Có cơ sở thực tiễn trong các Nghị quyết QH vừa thông qua
EmailPrintAa
10:07 29/03/2013

Tuần làm việc thứ Tư, Kỳ họp thứ Hai, QH lần lượt thông qua 5 Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011- 2015, Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 – 2015. Nhìn nhận về những Nghị quyết này, ĐBQH TRẦN DU LỊCH (TP HỒ CHÍ MINH) cho rằng, một trong những cái mới lần này là trong các giải pháp QH yêu cầu Chính phủ thực hiện trong Nghị quyết đều đưa ra những cách làm. Kế hoạch QH thông qua có cơ sở thực tiễn, có dự báo tình hình ở mức độ Chính phủ thực thi được và xuyên suốt được quan điểm: kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số.

Tôi đang chờ một chiến lược nợ công 10 năm minh bạch, rõ ràng

 

- Trong Nghị quyết về chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 – 2015 vừa được QH thông qua có ghi rõ, tổng mức đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015 không quá 225.000 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số Chính phủ trình QH. Đại biểu nói gì về con số này khi có nhiều ý kiến cho rằng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chưa được sử dụng hiệu quả, công tác giám sát việc sử dụng nguồn vốn này gặp nhiều khó khăn?

 

Vấn đề phân phối nguồn vốn ngân sách đầu tư năm 2012 cũng như phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, tôi thấy quan điểm của QH rất rõ. Trước hết, như trong giải trình UBTVQH đã nêu, là phải thay đổi phương thức phân bổ dự án đầu tư và cách lập dự án đầu tư. Ví dụ, năm 2011, cả nước có trên 20.000 dự án đầu tư, hơn 15.000 dự án chuyển tiếp và 5.400 dự án mới thì không thể nào kiểm soát được. Thứ hai làm dự án bằng cách các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu gì đưa lên, sau đó chúng ta mới rà và gộp lại là không được. Chúng ta phải định hướng thảo luận trước những ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương nào cần ưu tiên thì QH tập trung thảo luận, sau đó mới phân bổ xuống các bộ, ngành, địa phương.

 

Riêng về tổng mức đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ không quá 225.000 tỷ trong 5 năm, trung bình 45.000 tỷ đồng mỗi năm, tôi cho rằng vấn đề nhiều hay ít tùy thuộc vào hiệu quả đầu tư. Nếu đầu tư lãng phí, không hiệu quả thì số lượng đầu tư không biết bao nhiêu là vừa. Nhưng với 45.000 tỷ đồng mỗi năm, nếu chúng ta làm ăn hiệu quả, đầu tư đúng yêu cầu QH đã đề ra thì đây không phải là con số nhỏ. Do đó, vấn đề đặt ra không phải 225.000 tỷ đồng là nhiều hay ít mà là sử dụng hiệu quả. Đối với hoạt động giám sát việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, tôi cho rằng, sau kỳ họp lần này, các cơ quan của QH tiếp tục đẩy mạnh giám sát việc thực thi. Hơn nữa, trong vấn đề phân bổ vốn trái phiếu,  Nghị quyết của QH còn có một công đoạn nữa là rà soát danh mục, xây dựng phương án phân bổ cụ thể đối với từng dự án, công trình để trình UBTVQH quyết định, chứ không phải có tổng mức đầu tư rồi thì có thể...  thích làm cái gì là làm.

 

- Thảo luận về vốn trái phiếu Chính phủ, nhiều ý kiến băn khoăn về việc nguồn vốn này chưa được tính vào nợ công. Trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015, QH đã thông qua chỉ tiêu nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Trong chỉ tiêu nợ công này đã bao gồm nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hay không?

 

- Đây là vấn đề phương pháp tính. Tôi và một số ĐBQH đã đề nghị thay đổi phương pháp tính cho phù hợp với thông lệ quốc tế: tính bội chi ngân sách không tính phần nợ gốc phải trả. Nhưng hiện nay, trong bội chi ngân sách chúng ta cộng cả phần nợ gốc phải trả. Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nếu ta loại phần nợ gốc phải trả không nằm trong bội chi như thông lệ quốc tế và cộng trái phiếu Chính phủ vào thì sẽ có mức tương đương như con số QH vừa thông qua. Cho nên, đây là vấn đề cách tính, chứ không so sánh GDP. Theo tôi, điều QH quan tâm là bội chi để làm gì? Và câu trả lời là bội chi để đầu tư có hiệu quả. Tương tự như vậy, nợ công ở mức 60% hay 65% là ngưỡng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là vay để làm gì, nguồn trả ra sao? Đây là điều hàng năm phải tính được. Tôi đang chờ một chiến lược nợ công 10 năm minh bạch, rõ ràng, đặc biệt, chúng ta phải tính được dòng tiền hàng năm phải trả so với khả năng nguồn thu ngân sách.

 

- Có thể thấy, một trong điểm chung của các Nghị quyết về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của QH tại kỳ họp lần này là hướng đến sự phát triển hiệu quả, bền vững; tập trung thực hiện 3 đột phá nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có đột phá về kết cấu hạ tầng. Với nguồn vốn hạn hẹp như hiện nay thì việc triển khai những đột phá này như thế nào là hợp lý?

 

Việc QH thông qua mức bội chi ở mức 4,5% GDP là cần thiết trong một số năm để chúng ta phát triển hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, trong vấn đề tái cấu trúc đầu tư công, tôi đề nghị đặt một chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ vốn ngân sách so với vốn xã hội hàng năm để bảo đảm tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước đầu tư tăng tuyệt đối, nhưng tỷ lệ huy động vốn xã hội phải giảm. Như vậy, vốn Nhà nước khi đó mới tạm gọi là vốn mồi. Và trên nền tảng này, chúng ta phân bố và chọn các dự án đầu tư.

 

Những giải pháp QH yêu cầu Chính phủ triển khai để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới khá cụ thể. Ví dụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012, QH yêu cầu giải pháp đầu tiên là Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh để báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Ba tới. Đáng chú ý, tại Kỳ họp lần này, thực hiện yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến nhiều chuyên gia trước khi xây dựng Báo cáo thẩm tra về kinh tế – xã hội. Các chỉ tiêu như tăng trưởng kinh tế ở mức nào, lạm phát 1 con số có được hay không, những giải pháp nào để bảo đảm thực hiện mục tiêu đề ra đã được bàn thảo, lật đi lật lại khá kỹ, có cơ sở lý luận và thực tiễn. Trong các giải pháp QH yêu cầu Chính phủ thực hiện đều đưa ra cách làm. Tôi cho rằng, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 và 5 năm tới vừa được QH thông qua là có cơ sở thực tiễn, có dự báo tình hình biến động sắp tới ở mức độ chúng ta thực thi được và xuyên suốt được điểm chung là kiếm chế lạm phát ở mức 1 con số.

 

Không để tái cấu trúc làm đổ vỡ một số ngân hàng cá biệt, dẫn đến vỡ cả hệ thống

 

- Liên quan đến mảng tài chính, ngân hàng, trong tuần làm việc này, QH xem xét cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Ý kiến của Đại biểu về dự án Luật này như thế nào?

 

Tôi có 3 ý kiến. Thứ nhất, bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò gì trong việc bảo đảm an toàn cho tiền gửi? Theo tôi, an toàn tiền gửi liên quan đến an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại. Và trong an toàn hệ thống ngân hàng thương mại thì công cụ lớn nhất và quan trọng nhất là vai trò của ngân hàng Trung ương trong việc dùng công cụ để quản lý an toàn hệ thống. Một ngân hàng mất khả năng thanh toán thì ngân hàng Trung ương có thể giám sát đặc biệt, hỗ trợ về phương tiện thanh toán. Còn bảo hiểm tiền gửi chủ yếu hướng vào mặt xã hội, cho những người tiền ít nhưng số lượng đông. Mục tiêu là khi ngân hàng thương mại gặp rủi ro thì không ảnh hưởng đến cuộc sống của số đông những người gửi tiền này. Đây là cái chính yếu mà các nước trên thế giới đã làm. Bên cạnh đó, còn có yếu tố về tâm lý, khi thấy hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, bất ổn thì có thể nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên để tạo tâm lý tin tưởng, yên tâm trong người gửi tiền. Khi người gửi tiền yên tâm thì họ không rút tiền, không rút tiền thì ngân hàng không đổ vỡ. Đây là điểm tôi muốn đóng góp ý kiến.

 

Thứ hai, về tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tôi cho rằng phải là một định chế độc lập, không nằm trong cơ quan riêng của Ngân hàng Nhà nước mà do Chính phủ tổ chức. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là một định chế công, phi lợi nhuận chịu sự quản lý của Nhà nước và ngân hàng Trung ương nhưng nó có thể hạch toán và thực thi nhiệm vụ được giao.

 

Thứ ba, về phí bảo hiểm tiền gửi, tôi cho rằng, nên linh hoạt và trong tương lai khi xét duyệt ngân hàng thương mại thì tùy vào khả năng mạnh - yếu của từng ngân hàng mà đưa ra mức phí khác nhau, không nên đánh đồng như hiện nay.

 

- Liên quan đến các ngân hàng thương mại, Chính phủ vừa yêu cầu, trong tháng 11 này, Ngân hàng Nhà nước trình Đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng. Ý kiến của Đại biểu về vấn đề này như thế nào?

 

- Tái cơ cấu ngành ngân hàng là chủ trương đúng nêu trong Nghị quyết Trung ương Ba. Trong bối cảnh hoạt động của ngân hàng thương mại đang có nguy cơ về nợ xấu và về khả năng thanh khoản của một số ngân hàng cá biệt, tôi cho rằng, trước tiên tái cấu trúc một lĩnh vực quan trọng như ngân hàng cần phải cẩn trọng. Không để tái cấu trúc làm đổ vỡ một số ngân hàng cá biệt và dẫn đến vỡ cả hệ thống. Trong điều kiện như vậy, chúng ta có nhiều cách để làm, để phân loại. Ví dụ, khuyến khích các ngân hàng lớn cùng một số ngân hàng nhỏ liên kết lại trong vấn đề tín dụng, vấn đề thanh khoản và vấn đề tài sản, thậm chí có thể mua cổ phần của nhau để giữ từng nhóm lại. Thứ hai, một số ngân hàng có thể tự nguyện hợp nhất lại để tăng khả năng. Thứ ba là cực chẳng đã, nếu có điều kiện và theo thẩm quyền thì Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại và yêu cầu những ngân hàng tái cấu trúc.

 

Hai điều kiện đầu tiên đòi hỏi có lộ trình trên tinh thần chúng ta khám sức khỏe từng ngân hàng. Trên cơ sở đó, chúng ta có định hướng, có chính sách cụ thể cho từng nhóm ngân hàng. Và nếu ngân hàng nào tự nguyện làm tốt những định hướng, chính sách đưa ra thì ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng công cụ của mình, ví dụ giúp về thanh khoản. Về tín dụng, nếu các ngân hàng nhỏ muốn tăng tín dụng thì ngân hàng Nhà nước cho phép cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho các lĩnh vực, ngành xuất nhập khẩu bằng các dự án tín dụng mà doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án. Sau đó, ngân hàng Trung ương tái cấp vốn cho dự án đó. Như vậy, chúng ta vừa tăng được tín dụng vừa tăng thanh khoản. Có nghĩa là, ngân hàng Trung ương đóng vai trò người cho vay cuối cùng đối với một số đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu hay hoạt động ở những lĩnh vực khó khăn liên quan đến nhiều lao động... Về tổ chức chúng ta đi những bước và những nhóm như vậy. Còn về chính sách, nó sẽ gắn việc tái cấu trúc với việc giúp tài trợ thanh khoản và tài trợ tín dụng. Như vậy thì mới có thể làm được.

 

- Và tránh được sự đổ vỡ…?

 

Tôi nghĩ là không thể để đổ vỡ. Nhưng các ngân hàng không thể dựa vào việc Nhà nước sẽ không để đổ vỡ mà làm sai, không tích cực trong việc tái cấu trúc. Đối với những loại ngân hàng không tích cực trong việc tái cấu trúc, thì có thể áp dụng biện pháp thứ ba như đã nêu ở trên – ngân hàng Nhà nước mua lại và yêu cầu ngân hàng thương mại phải tái cấu trúc.

 

- Để thực hiện được những giải pháp Đại biểu vừa nêu thì cần lộ trình như thế nào?

 

Ngân hàng Nhà nước phải nắm rõ từng ngân hàng để có thể xây dựng được lộ trình thích hợp.

 

- Xin cám ơn Đại biểu!


    Ý kiến bạn đọc