Hội nghị cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác của QH và UBTVQH Khóa XIII |
Theo Phó chủ tịch QH QH Uông Chu Lưu với những cải tiến đổi mới trong công tác lập pháp, số lượng, chất lượng các văn bản luật được thông qua ngày càng được nâng cao; tiếng nói, ý nguyện của cử tri đã được phản ánh ngày càng rõ nét. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đi vào thực chất hơn, đặc biệt là quyết định ngân sách nhà nước. Hoạt động giám sát không ngừng được đổi mới từ quy trình, thủ tục đến cách thức thức giám; nội dung tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước phát huy những thành tích, ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, hạn chế. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của QH Khóa XIII vẫn còn những hạn chế, bất cập đòi hỏi cần được tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động QH các khóa tới, phúc đáp đòi hỏi ngày càng cao của Nhân dân, của quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Nhấn mạnh Dự thảo báo cáo công tác của QH, của UBTVQH nhiệm kỳ Khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng, trên tất cả các mặt công tác, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các vị đại biểu, các chuyên gia tập trung thảo luận, trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập; phân tích rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả, hạn chế, cũng như những thách thức đối với hoạt động của QH, UBTVQH trước đòi hỏi ngày càng cao của Nhân dân và trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của QH trong những nhiệm kỳ tiếp theo.
5 bài học kinh nghiệm được QH Khóa XIII rút ra
Trình bày Báo cáo tóm tắt công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong gần 5 năm qua, QH Khóa XIII đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới mạnh mẽ, bám sát thực tiễn triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn cả trong lập Hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; có nhiều quyết sách, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, đồng thời tạo nền tảng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trong những năm tới.
Trải qua 5 năm với sự thành công tốt đẹp và những kết quả đáng trân trọng, tự hào trong tổ chức và hoạt động, QH Khóa XIII rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
Bài học thứ nhất, bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân là nhân tố quyết định để QH hoàn thành tốt trọng trách mà nhân dân ủy thác. Thông qua hoạt động lập Hiến, lập pháp, giám sát tối cao, QH đã thể chế hóa kịp thời Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết của Đảng, sớm đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đối với hoạt động của QH đã tạo không khí dân chủ, cởi mở, phát huy trí tuệ đại biểu, nâng cao hiệu quả hoạt động của QH.
Bài học thứ hai là phát huy dân chủ, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và phản ánh đẩy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tới QH, giám sát chặt chẽ việc giải quyết kiến nghị của cử tri là nhân tố quan trọng bảo đảm cho QH có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín, vai trò của QH, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến và tăng cường niềm tin của cử tri, của nhân dân đối với QH. Thực tiễn cho thấy QH phải thực sự dân chủ, gắn bó chặt chẽ với cử tri, có trách nhiệm với cử tri sẽ bắt mạch được hơi thở cuộc sống, bám sát sự vận động của đời sống kinh tế- xã hội, góp phần làm cho các quyết định của QH đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân.
Bài học thứ ba, tiếp tục kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của 70 năm QH Việt Nam, QH Khóa XIII đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới mạnh mẽ, dân chủ thực sự trong tổ chức và hoạt động, chứng minh tính liên tục trong kế thừa và phát triển của QH Việt Nam. Đoàn kết, trí tuệ, đổi mới thực sự là yêu cầu thường xuyên để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.
Bài học thứ tư được QH Khóa XIII rút ra là tăng cường phối hợp, hợp tác có hiệu quả với Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan là yếu tố rất quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần giúp QH hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Việc tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ quan hữu quan đã tạo sự thống nhất, kịp thời trong xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, nhất là liên quan đến các nội dung trình QH xem xét quyết định và công tác bầu cử, giám sát bầu cử, tuyên truyền động viên các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia đóng góp ý kiến cho hoạt động của QH.
Bài học thứ năm, chất lượng ĐBQH đóng vai trò quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH. Tăng cường ĐBQH chuyên trách, tăng tỷ lệ ĐBQH có năng lực, trình độ chuyên môn so với các khóa trước đã góp phần quan trọng, thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động chung của QH. Các ĐBQH cơ bản phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia hoạt động của các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH mà ĐBQH là thành viên; triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Cần đánh giá đúng vai trò hoạt động của các đoàn ĐBQH
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm VPQH, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão cho rằng, bên cạnh bài học thành công, cần đưa cả ra các bài học chưa thành công, các hạn chế. Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão đề xuất bổ sung các nội dung vào các bài học kinh nghiệm. Trước hết, bài học phát huy vai trò của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Báo cáo chưa đề cập đến phát huy vai trò, những thành tựu và hạn chế của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH. Thứ hai, cần bổ sung bài học về phát huy mối quan hệ của QH, các cơ quan của QH với HĐND các cấp. Tiếp theo là bài học về điều hành ở kỳ họp QH, đây là bài học rất quan trọng. Cuối cùng là bài học về phát huy vai trò của công nghệ thông tin, truyền thông báo chí đối với hoạt động của QH, qua đó nhân dân hiểu, quan tâm với các hoạt động của QH.
ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, đánh giá về hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban trong Báo cáo tổng kết còn mờ nhạt. Vai trò của của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban cần phải được đánh giá cụ thể hơn. Trong đó, Thường trực của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, đặc biệt là hoạt động thẩm tra các văn bản luật, qua đó nâng cao chất lượng của các văn bản luật khi trình ra UBTVQH, QH.
Bên cạnh đó, đánh giá về các đoàn ĐBQH, đánh giá còn nhạt quá, chưa thể hiện được vai trò của các Đoàn ĐBQH. Cần phải đánh giá đầy đủ về tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH trong triển khai các kế hoạch hoạt động của QH, UBTVQH; đó có thể trong nhiệm vụ giám sát, trong nhiệm vụ lấy ý kiến vào các dự án Luật, trong nhiệm vụ tổ chức công tác bầu cử. Đặc biệt cần đề cập đến vai trò của Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách trong việc thúc đẩy hoạt động của Đoàn ĐBQH.
Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Chu Sơn Hà, báo cáo đánh giá bên cạnh các nhận xét tổng quát cần phải bổ sung các số liệu minh họa, làm sống động cho báo cáo. Dẫn ra ý kiến của cử tri về thực trạng luật ban hành nhiều nhưng việc vào cuộc sống có lúc còn chưa được như mong muốn, đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị báo cáo cần làm sâu sắc thêm hoạt động giám sát, đưa pháp luật vào cuộc sống. Có ý kiến đề nghị cần có giải pháp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả sau giám sát, đặc biệt là chế tài trong việc triển khai thực hiện các kết luận giám sát.
Hội nghị thống nhất đánh giá cao những kết quả nổi bật của QH, UBTVQH nhiệm kỳ khóa XIII được nêu trong báo cáo. Các ý kiến cũng đã tập trung đề xuất bổ sung thêm nội dung về vị trí vai trò tham mưu của VPQH, văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND; phần phụ lục cần bổ sung hoạt động của các Đoàn ĐBQH tại 63 tỉnh, thành phố. Báo cáo cũng cần nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thiết chế dân chủ trong việc bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; những bất cập, hạn chế trong hệ thống pháp luật hiện hành và giải pháp để khắc phục.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Thêm 02 hộ chính sách của huyện Hương Sơn có nhà mới đón Tết Ất Tỵ 2025 ( 15/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)