Một số vấn đề cần lưu ý để đảm bảo quyền bầu cử của cử tri
EmailPrintAa
08:48 09/04/2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tiến hành vào ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Toàn cảnh hội nghị hướng dẫn người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV,

đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử (Ảnh tư liệu).

Quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được các bản Hiến pháp của Việt Nam ghi nhận, đồng thời hiện nay được quy định cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Để mỗi cử tri được thực hiện đầy đủ quyền của mình trong việc lựa chọn, bầu người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bầu cử, trong đó cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Một là, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về bầu cử

Việc tuyên truyền về bầu cử đã được hướng dẫn cụ thể tại văn bản số 169-HD/BTGTW ngày 22/01/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo đó cần tuyên truyền sâu rộng để Nhân dân hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; các quy định của pháp luật có liên quan đến bầu cử, đặc biệt là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước. Động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bầu cử. Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền sẽ tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đạt kết quả cao. Công tác tuyên truyền bầu cử cần đảm bảo đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Hội đồng Bầu cử quốc gia, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử tại địa phương

Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương gồm Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử. Các tổ chức này có vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức bầu cử. Nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức này được quy định rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, các tổ chức bầu cử ở địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về bầu cử. Trong đó đặc biệt là các nhiệm vụ như: Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử; quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử, ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu của mỗi đơn vị bầu cử, nhận và xem xét hồ sơ của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử, lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử... Các Tổ bầu cử cần đảm bảo bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu; phát thẻ cử tri, phiếu bầu cử cho cử tri, thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu; thực hiện nghiêm chỉnh quy định về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu; kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử… theo đúng quy định.

Ứng cử viên HĐND tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2016-2021

tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà (Ảnh tư liệu)

Ba là, tạo điều kiện để người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri

Việc lập danh sách cử tri cần tuân thủ quy định từ Điều 29 đến Điều 34 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đảm bảo mọi công dân đủ điều kiện thực hiện quyền bầu cử được tham gia bầu cử. Danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi để Nhân dân kiểm tra, trường hợp có sai sót để Nhân dân thực hiện khiếu nại kịp thời.

Để giúp Nhân dân lựa chọn được người có đủ năng lực làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cần đảm bảo Nhân dân được tiếp cận với thông tin về những người ứng cử. Trong đó, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được niêm yết ở khu vực bỏ phiếu với đầy đủ thông tin theo quy định. Bên cạnh đó, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Các cơ quan thông tin đại chúng tích cực đưa tin về hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Thông qua các hoạt động này, cử tri sẽ hiểu rõ hơn về những người ứng cử, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn khi thực hiện quyền bầu cử.

Cử tri thành phố Hà Tĩnh xem xét, lựa chọn đại biểu dân cử các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

(Ảnh tư liệu)

Bốn là, xây dựng phương án xử lý các tình huống có thể phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử

Trên thực tế có thể sẽ xảy ra một số trường hợp ảnh hưởng bất lợi đến việc tổ chức bầu cử và việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri. Tại Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã dự phòng hai trường hợp là dịch Covid-19 bùng phát và mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến khu vực bỏ phiếu. Theo đó, khi xảy ra các trường hợp này, tinh thần chung là địa phương, Tổ bầu cử chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Do đó, cần chuẩn bị phương án để đảm bảo cử tri vẫn thực hiện được quyền bầu cử khi xảy ra các trường hợp bất lợi nêu trên.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 Hà Tĩnh được bầu 07 đại biểu Quốc hội, 54 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 418 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 5.011 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Việc tổ chức thực hiện tốt cuộc bầu cử, đảm bảo cho cử tri được thực hiện đầy đủ quyền bầu cử của mình sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Nguyễn Thị Nhuần - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh

    Ý kiến bạn đọc