Đoàn ĐBQH làm việc tại BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh
EmailPrintAa
12:19 10/08/2013

Ngày 8/8/2013, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc với BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh về tình hình quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự có các vị Đại biểu Quốc hội, đại diện các Sở TN-MT và NN&PTNN, đại diện các xã có rừng thuộc quản lý của Ban cùng Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND Thị xã Hồng Lĩnh.

Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh có 14 biên chế, quản lý 9.590,8 ha rừng, trong đó diện tích giao khoán là 5.678 ha với 250 hộ, diện tích không sử dụng được: 3.305,2 ha. Thời gian qua đơn vị đã lập hồ sơ đóng mốc ranh giới giữa các chủ quản lý, sử dụng trên địa bàn 19 phường xã (thuộc 4 huyện, thị), đóng mốc và bảng ranh giới đối với 3 loại rừng, lập hồ sơ khoán đất lâm nghiệp và không để tranh chấp khiếu kiện về đất đai trên diện tích mình quản lý. Qua 5 năm thực hiện Dự án 327 đã trồng được 1.228,5 ha, di dãn 75 hộ dân và 12 năm thực hiện Dự án 661 đã trồng mới được 3.092,4 ha. Rừng Hồng Lĩnh cũng là nơi có nhiều chùa chiền phục vụ đời sống tâm linh, nhiều hồ đập phục vụ đắc lực phát triển kinh tế xã hội của các địa bàn xung quanh.

          Bên cạnh các kết quả đạt được, qua làm việc nhận thấy đơn vị còn một số khó khăn, tồn tại như các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, chung chung; việc đo vẽ chưa hoàn chỉnh; quy hoạch rừng còn manh mún, không tập trung; việc đầu tư, chăm sóc chưa nhiều nên lợi ích mang lại còn thấp, gây khó khăn nguồn thu cho đơn vị; địa hình núi dốc khó trồng cây, khó khăn khi chống cháy rừng; việc giao khoán đất triển khai chậm, diện tích chưa nhiều; một số nơi chưa rà soát đóng mốc ranh giới; hồ sơ giao khoán rừng chưa đầy đủ, còn xảy ra sai sót, trùng lắp; nguồn vốn nhà nước đầu tư ít; chưa được trang cấp các trang thiết bị cho cán bộ công tác bảo vệ rừng; sự phối kết hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương chưa thực sự mang lại hiệu quả, thiếu thiếu tính đồng bộ.

            Tại buổi làm việc đơn vị và các địa phương có rừng cũng đã đề nghị tỉnh phê duyệt cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành việc rà soát đất đai; nên có sự thống nhất trong các quy hoạch, đề nghị bổ sung biên chế, cấp kinh phí ổn định để duy trì hoạt động và phòng chống cháy rừng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương, đồng thời lưu ý thời gian tới đơn vị cần phát huy tính năng động, sáng tạo khai thác tiềm năng, lợi thế đất rừng để nâng cao thu nhập cho người dân và người lao động, cải thiện môi trường sinh thái; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, phân giới, quản lý và bảo vệ rừng, phối kết hợp với các ngành, đoàn thể địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân…

 


    Ý kiến bạn đọc