147 nhân khẩu.

Đoàn khảo sát tại cơ sở Hoa Lan

Từ năm 2020-2023, doanh thu từ nghề chế tác Trầm hương (trầm cảnh, hương trầm, vòng trầm…) đạt trên 70 tỷ đồng, trong đó năm 2020 doanh thu đạt trên  19,7 tỷ đồng (trung bình 196 triệu đồng/hộ/năm),  năm 2021, doanh thu đạt trên 21,8 tỷ đồng (trung bình 219 triệu đồng/hộ/năm), năm 2022 doanh thu đạt 23,7 tỷ đồng (trung bình 239 triệu đồng/hộ/năm). Các sản phẩm thô như trầm miếng, trầm cảnh đều được làm thủ công, đục đẽo bằng những dụng cụ thô sơ. Việc sản xuất các sản phẩm chuyên sâu như hương trầm, vòng trầm, trầm nụ chủ yếu dùng máy cưa, máy làm hương, máy trộn bột, máy làm vòng trầm...; quá trình sản xuất được thực hiện nhanh chóng và tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp.

Qua khảo sát cho thấy, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, làng nghề hoạt động khá hiệu quả, thu nhập người dân tương đối cao, ổn định nhưng việc sản xuất, kinh doanh trầm hương còn nhỏ lẻ, tự phát, khối lượng sản phẩm tại mỗi hộ còn ít, chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu sản phẩm thô; số hộ tham gia còn hạn chế (42 hộ/173hộ, chiếm 24,3%); mới có 02 cơ sở (HTX hương trầm, vòng trầm TM&DV Thành Vinh, Hộ kinh doanh trầm hương Thọ Nga) sản xuất, kinh doanh vòng trầm, hương trầm có bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao...; việc tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thương lái và bán hàng qua mạng xã hội, chưa có liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với hộ dân, giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp với các doanh nghiệp trên cả nước để đảm bảo việc tiêu thụ bền vững. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dựa trên nguồn vốn của gia đình, một phần vay vốn tín dụng nên còn thiếu vốn mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ và quảng bá thương hiệu sản phẩm…

Đoàn mong muốn thời gian tới, huyện Hương Khê tiếp tục tuyên truyền vận động, nâng tỷ lệ các hộ tham gia làng nghề; phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 30% hộ tham gia làng nghề, hoạt động có hiệu quả; 15% hộ tham gia làng nghề có chế biến sâu (sản xuất hương trầm các loại, vòng trầm, nụ trầm....); 10% hộ trong làng nghề có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (4 hộ); 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. Chuyển đổi một số vùng sản xuất hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây trầm hương để tăng diện tích, tạo vùng nguyên liệu cho làng nghề; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng khu trưng bày sản phẩm, hệ thống đường giao thông, mương thoát nước, biển hiệu, bảng biểu chỉ dẫn; xây dựng, hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Để làng nghề tiếp tục hoạt động hiệu quả, huyện đề nghị tỉnh quan tâm ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề nhất là hỗ trợ xây dựng nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản, chế biến sản phẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đoàn khảo sát và dâng hương tưởng niệm tại Khu chứng tích tội ác chiến tranh trường Cấp II Hương Phúc ...

Khu di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần , Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500, Trạm 559


Cũng trong sáng nay, Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm tại Khu chứng tích tội ác chiến tranh trường Cấp II Hương Phúc và Khu di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500, Trạm 559.

Hồng Sâm - Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc