Tăng cường công tác phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em
EmailPrintAa
19:10 11/09/2019

Sáng 11/9, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì cuộc làm việc với các Sở: Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Tỉnh đoàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2019.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đường Công Lự báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc lĩnh vực y tế

Trên địa bàn Hà Tĩnh tổng số trẻ em tính đến cuối tháng 6/2019 là 334.293 em, chiếm gần 26% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2015-2019, tổng số trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh 32 em; trong đó, thành phố 02 vụ (6%), nông thôn 17 vụ (chiếm 53%), miền núi 13 vụ (chiếm 41%). Các hình thức xâm hại chủ yếu là bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, hiếp dâm trẻ em… Đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân, quen, ruột thịt trong gia đình. Phương thức xâm hại là lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết và dùng vật chất để dụ dỗ... tập trung nhiều ở các địa bàn nông thôn, miền núi.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đặng Thị Quỳnh Diệp báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc trách nhiệm của sở giáo dục - đào tạo

Nhìn chung, thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em tiềm ẩn phức tạp và có xu hướng gia tăng về tính chất, mức độ, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Thị Loan làm rõ thêm tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc lĩnh vực ngành quản lý

Qua làm việc và nghe báo cáo của các đơn vị cho thấy, việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua đạt được những kết quả quan trọng, có nhiều chuyển biến tích cực từ công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện và phối hợp thực hiện, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đến việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại; số lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em tăng lên; công tác theo dõi, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm thực hiện hiệu quả; các vụ việc xâm hại trẻ em đều được xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt đề nghị tăng cường hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tự phòng chống bạo lực học đường, bạo lực trẻ em

Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nguyễn Vinh Cảnh: tăng cường công tác phối hợp với các ngành có liên quan để rà soát, phân loại số trẻ em lang thang có nguy cơ cao bị xâm hại để bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND và UBND tỉnh Phạm Nghĩa: cần triển khai nhiều biện pháp, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục trẻ em và người chăm sóc trẻ kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại

Tại cuộc làm việc, các đơn vị cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về xâm hại trẻ em cho địa phương; Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn có liên quan; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các ngành, cơ quan; bố trí và ưu tiên bố trí kinh phí để duy trì, đầu tư, phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em…

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu tham dự đánh giá cao sự vào cuộc và những kết quả đạt được của các đơn vị trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh việc xâm hại trẻ em đang là vấn đề có chiều hướng diễn biến phức tạp, đề nghị các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó; xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp luật, kiên quyết không để lọt tội phạm.

Ngoài ra, các ngành chức năng, theo nhiệm vụ, trách nhiệm của mình tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và can thiệp kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc