Hoạt động chất vấn là quyền và hình thức giám sát trực tiếp của đại biểu HĐND tại nghị trường. Trong các kỳ họp HĐND, phiên chất vấn và trả lời chất vấn là phiên họp quan trọng, được đông đảo cử tri, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm theo dõi. Đây cũng là phiên họp quan trọng cho thấy vai trò của HĐND và vai trò của từng đại biểu HĐND.
Ở thành phố Hà Nội và một số địa phương khác, khi hỏi cử tri quan tâm đến lĩnh vực hoạt động nào của đại biểu HĐND và của HĐND? - đa số cử tri đều trả lời rất quan tâm đến các kỳ họp của HĐND, trong đó đặc biệt chú ý theo dõi hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Chất vấn đúng người, đúng việc, rõ ràng và cụ thể, đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri và các tầng lớp nhân dân, đúng luật chứng tỏ người đại biểu có trình độ, trí tuệ, có tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh. Qua hoạt động chất vấn nhiều đại biểu đã được nhân dân cảm phục… Ngược lại, cũng có đại biểu chất vấn hời hợt, lạc hướng, đưa ra những chứng lý kém thuyết phục, không thực tế. Ở một số đơn vị bầu cử, có cử tri đặt câu hỏi tại sao đại biểu ấy chất vấn lạ kỳ như vậy? Tại sao khi vận động bầu cử thì hứa rất hùng hồn, vậy mà gần hết nhiệm kỳ không thấy đại biểu đăng đàn chất vấn? Có rất nhiều nguyên nhân như: thiếu thông tin về vấn đề cần chất vấn; kiến thức pháp luật liên quan còn hạn chế, cách trình bày ý kiến chất vấn dàn trải, không rõ ràng, không có trọng tâm, trọng điểm khiến người bị chất vấn cũng khó trả lời. Cũng có trường hợp đại biểu chất vấn sai hoặc nội dung chất vấn đã được thông cung từ trước. Cũng có trường hợp đại biểu ngại chất vấn vì sợ đụng chạm. Có đại biểu một vài kỳ họp đầu rất hăng hái chất vấn, nhưng các kỳ họp sau lại im lặng. Nguyên nhân, do chất vấn không được trả lời thỏa đáng, không ai nhận lỗi, không quy được trách nhiệm cho ai. Một số đại biểu do thiếu bản lĩnh và trách nhiệm trước cử tri và nhân dân nên chất vấn né tránh, xuôi chiều. Thực tế, qua theo dõi hoạt động của đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và nhiều địa phương, có rất nhiều đại biểu cả nhiệm kỳ không chất vấn lần nào. Làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND là vấn đề lớn, cần được quan tâm và có các giải pháp thiết thực.
Muốn có phiên chất vấn sôi động, hiệu quả tại kỳ họp HĐND thì trước hết phải có được các nội dung chất vấn do đại biểu đề xuất. Đại biểu phải gửi câu chất vấn đúng pháp luật, đúng thực tế, đúng trọng tâm, trọng điểm đến Thường trực HĐND cùng cấp để tổng hợp, lựa chọn. Muốn vậy, trước hết người đại biểu phải dành thời gian nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, nắm vững được nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND các cấp, quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND; nắm vững nội dung nghị quyết của HĐND đã ban hành; hiểu biết về tình hình và khả năng của địa phương và mỗi đơn vị trong việc thực hiện các nghị quyết của HĐND. Giữa hai kỳ họp, đại biểu cần tăng cường tham gia hoạt động giám sát và tiếp xúc với cử tri, tiếp công dân, lắng nghe dư luận trong nhân dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng để phân tích và chắt lọc cái đúng, cái sai, chứng cứ… Đại biểu HĐND phải dành thời gian đọc và nghiên cứu kỹ các báo cáo sẽ được trình tại kỳ họp để tự phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương; công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của UBND và các ngành liên quan; nhận định được nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến kết quả hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, từng đơn vị, từ đó đối chiếu với các quy định của pháp luật, các quy định của địa phương để hình thành nội dung chất vấn. Bên cạnh đó, các hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND như: giám sát, khảo sát, tổ chức các hoạt động chuyên đề hoặc trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác nên tạo điều kiện để đại biểu được tham gia; đồng thời chú trọng đến công tác bồi dưỡng, cung cấp các thông tin, tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động đại biểu, trong đó có kỹ năng chất vấn.
Thường mỗi kỳ họp, thời lượng HĐND dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chưa thỏa đáng. Có nơi, chủ tọa kỳ họp né tránh những vấn đề nóng mà đại biểu chất vấn; bên cạnh đó việc điều hành không khoa học, không phát huy được tính dân chủ cũng làm cho hoạt động chất vấn của đại biểu bị hạn chế. Để phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND có chất lượng, đạt được mục đích, chủ toạ kỳ họp cần đổi mới phương pháp điều hành; sau khi lựa chọn được các nội dung cần chất vấn, cần phân chia thời gian phù hợp, hướng người chất vấn và trả lời chất vấn vào nội dung chính, trọng tâm, trọng điểm. Chủ tọa cũng cần động viên, khích lệ các đại biểu, tạo không khí cởi mở giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Khi nội dung chất vấn của đại biểu không được trả lời thỏa đáng, chủ tọa có thể yêu cầu tái chất vấn tại kỳ họp sau, hoặc có những biện pháp giám sát khác. Ngoài ra, cần đổi mới nội dung chương trình từng kỳ họp HĐND, phân chia thời gian phù hợp cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có chất lượng và hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào cá nhân từng đại biểu HĐND. Đã chất vấn phải nói có sách, mách có chứng; phải hiểu và nắm được tường tận hoặc tương đối tường tận điều cần chất vấn. Bên cạnh đó rất cần bản lĩnh, trí tuệ, dám chịu trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri và nhân dân.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Thêm 02 hộ chính sách của huyện Hương Sơn có nhà mới đón Tết Ất Tỵ 2025 ( 15/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)