Kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên (6/01/1946- 6/01/2016)
EmailPrintAa
17:46 04/01/2016

Chiều 4/01/2016, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức buổi lễ gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/01/1946 - 6/01/2016). Tham dự buổi lễ, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, Trần Ngọc Tăng - Ủy viên Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Nam Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; các vị Đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ đang sống trên địa bàn tỉnh và đại diện Lãnh đạo các Sở, ban ngành và 13 huyện, thị xã và thành phố.

Đồng chí Trần Tiến Dũng -  Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu khai mạc

Phát biểu tại hội nghị đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã khái quát quá trình hình thành, phát triển của Quốc hội Việt Nam 70 năm qua (từ 1946 - 2016) và một số đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh từ khóa I đến khóa XIII. Đồng chí nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường 70 năm qua của Quốc hội Việt Nam chúng ta thực sự vui mừng và tự hào vì cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoạt động ngày càng có hiệu lực và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, được Nhân dân tín nhiệm và đồng tình ủng hộ. Tính dân chủ và tính đại diện trong hoạt động của Quốc hội ngày càng được phát huy, nhất là qua các kỳ họp Quốc hội.

 

Toàn cảnh buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

bầu Quốc hội Việt Nam

Từ Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XIII đã có 110 đại biểu Quốc hội hoạt động trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh và 81 đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ Tĩnh các khóa VI, VII, VIII đã nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri, thường xuyên nghiên cứu đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lập hiến và lập pháp; công tác giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (năm 2011- 2016), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh có 7 vị đại biểu, trong đó có 3 đại biểu giữ các chức vụ chủ chốt ở các  cơ quan Trung ương, có 4 đại biểu công tác ở địa phương. Nhìn lại nhiệm kỳ 2011 - 2016, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã cùng với Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và nhân dân tỉnh nhà nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; cùng với các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 và nhiều dự án luật, thực hiện nhiệm vụ giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để đẩy nhanh tiến trình đổi mới, phát triển của đất nước.

 

Đồng chí Trần Viết Hậu - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Về công tác lập pháp: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức, triển khai lấy ý kiến đóng góp được 85/ 94 dự án luật để cụ thể hoá và tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013; tổ chức 45 cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật;  tổ chức các đợt lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và ở các cơ quan, đơn vị có liên quan, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi  Hiến pháp năm 2013, Luật đất đai (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự và các luật tố tụng (sửa đổi)…

 

Đồng chí Trần Quốc Thại - nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH khóa IX

Về hoạt động giám sát: Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức giám sát, khảo sát được 35 cuộc; giám sát theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội 6 cuộc; giám sát theo chương trình kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội 4 cuộc; tham gia phối hợp với các Uỷ ban của QH giám sát 7 cuộc và tổ chức khảo sát 2 cuộc. Hầu hết nội dung các cuộc giám sát chuyên đề đều là những chính sách lớn, mang tầm vĩ mô đã và đang được cử tri cả nước quan tâm; những nội dung Đoàn chọn để giám sát ở địa phương đều là những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

Đồng chí Dương Hữu Giáo - nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH khóa VIII

Về tiếp xúc cử tri: đã tổ chức tiếp xúc được 350 cuộc ở 350 điểm tại các cơ sở  thôn, xóm và xã, phường, thị trấn ở các huyện, thị xã và thành phố với hơn 525.000 lượt cử tri tham dự. Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 45 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với lấy ý kiến góp ý các dự án luật ở các cơ quan tư pháp, khối mặt trận, đoàn thể các cấp, khối Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp xúc cử tri chuyên ngành với ngành y tế, ngành giáo dục, tổ chức tiếp xúc với cử tri nơi đại biểu Quốc hội cư trú và nơi công tác. Tại các cuộc tiếp xúc đã thu nhận được  khoảng 5.250 ý kiến, kiến nghị của cử tri; những cử tri không có thời gian phát biểu trực tiếp đã đóng góp ý kiến bằng văn bản.

 

Đồng chí Trần Ngọc Tăng - đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Về tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân: đã tiếp nhận 560 đơn thư, trong đó đã xem xét và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết 320 đơn, số còn lại thuộc đơn trùng lặp nội dung, đơn đã được cấp có thẩm quyền giải quyết và ra quyết định cuối cùng.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc - đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ngoài ra, tại các kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có trên 650 lượt ý kiến của đại biểu trong Đoàn phát biểu đóng góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp; có một số ý kiến đóng góp được gửi bằng văn bản. Bên lề các kỳ họp, Đoàn đã tranh thủ thời gian cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở, Ban, Ngành liên quan tổ chức làm việc với 100 đơn vị Bộ, Ban, Ngành, Tập đoàn, Tổng công ty, các cơ quan Ngoại giao ở Hà Nội, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; với lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tổng kết cũng nêu rõ một số hạn chế như: một số dự án luật khi trình Quốc hội chưa được chuẩn bị tốt, chưa đạt được sự đồng thuận cao và chưa tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cơ quan chuyên môn, của nhóm đối tượng điều chỉnh và ý kiến của cử tri; một số dự án Luật Văn phòng Quốc hội gửi về chậm; nhiều dự án luật liên quan đến những lĩnh vực chuyên ngành chưa tổ chức được hội nghị lấy ý kiến được sâu, rộng nên hạn chế trong việc cung cấp thông tin; năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác giám sát của đại biểu Quốc hội có mặt còn hạn chế; các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở Trung ương và địa phương ít có thời gian, điều kiện để tham gia đầy đủ hoạt động giám sát của Đoàn; việc đôn đốc theo dõi các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát còn hạn chế, trong lúc chế tài "hậu giám sát" Luật chưa có quy định cụ thể; số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri chưa nhiều, các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, ngành và lĩnh vực còn hạn chế, chủ yếu tiếp xúc trước và sau kỳ họp; việc giám sát, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm kịp thời xem xét, giải quyết trả lời cho cử tri còn có những hạn chế…

 

Đồng chí Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, các đồng chí nguyên là đại biểu Quốc hội các khóa đã khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và đánh giá cao những kết quả mà Đoàn ĐBQH tỉnh đạt được trong thời gian qua; đồng thời đóng góp một số ý kiến, kiến nghị tập trung vào một số vấn đề như: tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp, các Luật của Quốc hội; trong các kỳ bầu cử Quốc hội tỉnh không nên có cơ cấu quân xanh, quân đỏ mà nên lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn ra tranh cử để nhân dân được quyền lựa chọn, đảm bảo dân chủ, khách quan; cần có phòng truyền thống để lưu lại những hình ảnh hoạt động từng thời kỳ của Đoàn ĐBQH để cho các thế hệ mai sau có thể kế thừa và phát triển; thành lập CLB cựu nghị sỹ Quốc hội để các đồng chí qua các thời kỳ có thể gặp gỡ nhằm ôn lại những hoạt động của Quốc hội; tranh thủ các điều kiện và nguồn lực để giải quyết tốt các vấn đề quan trọng của tỉnh; luôn nêu cao tinh thần, xác định rõ trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội là gắn bó chặt chẽ, xứng đáng với niềm tin cậy của Nhân dân và cử tri tỉnh nhà; phấn đấu hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân…

Ghi nhận và biểu dương những đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh, các vị đại biểu qua các thời kỳ đối với sự phát triển của tỉnh, đồng chí  Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Kế thừa và phát triển tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh; thực sự là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Thông qua hội nghị, đồng chí thông tin một số kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2015; một số thành tích trong những ngày đầu năm 2016; tiến độ một số dự án lớn trong Khu kinh tế Vũng Áng; kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh… Đồng chí khẳng định, có được kết quả như hiện nay là do sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, cộng đồng doanh nghiệp, toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh nhà, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các vị đại biểu Quốc hội trong các thời kỳ. Đồng chí mong muốn các đại biểu tiếp tục quan tâm, theo dõi, đóng góp ý kiến để Hà Tĩnh hoàn thành được mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
 

Trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phục vụ Quốc hội Việt Nam”

Nhân dịp này, thay mặt Văn phòng Quốc hội các đồng chí: Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Trần Ngọc Tăng - Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao Kỷ niệm chương “vì sự nghiệp phục vụ Quốc hội Việt Nam” cho 10 đồng chí.


    Ý kiến bạn đọc