Đoàn Giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm việc với trường Cao Đẳng Kỷ thuật Việt Đức
EmailPrintAa
20:18 27/02/2019

Sáng ngày 27/2, Đoàn giám sát Ủy ban văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm việc với Trường Cao đẳng Kỷ thuật Việt Đức về “việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp”. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Sơn – TUV, phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và thành viên Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, cùng một số sở ban, ngành liên quan. Đồng chí Triệu Thế Hùng – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo, Tiến sĩ Cao Thành Lê - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức hiện có 134 giáo viên, đào tạo 12 ngành nghề và các chương trình ngắn hạn, trong đó có 2 ngành đạt cấp độ chuẩn quốc tế, 4 ngành cấp độ khu vực, 1 ngành cấp quốc gia. Hiện đang có 2.982 học viên theo học tại trường, quy mô tuyển sinh hàng năm trên 1.000 HSSV.

Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Việt Đức Tiến sỹ Cao Thanh Lê báo cáo

Trong đó, phương pháp dạy và học từng bước được đổi mới theo hướng chủ động, tích cực, độc lập. Việc tổ chức đào tạo dần chuyển sang hình thức tích lũy tín chỉ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Hoạt động hợp tác quốc tế với các nước Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… được đẩy mạnh cả về quy mô, hiệu quả, hình thức, đa dạng về nội dung. Tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp luôn đạt trên 95%, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, hiện nay, công tác đào tạo nghề của nhà trường đang gặp một số khó khăn như cơ cấu tuyển sinh hàng năm của nhà trường hiện nay chủ yếu tuyển sinh vẫn là trung cấp và sơ cấp, còn hệ cao đẳng ngày càng giảm, chỉ xấp xỉ khoảng 18%. Bên cạnh đó tỷ lệ tuyển sinh một số ngành nghề độc hại, nặng nhọc ngày càng giảm. Sau đào tạo, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm của học sinh sinh viên còn hạn chế.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức đã đề xuất một số kiến nghị tới Trung ương như: Đẩy mạnh phân luồng học sinh từ bậc THCS lên THPT nhằm định hướng tốt hơn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách để thu hút và khuyến khích người dân vào học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp…

Phó Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Việt Hương phát biểu

Tại buổi làm việc, lãnh đạo trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh đề xuất  một số kiến nghị tới Trung ương như: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh phân luồng học sinh từ bậc học THCS lên THPT để định hướng tốt hơn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Điều chỉnh lại cơ cấu đào tạo nghề với giáo dục đại học phù hợp với cơ cấu nhu cầu việc làm của thị trường lao động; Thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách để thu hút và khuyến khích người dân vào học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp; xác lập hệ thống các ngành nghề mà nhà sử dụng lao động phải sử dụng người lao động đã qua đào tạo,…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội Triệu Thế Hùng kết luận cuộc làm việc

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được của nhà trường; khẳng định Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh là một trong những trường trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.

Đồng thời đồng chí Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng đề nghị nhà trường báo cáo cụ thể hơn về các vấn đề quy hoạch giáo dục, tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức bộ máy, về đào tạo, nghiên cứu… Trường cần có sự lựa chọn ngành nghề đạo tạo phù hợp, đặc biệt là trong thời điểm chuyển biến về nhận thức của xã hội đối với dạy nghề; có chế độ chính sách, ưu đãi đối với học viên đăng ký học các ngành nghề độc hại; có chiến lược mang tính chất hệ thống trong truyền thông.

Đoàn giám sát cũng mong muốn nhà trường sớm hoàn thiện báo cáo để đoàn giám sát có số liệu cụ thể nhằm bổ sung, hoàn thiện chính sách về giáo dục nghề nghiệp, trình tại Quốc Hội trong kỳ họp sắp tới./.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc