Chọn người trách nhiệm
EmailPrintAa
08:58 23/02/2016

Cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đang đến gần. Giữa bao nhiêu vấn đề đặt ra, nhiều chuyên gia nhấn mạnh tiêu chí: ứng viên phải có chiến lược và chương trình hành động rõ ràng. Tất nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, chiến lược có thể điều chỉnh, nhưng khó ai dám phó thác tương lai của mình cho những người chưa hề có một ý tưởng hay suy nghĩ đầy đủ về trọng trách sắp được giao gánh vác.

Thực tế, không ít cán bộ vẫn có lối tư duy thụ động. Không ít người được đề cử vẫn “khiêm tốn” bảo rằng: tổ chức phân công thì phải chấp hành thôi. Nếu được tin cậy thì sẽ gắng sức làm cho tốt...

Người càng khiêm tốn, càng tỏ ra không “mặn mà” với chức vụ thì càng được đánh giá cao. Ngược lại, hăng hái ra tranh cử, đề xuất chương trình, mục tiêu cụ thể, không khéo lại bị nghi kị, cho là “thích chơi trội”, nói thế rồi không biết có làm được thế không...


Nguồn: ITN

Còn nhớ, có vị Bộ trưởng, sau gần một năm nhậm chức, khi được hỏi đã chuẩn bị chiến lược gì phát triển ngành, vẫn bình thản trả lời: “Tôi mới nhận công việc, cứ giữ ổn định, chưa có kế hoạch gì”... Một đất nước, bao vấn đề nóng bỏng, cấp thiết chờ đợi ở vị “tư lệnh” những quyết đáp mạnh mẽ mà Bộ trưởng cứ rủ rỉ, “khiêm tốn”, “chưa có kế hoạch gì” thì người dân còn biết trông chờ vào ai? Chưa kể, có trường hợp, cán bộ không hoàn thành trách nhiệm, còn đổ vấy cho tổ chức bố trí không đúng việc, năng lực hạn chế nên sai phạm là đương nhiên (!)

Con người là cái gốc của công việc. Sự chủ động, tinh thần trách nhiệm, lăn xả vào việc, lo cho dân cho nước khác với thói quen “khiêm tốn” giả vờ, sự thoái thác “khôn ngoan” kiểu công là của tôi, lỗi thuộc về tập thể! Cử tri tinh tường, tổ chức công tâm không bao giờ lựa chọn những người ở “khoảng giữa” cơ hội ấy. Cho nên, một thắng lợi của Đại hội Đảng XII vừa qua chính là đã khuyến khích phát lộ và lựa chọn được những hạt nhân mới, những người có trách nhiệm, biết lăn xả vào việc, lấy trách nhiệm trước Đảng, trước dân lên trên hết. Họ dám đối diện với sức nóng của thời cuộc, với sự e ngại dư luận thông thường về “đánh bóng cá nhân”, “chơi trội” để hướng tới thực chất công việc. Đó là những người có tinh thần đổi mới và trách nhiệm. Dù nói ra hay không, chắc chắn khi bắt tay vào việc họ đã biết xây dựng cho mình những kế hoạch dài hơi thực hiện, hay chí ít những châm ngôn nằm lòng để quyết tâm đi đến hiệu quả cuối cùng.

Một cá nhân bình thường cũng cần đến kế hoạch, chiến lược cuộc đời, huống hồ người được giao đứng mũi chịu sào, nắm sinh mệnh hàng triệu con người như các vị đại biểu của nhân dân, các vị lãnh đạo ngành, địa phương… Có những nhà khoa học lặng lẽ hoàn thành kế hoạch cuộc đời mình, như một sự nghiệp sống còn phải đạt đến. GS. Trần Đức Thảo hoàn thành những bài nghiên cứu sâu sắc và minh triết của mình để đăng trên các tạp chí nổi tiếng ở Pháp. Một nhà triết học sống đạm bạc, lặng lẽ đến cô độc lại là tác giả của những tác phẩm triết học nổi tiếng làm các học giả hàng đầu ở các nước có nền triết học hàng đầu châu Âu phải nghiêng mình. Thái độ trách nhiệm ấy xứng đáng để mỗi cá nhân, trong đó có những “công bộc dân” hôm nay suy ngẫm!

Đất nước, ở tầm vĩ mô có những kế hoạch nhìn xa về phía trước, có những cương lĩnh, những bộ luật đồ sộ được đưa ra toàn dân lấy ý kiến, tranh thủ trí tuệ của cả mấy chục triệu người. Với mỗi ứng viên vào QH, cương lĩnh tranh cử cần được xây dựng nghiêm túc, trí tuệ và khả thi. Cương lĩnh ấy phải được cử tri giám sát, phải có lộ trình và quyết tâm thực hiện. Đó là cơ sở để cử tri lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho mình đồng thời là nền tảng để mỗi đại biểu hoạch định công việc, xác lập quyết tâm hoàn thành tốt nhất trọng trách được cử tri giao phó!

 

 


    Ý kiến bạn đọc