Giám sát của báo chí - Giám sát của công chúng, của cử tri
EmailPrintAa
14:44 22/09/2014

Báo chí không có chức năng giám sát. Nhưng báo chí tham gia tích cực vào hoạt động giám sát. Và có nhiều phương thức để cơ quan báo chí hỗ trợ ĐBQH, các cơ quan của QH và QH thực hiện chức năng giám sát. Hoặc theo phương thức thông tin thường xuyên hoặc chủ động tham gia giám sát hoạc độc lập tiến hành phục vụ giám sát...

Báo chí thông tin hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo chương trình kế hoạch hàng năm, hàng quý được công khai trên phương tiên thông tin đại chúng. Các hoạt động này bao gồm nhiều công đoạn từ chuẩn bị nội dung chương trình, kế hoạch, văn bản tài liên quan đến việc tiến hành giám sát tại đơn vị, nghe báo cáo, trao đổi thảo luận, kết luận hay tiến hành chất vấn… Ngay trong từng công đoạn giám sát, báo chí đã tích cực thông tin kịp thời đầy đủ và có chọn lọc. Những phương thức thông tin như thế này là việc tham gia truyền thông hoạt động giám sát thường xuyên của báo chí. Nội dung thông tin, thời điểm thông tin, dung lượng thông tin hoàn toàn phụ thuộc cơ quan giám sát cung cấp. Có thể nói đây là sự tham gia giám sát bị động của cơ quan truyền thông theo chương trình, kế hoach, nội dung đã định sẵn.

Đây cũng là phương thức tham gia truyền thông hỗ trợ hoạt động giám sát chính thống.  Và là phương thức truyền thông quan trọng, với dung lượng lớn, thường xuyên, kịp thời và được cử tri quan tâm. Nhất là tại kỳ họp Quốc hội, các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn hay điều trần ở các Ủy ban của Quốc hội.

Hiệu quả sự tham gia  truyền thông hoạt động giám sát này như thế nào lại tùy thuộc loại hình cơ quan báo chí, chức năng nhiệm vụ và mối quan tâm của từng tờ báo. Đặc biệt,  hiệu ứng xã hội của công tác truyền thông về hoạt động giám sát còn phụ thuộc vào tiêu chí, đối tượng phục vụ của  mỗi báo, vào khả năng am hiểu, phân tích, hệ thống và dẫn chứng hoạt động giám sát của đại biểu dân cử, của cơ quan  của Quốc hội. Tuy nhiên cần thấy rằng  kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết nghề nghiệp của  phóng viên  sẽ quyết định quan trọng kết quả truyển tải đến công chúng ; Quyết định hiệu quả tham gia hoạt động giám sát của cơ quan truyền thông mà mình đại diện thực thi nhiệm vụ.
 
Báo chí chủ động tham gia giám sát

Sự chủ động của báo chí trong trường hợp này từ phía hai cơ quan. Cơ quan tiến hành giám sát, ĐBQH tiến hành giám sát thấy vấn đề cần mời cơ quan báo chí tham gia để đưa tin tương đối độc lập với đoàn giám sát.

Bên cạnh đó, cơ quan báo chí tham gia giám sát theo yêu cầu  của cơ quan giam sát  và còn theo tư cách độc lập của cơ quan thông tin đại chúng được mời. Trong trường hợp này nêu không có yêu cầu giới hạn thông tin của đoàn giám sát thì cơ quan báo chí vừa phản ánh hoạt động giám sát vừa có thể cung cấp thông tin báo chí liên quan hỗ trợ  phục vụ hoạt động giám sát; vừa có thể lên tiếng độc lập với tư cách là cơ quan báo chí phản ánh sự kiện, vấn đề bất cập tới cử tri không phải với vai trò là cơ quan tiến hành giám sát.

Việc tham gia hoạt động giám sát này thường có sự lựa chọn kỹ càng các cơ quan báo chí tham gia phục vụ . Hoặc là cơ quan báo chí chuyên phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội như Báo ĐBND hoặc các hãng thông tấn, Đài truyền hình trung ương, VOV… hoặc cơ quan báo chí liên quan đến lĩnh vực giám sát  trực tiếp như văn hóa, thanh thiếu niên nhi đồng, khoa học công nghệ… Khi tham gia các hoạt động giám sát như thế này, bên cạnh thông tin kịp thời đầy đủ hoạt động giám sát, các cơ quan báo chí này thường có thêm thông tin hệ thống,  có sự so sánh, phân tích sâu lĩnh vực giám sát để cử tri và công luận có cái nhìn bao quát và hiểu sâu sắc, cụ thể thêm vấn đề đang tiến hành giám sát.

Hình thức tham gia hỗ trợ giám sát này không nhiều nhưng sẽ mang lại hiệu ứng, hiệu quả tích cực cho hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Trong nhiều trường hợp, đoàn giám sát có thể chưa đưa ra kết luận, kiến nghị giám sát. Nhưng báo chí đi theo có thể phân tích, nêu vấn đề trách nhiệm và giải pháp cụ thể để công luận bày tỏ thái độ, phán xét... Những vấn đề  đã rõ ràng có thể được cơ quan hữu quan tiếp thu chỉnh sửa ngay  mà  không cần đợi đến kiến nghị giám sát. Cũng trong nhiều trường hợp có vấn đề đoàn giám sát không  thể đề cấp trực tiếp thì qua báo chí vấn đề được công khai mà không ngại va chạm “ hành chính”…
 
Báo chí tham gia giám sát độc lập

Khi một vấn đề giám sát được báo cáo trước Quốc hội còn chưa rõ, còn tranh luận hay có sự vòng vo, né tránh… Trong rất nhiều trường hợp  như vậy, báo chí có sự tham gia điều tra thông tin độc lập cũng cấp cho ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội. Các  thông tin thời sự có hệ thống thông qua phương tiện thông tin đại chúng làm tài liệu tham khảo cho các ĐBQH.

Có thể thấy  thông tin về các vụ việc, các lĩnh vực cụ thể như:  vấn đề giáo dục, vấn đề giao thông, vấn đề y tế,  vấn đề đất đai, vấn đề cán bộ;  vấn đề hoạt động của các doanh nghiệp tập đoàn nhà nước; chính sách nông nghiệp, nông thôn… song hành với các phiên họp chất vấn, điều trần có tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động giám sát . Bên cạnh đó, các phóng sự điều tra độc lập như việc giải quyết tranh chấp đất đại ở Tiên Lãng, Hải Phòng  đã  gợi ra và chỉ rõ tránh nhiệm của các cấp các ngành trong đó có tránh  nhiệm giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Quốc hội ứng cử  tại khu vực  và của Ủy ban liên quan của Quốc hội cần thiết vào cuộc như thế nào.  Cũng chính từ đây, Ủy ban kinh tế đã có  giám sát chuyên đề  về giải quyết khiếu nai tố cáo trong lĩnh vực đất đại ở một số địa phương báo cáo UBTVQH và QH; Đồng thời đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu sửa đổi Luật đất đại  một cách cơ bản, toàn diện.

Trên thực tế các phương thức hỗ trợ ĐBQH, các cơ quan của QH, Quốc hội thực hiện chức năng giám sát được thực hiện đan xen, không phân định rõ ràng. Tuy nhiên, mục tiêu của các hoạt động tham gia giám sát là hướng đến kết quả cuối cùng - Sự chuyển động của bộ máy nhà nước thực thi những kiến nghị giám sát.

 

 


    Ý kiến bạn đọc