Đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát trên lĩnh vực Văn hóa – Xã hội
EmailPrintAa
09:47 11/01/2016

Ngày 20/12/2014, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 118/ 2014/NQ-HĐND về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh Hà Tĩnh. Triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh đã nâng hoạt động giám sát của Ban lên một tầm cao mới.

Vừa tiếp tục phát huy, duy trì thế mạnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND đó là “Tiếp tục tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát thường xuyên giữa hai kỳ họp, chú trọng giám sát những vấn đề đang được xã hội và dư luận quan tâm, những lĩnh vực công tác quản lý nhà nước đang còn yếu kém, bất cập”.

Năm 2015, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện 01 cuộc giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện đề án Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2020”. Đây là một cuộc giám sát có quy mô lớn, đối tượng giám sát rộng và cuộc giám sát đầu tiên được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh Hà Tĩnh.

 

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Trường Cao đẳng Du lịch

 

Kết thúc đợt giám sát, Ban đã có báo cáo kết quả đầy đủ, chính xác, được Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh ghi nhận. Cụ thể kết quả giám sát đã cho thấy được việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Đánh giá được công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch đã có sự chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, chỉnh trang, bước đầu tạo được điểm nhấn và gây ấn tượng tốt với du khách khi về tham quan, nghỉ dưỡng. Các nhóm chính sách đất đai, thuế, đào tạo nguồn nhân lực được ưu tiên, hỗ trợ, đã thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển số lượng cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch có tầm cỡ, chất lượng cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại như nhiều nội dung, chính sách nêu trong Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND chưa được doanh nghiệp, người dân và chính quyền các cấp quan tâm thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện; tiềm năng, lợi thế về du lịch chưa được phát huy, còn hạn chế về công tác quy hoạch, liên kết phát triển khu, điểm du lịch, phát triển nguồn nhân lực cũng như sản phẩm đặc hữu của địa phương…

Để tăng tính hiệu lực thực thi các nội dung kết luận giám sát, tại kỳ họp giữa năm 2015, Ban đã tham mưu cho Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 146/2015/NQ-HĐND về kết quả giám sát Đề án Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh, giai đoạn 2013 - 2020.

Ngoài giám sát chuyên đề, trong năm 2015 Ban còn thực hiện 10 cuộc khảo sát, giám sát thường xuyên giữa hai kỳ họp, gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất khẩu lao động (tháng 1/2015); việc thực hiện Luật Thanh niên trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (tháng 2/2015); công tác quản lý di tích và kết quả thực hiện việc thu phí, lệ phí theo quy định tại Nghị quyết 67/2013/NQ-HĐND, Nghị quyết 85/2014/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh (tháng 3/2015); công tác nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học (tháng 3/2015); việc triển khai hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và hộ nghèo xây dựng nhà tránh lũ (tháng 4/2015); việc bố trí dân cư ở vùng thường xẩy ra thiên tai, dân cư cư trú trong khu rừng đặc dụng theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 và Quyết định 1766/QĐ-TTg ngày 10/10 /2011 của Thủ tướng Chính phủ (tháng 6/2015); tình hình thực hiện chế độ trợ cấp nuôi dưỡng đối với thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh (tháng 7/2015); kết quả hoạt động và công tác quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế công lập, các Trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh (tháng 8, 9/2015); kết quả phân bổ sự nghiệp giáo dục và tình hình huy động đóng góp tự nguyện năm học 2015-2016 (tháng 10,11/2015); kết quả công tác đào tạo nghề lao động nông thôn sau phân cấp (tháng 11,12/2015).

Có thể nói các cuộc giám sát của Ban được thực hiện trong năm 2015 đã “đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không trùng lặp hoặc bỏ sót lĩnh vực của đời sống xã hội”, đặc biệt có 2 cuộc giám sát được xuất phát từ vấn đề “nóng”, được dự luận quan tâm tại thời điểm đó là: giám sát tình hình thực hiện chế độ trợ cấp nuôi dưỡng đối với thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh và giám sát kết quả phân bổ sự nghiệp giáo dục và tình hình huy động đóng góp tự nguyện năm học 2015 - 2016.

Về quy trình, thủ tục thành lập Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và nguyên tắc của Nghị quyết đưa ra. Để nâng cao trách nhiệm của Đoàn giám sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, Ban đã quan tâm việc bố trí nhân lực thành lập Đoàn giám sát và Tổ thư ký giúp việc Đoàn giám sát. Cụ thể, đối với thành phần Đoàn giám sát của Ban ngoài đại diện Thường trực Hội đồng Nhân dân, các thành viên trong Ban Hội đồng Nhân dân, Ban thường xuyên bố trí mời thêm một số Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh hoạt động ở địa phương khi về giám sát trên địa bàn. Điều này, vừa giúp Đoàn giám sát có thêm thông tin, thực tiễn cụ thể của địa phương phục vụ nội dung giám sát vừa tạo điều kiện cho các vị Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh hoạt động ở địa phương có thêm diễn đàn hoạt động. Thành phần Tổ thư ký, giúp việc Đoàn giám sát cho Ban cũng được chú trọng, khi ngoài cán bộ, chuyên viên cơ quan Văn phòng tham mưu, giúp việc trực tiếp cho Ban, Ban còn thường xuyên bố trí mời thêm các cán bộ, chuyên viên các cơ quan, đơn vị liên quan; các chuyên gia có chuyên môn sâu trên lĩnh vực Ban giám sát.

Phương pháp giám sát tiếp tục được đổi mới, đảm bảo khoa học, ngoài căn cứ đối tượng, nội dung, lĩnh vực giám sát để lựa chọn hình thức, phương pháp giám sát, Ban còn quyết định số lượng, thành phần phù hợp, như: những nội dung gọn, rõ, đơn vị quy mô nhỏ, Ban sẽ rút gọn thành phần tham gia giám sát và mời chug các đơn vị chịu sự giám sát về làm việc tại một địa điểm…

Bám sát nguyên tắc vừa giám sát cơ quan quản lý để có cơ sở đánh giá tổng quát tình hình, vừa giám sát đối tượng trực tiếp thực hiện hoặc đối tượng chịu sự tác động của chính sách để làm cơ sở xem xét, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện. Đồng thời nâng cao chất lượng kết luận và kiến nghị giám sát đảm bảo tính khách quan, chính xác, sát đúng tình hình, có căn cứ khoa học, lý luận và thực tiễn; nêu rõ những ưu điểm, hạn chế, yếu kém, tồn tại và nguyên nhân.

Nên kết quả các cuộc giám sát trong năm 2015 đều đã được Ban kịp thời ban hành các báo cáo, thông báo kết quả làm việc đến các đối tượng giám sát, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, đánh giá khách quan, chính xác kết quả đạt được cũng như kịp thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan để góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện.

Với việc đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp nên đến thời điểm này tất cả các thông báo kết luận của Ban đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp thu, kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện. Đặc biệt, nét mới trong năm 2015 đó là kết quả giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện đề án Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2020” đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh lựa chọn và ban hành thành Nghị quyết kết luận giám sát, góp phần nâng cao tính hiệu lực của hoạt động giám sát.

Nhìn lại kết quả hoạt động giám sát năm 2015 của Ban dưới sự hướng dẫn, cụ thể hóa nhiều nguyên tắc, nội dung nêu tại Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh Hà Tĩnh, đã cho thấy sự tuân thủ, chấp hành Nghị quyết của Ban và khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết. Tin tưởng, với những kết quả này sẽ là tiền đề tích cực để hoạt động giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội nói riêng và các Ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh nói chung sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.


    Ý kiến bạn đọc