Tập trung giám sát về chính sách vĩ mô
EmailPrintAa
16:04 24/08/2016

Đối với những vấn đề có tính chất cá biệt, cụ thể nên giao cho các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát. Xác định rõ phạm vi, thẩm quyền của từng cấp để hạn chế sự chồng lấn về phạm vi, nội dung và đối tượng giám sát. Quy định rõ trách nhiệm của ĐBQH là thành viên Đoàn giám sát. Nâng cao vai trò giám sát của các Đoàn ĐBQH tại địa phương.

Tôi có quan điểm khác với một số ý kiến trong loạt bài đăng trên Báo Đại biểu Nhân dân, đó là QH chỉ nên giám sát những vấn đề mang tính chính sách vĩ mô. Và hoạt động giám sát phải gắn với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Đối với những vấn đề có tính chất cá biệt, cụ thể nên giao cho các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát. Xác định rõ phạm vi, thẩm quyền của từng cấp để hạn chế sự chồng lấn về phạm vi, nội dung và đối tượng giám sát. Quy định rõ trách nhiệm của ĐBQH là thành viên Đoàn giám sát. Nâng cao vai trò giám sát của các Đoàn ĐBQH tại địa phương.

Tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của QH, đặc biệt trong giám sát phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; các công trình trọng điểm quốc gia; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đối với hoạt động xem xét báo cáo, cần quy định cụ thể những nội dung mà các cơ quan liên quan phải báo cáo trước QH; xác định cụ thể những báo cáo nào thuộc phạm vi giám sát (ngoài báo cáo công tác); những báo cáo nào phải trình ra QH xem xét. Đồng thời, quy định cụ thể về quy trình, cách thức xây dựng, thẩm tra, phân công cơ quan có trách nhiệm xây dựng báo cáo của UBTVQH về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH.


Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội khảo sát khu vực quy hoạch xây Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. 
Nguồn: baodongnai.com.vn

Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát và hậu quả pháp lý của hoạt động xem xét báo cáo theo thẩm quyền của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Phân định rõ việc xem xét báo cáo là một hình thức thực hiện giám sát với việc xem xét báo cáo là quy trình để bảo đảm về nội dung, thủ tục trình ra QH.

Đối với hoạt động xem xét việc trả lời chất vấn, cần bổ sung quy định về quy trình tổ chức thực hiện các phiên chất vấn tổng hợp mà tại đó ĐBQH có thể hỏi bất kỳ cá nhân nào do QH bầu hoặc phê chuẩn về bất cứ lĩnh vực gì mà ĐBQH quan tâm. Cần quy định cụ thể hơn về thủ tục, trình tự, thời gian thực hiện từ bước chuẩn bị chất vấn, trả lời đến kết luận, đánh giá việc trả lời chất vấn tại Kỳ họp QH. Cần quy định cụ thể về cách thức thực hiện việc cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể trong hoạt động chất vấn của ĐBQH. Ra Nghị quyết về các nội dung chất vấn, trách nhiệm của người bị chất vấn để làm căn cứ cho việc giám sát thực hiện lời hứa, lấy phiếu tín nhiệm đối với người được chất vấn. Quy trình chất vấn tại kỳ họp QH cần được thiết kế theo hướng tạo điều kiện cho việc thảo luận, tranh luận, trao đi đổi lại về một vấn đề. Tăng cường hoạt động chất vấn tại UBTVQH để bảo đảm tính liên tục; tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH để làm rõ các nội dung mang tính chuyên sâu, những vấn đề bức xúc trong dư luận.

Đối với hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, cần ban hành quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hình thức giám sát văn bản của QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH nhằm tăng cường giám sát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật; giao một cơ quan làm đầu mối báo cáo tổng hợp trình QH về việc thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc tổ chức các Đoàn giám sát, cần kết hợp tổ chức Đoàn giám sát theo chương trình, kế hoạch với việc tổ chức các Đoàn giám sát đột xuất với cơ chế khác nhau giữa việc thành lập Đoàn giám sát theo chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát đột xuất để phù hợp với từng đối tượng giám sát cụ thể. Kết luận giám sát phải làm rõ trách nhiệm, việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ngoài thời gian làm việc với UBND các tỉnh, Đoàn giám sát cần dành nhiều thời gian để khảo sát thực tế tại cơ sở, qua đó, giúp nhận định, phân tích tình hình sát với thực tế.

Để nâng cao chất lượng, hiệu lực giám sát, theo tôi cần tiếp tục phát huy vị trí vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng, công tác cung cấp thông tin, sự tham gia của cơ quan kiểm toán, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, nhất là sự đánh giá phản hồi ý kiến của cử tri, các đối tượng chịu tác động của chính sách, pháp luật đối với hoạt động giám sát của QH.


    Ý kiến bạn đọc