Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông bảo đảm liên kết vùng
EmailPrintAa
07:58 29/04/2022

Chiều ngày 28/04/2022, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh và Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Nguyệt chủ trì buổi làm việc.

Tham dự cuộc làm việc có: Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia; các thành viên Đoàn giám sát và các sở, ngành địa phương.

Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện UBND huyện Thạch Hà cho biết: Huyện Thạch Hà sắp xếp 15 đơn vị hành chính cấp xã thành 6 đơn vị hành chính mới, giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 9 trạm y tế, 10 trường mầm non và trường tiểu học; giảm 124 cán bộ, công chức (57 cán bộ, 67 công chức và 74 người hoạt động không chuyên trách cấp xã)… Như vậy, sau sắp xếp, huyện còn 22 xã thị trấn, trong đó: 2 đơn vị hành chính đã đạt 100% về quy mô dân số và quy mô diện tích; 4 xã đạt 100% về quy mô dân số và trên 65% quy mô diện tích; 1 xã đạt trên 50% quy mô dân số và quy mô diện tích; 13 xã đạt trên 50% quy mô dân số nhưng chưa đạt 50% quy mô về diện tích.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Thạch Hà - Lê Thị Phương Thủy báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn

Hiện, trên địa bàn còn xã Thạch Khê và xã Thạch Hải thuộc diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 nhưng chưa thực hiện sắp xếp (do 2 xã nằm trong vùng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nhưng việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa xác định rõ). Bởi, việc khai thác sẽ ảnh hưởng tối thiếu đến 2/3 diện tích xã Thạch Khê và 1/3 xã Thạch Hải. Theo đó, sẽ ảnh hưởng đến việc quy hoạch và tái định cư của Nhân dân 2 xã…

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu kiến nghị những thực trạng sau sáp nhập đơn vị hành chính tại Thạch Hà

Từ thực tiễn, lãnh đạo huyện Thạch Hà cho rằng, việc quản lý đất đai, hộ khẩu, hộ tịch tại một số xã nhất là xã sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính gặp nhiều khó khăn, do địa bàn rộng, dân số đông, hồ sơ liên quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai khá phức tạp, nhiều thời kỳ, số lượng biên chế chức không được tăng. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn còn mốt số khó khăn nhất định, do diện tích địa bàn rộng; số lượng công an chính quy về công tác tại các xã, thị trấn chưa đáp ứng; phụ cấp của đội ngũ Công an viên tại các thôn, tổ dân phố thấp, nên chưa thực sự tâm huyết với công việc. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc giữa cấp ủy, người đứng đầu với Nhân dân chưa được thường xuyên liên tục, do số lượng thôn, tổ dân phố của các xã, thị trấn nhiều (xã nhiều nhất 25 thôn)

Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội - đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Tô Văn Hòa làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm

Huyện Thạch Hà kiến nghị cần có các chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực đối với các xã, thị trấn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đặc biệt đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng trụ sở đơn vị hành chính mới, trạm y tế xã mới, nhằm bảo đảm trung tâm và tạo thuận lợi trong đi lại, giao dịch của Nhân dân; có chính sách chi trả phụ cấp đối với những người thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố, bảo đảm mỗi người được hưởng phụ cấp không thấp hơn 500.000 đồng/1 tháng/1 người… Đối với Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, lãnh đạo huyện Thạch Hà kiến nghị cần quy định cụ thể số năm liền trước tính đến thời điểm phân loại đơn vị hành chính các cấp đối với tiêu chí “Tự cân đối thu chi ngân sách”; bổ sung yếu tố tôn giáo trong tính điểm phân loại đơn vị hành chính các cấp. Đồng thời, bổ sung quy định đối với các đơn vị hành chính đã thực hiện sáp nhập 2 đơn vị hành chính mặc dù chưa bảo đảm quy mô dân số, diện tích theo quy định nhưng không phải sáp nhập thêm đơn vị hành chính thứ 3 trở lên.

Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Thị Nguyệt: Thời gian tới, huyện sẽ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương liên quan đến công tác sáp nhập đơn vị hành chính từ cấp trên

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 của huyện Thạch Hà; cho rằng, sau khi sắp xếp, kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, văn hóa – xã hội được duy trì và phát huy; các hoạt động quản lý của chính quyền địa phương tiếp tục được duy trì; công tác thực hiện chính sách an sinh, xã hội ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp được thực hiện kịp thời, đúng quy định… Liên quan đến việc lồng ghép các điểm trường sau sáp nhập, một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị đánh giá rõ tác động đến việc học tập của học sinh; làm rõ việc bảo đảm khám, chữa bệnh cho Nhân dân…

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Hà trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính. Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị huyện tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; phát huy kết quả ở các đơn vị đã thực hiện sáp nhập đem lại hiệu quả tốt… Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, bảo đảm liên kết vùng; quy hoạch vùng sản xuất và các cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện…

Thay mặt Đoàn giám sát, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận các kiến nghị của địa phương và cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc