Cùng với sự phát triển của đất nước, trong những năm gần đây tổng số vốn đầu tư trong xã hội của cả nước liên tục tăng cao, trong đó có Hà Tĩnh. Chỉ tính riêng tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006-2010 và năm 2011 trên địa bàn tỉnh là 43.772,19 tỷ đồng (vốn ngân sách là 32.244,81 tỷ đồng), trong đó vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn là 20.719,90 tỷ đồng, chiếm 64,25% vốn ngân sách. Với sự quan tâm, ưu tiên nguồn vốn đầu tư của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã góp phần tạo điều kiện cho tỉnh ta thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: quy hoạch; quản lý, sử dụng đất; đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát…góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Đã thực hiện được một số chỉ tiêu chủ yếu có ý nghĩa to lớn như: thu nhập bình quân đầu người từ 5,11 triệu đồng năm 2006 lên 12,17 triệu đồng năm 2010 và 16,367 triệu đồng năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 23,91% năm 2011; giảm tỷ lệ lao động trong nông thôn xuống còn 64%. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường; quyền dân chủ được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Qua khảo sát một số công trình giao thông thủy lợi trên địa bàn các huyện Can Lộc, Lộc Hà đã minh chứng cho giá trị to lớn của nguồn vốn đầu tư này và hiệu quả kinh tế mang lại cho các địa phương. Như tuyến đê Tả Nghèn, với chiều dài gần 24km, bắt đầu từ xã Vượng Lộc (Can Lộc) đến xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) vừa mới được đầu tư nâng cấp thời gian qua. Hiện tại đang còn một vài km chưa được triển khai thi công do thiếu vốn, song phần lớn tuyến đê đã hoàn thành đưa vào sử dụng đều phát huy tốt hiệu quả về tiêu thoát, chống úng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn cho đời sống người dân và cơ sở hạ tầng các xã vùng hạ Huyện Can Lộc trong mùa mưa bão. Mặt đê được bê tông hóa, kết hợp làm đường giao thông góp phần phát triển kinh tế- xã hội phục vụ dân sinh trong khu vực. Đối với những huyện “mới” ở nơi đầu sóng ngọn gió như Lộc Hà, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn, nhất là đối với những công trình giao thông, thủy lợi. Do vậy, với những công trình như công trình đê, kè chống bão ở xã Thạch Bằng có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn và phát triển ở khu vực trung tâm “đầu não” của địa phương. Nếu không có chủ trương ưu tiên đầu tư nguồn lực trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh và bố trí, lồng ghép các nguồn vốn của các ngành chủ quản thì rất khó để huyện Lộc Hà có được những công trình như thế .
Đoàn giám sát kiểm tra đường giao thông nông thôn ở xã Thạch châu - Lộc Hà |
Ưu điểm nổi trội của chính sách đầu tư công ở tỉnh ta trong thời gian qua là đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỷ thuật và hạ tầng xã hội nông nghiệp, nông thôn, nhất là trên các lĩnh vực Thủy lợi: toàn tỉnh đã xây dựng được 345 hồ chứa nước, với sức chứa trên 762,6 triệu m3 nước, đang xây dựng và nâng cấp thêm 49 hồ chứa, trong đó có những công trình có quy mô lớn như: Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; hồ chứa nước Thượng nguồn sông Trí, hệ thống thủy lợi cống Đức Xá và Kênh trục sông Nghèn…Đã nâng cấp, sửa chữa được 81,2km; nâng tổng số các tuyến đê được nâng cấp sửa chữa lên 99,2km trên tổng chiều dài 32 tuyến đê toàn tỉnh là 318,7km, đạt 31,1%.Giao thông: Giai đoạn 2006-2010, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng được ưu tiên đầu tư, đến nay, toàn tỉnh có trên 2.100km/3.614,72km đường xã và 2.318/2.890,64km đường thôn, xóm được cứng hóa đã góp phần to lớn. Điện: Đến nay tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, từ xã, phường, thôn, xóm đều được hòa lưới điện quốc gia; đến năm 2011 có 99,53% hộ gia đình được sử dụng lưới điện quốc gia. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cơ sở hạ tầng dịch vụ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp: Đến nay toàn tỉnh có 154 chợ nông thôn đã cung ứng kịp thời, đầy đủ, đa dạng các loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đồng thời cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân. Trụ sở Đảng ủy HĐND, UBND xã, nhà văn hóa xã, thôn, sân vận động, công viên: Trên 70% số xã trên địa bàn tỉnh có trụ sở làm việc hai tầng, khá khang trang đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.Hệ thống trường học, dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng: Đến nay có 116/278 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; 296/306 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 102/189 trường THCS đạt chuẩn quốc gia và 16 trung tâm GGTX-KTTH. Hệ thống y tế nông thôn: 100% các trung tâm y tế cấp huyện đều được quan tâm đầu tư, được trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh, nhất là các thiết bị công nghệ hiện đại góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; các trạm y tế tại các xã được UBND các huyện, các xã tự huy động hoặc lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để đầu tư…
Qua kiểm tra thực tế, trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng và chính quyền một số địa phương, cơ sở cho thấy, tuy đã được quan tâm, bố trí nguồn vốn tương đối lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất; đầu tư trong một số lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, thủy lợi còn thiếu đồng bộ, đối với một số hạng mục công trình suất đầu tư thấp, đầu tư còn dàn trải đã dẫn đến hiệu quả sử dụng còn thấp, gây lãng phí; quy định tỷ lệ huy động nguồn lực đóng góp, đối ứng của người dân được hưởng lợi còn cứng nhắc, chưa phù hợp với mức thu nhập của người dân ở từng vùng, miền khác nhau dẫn đến người dân khó hoặc không thực hiện được cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án để đưa vào sử dụng; trách nhiệm của địa phương cơ sở trong quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng một số công trình giao thông, thủy lợi vừa và nhỏ thuộc địa phương quản lý chưa rõ; công tác duy tu, bảo dưỡng để kéo dài tuổi thọ công trình sau đầu tư chưa được quan tâm đúng mức…
Trong thời gian tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn đang còn những diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước dự báo vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng do ảnh hưởng của lạm phát sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đầu tư công nói chung và cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng. Bên cạnh đó nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn rất lớn trong khi nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ còn hạn chế, ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao nên việc huy động các nguồn lực đầu tư còn hạn chế…Cùng với những nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu trên thì cũng cần phải kể những nguyên nhân chủ quan như: Công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng đến tận người dân, chưa huy động được các thành phần kinh tế tập trung nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là đối với các vùng sâu, xa, vùng có điều kiện địa hình, kinh tế khó khăn. Hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành nhiều nhưng chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn, nguồn lực hạn hẹp; sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa chặt chẽ; một số địa phương, đơn vị còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại...
Đoàn giám sát làm việc với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Để công tác đầu tư công nói chung, nhất là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở tỉnh ta trong thời gian tới tiếp tục đạt kết quả tốt, đề nghị Quốc hội sớm thông quaLuật Đầu tư công; sửa đổi, điều chỉnh Luật Đất đai theo hướng tăng hạn điền giao đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tăng mức hỗ trợ đầu tư như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình 134, 135, 106, Chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản, Chương trình khai thác nguồn lợi thuỷ sản... nhất là đối với các dự án phát triển sản xuất, các chương trình đầu tư ở vùng sâu, xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, các xã vùng biên giới; ban hành các chính sách hỗ trợ mạnh hơn nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư công vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là đối với phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; bố trí đủ nguồn vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng bằng các nguồn vốn khác; mặt khác việc lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư nên giao cho các địa phương tự chủ, phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương; đồng thời phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục làm tốt công tác cải cách thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian, cắt giảm những khâu, những loại giấy tờ, thủ tục rườm rà, để khuyến khích thu hút mạnh mẽ các thành phần tham gia đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn.
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ( 12/04)
- Nâng cao chất lượng vận tải công cộng và chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ( 08/04)
- Tiếp tục giám sát, đốc thúc việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh đảm bảo an toàn giao thông ( 06/04)
- Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên tuyến đường ven biển và đường thủy nội địa trên địa bàn Hà Tĩnh ( 05/04)
- Kịp thời rà soát, xử lý dứt điểm các vị trí, đoạn tuyến mất an toàn giao thông ( 04/04)
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân về an toàn giao thông đường sắt ( 03/04)