Phải có tư duy đổi mới, làm cho hoạt động giám sát của QH thực chất, đúng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất
EmailPrintAa
07:58 26/01/2015

Lược ghi ý kiến của CHỦ TỊCH QH NGUYỄN SINH HÙNG tại phiên họp UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND

Hoạt động của cơ quan quyền lực, của cơ quan giám sát tối cao là cao nhất, nhưng hiệu lực của giám sát như thế nào? Tôi thấy lấy phiếu tín nhiệm là tương đối có kết quả. Lần lấy phiếu sau so với lần trước, những người được lấy phiếu đều thấy vấn đề là phải cố gắng hơn. Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp QH, sau đó QH ra nghị quyết chốt một việc, hai việc, ba việc - tôi thấy tương đối có kết quả. Còn giám sát của ĐBQH, các cơ quan của QH đi khắp nước..., tổ chức rất rình rang nhưng cuối cùng những kiến nghị sau các cuộc giám sát này đến đâu? Muốn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của QH phải sửa Luật Hoạt động giám sát của QH. Đây thực sự phải là giám sát của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có quyền lực, giám sát ở Trung ương là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, địa phương là quyền lực của địa phương. QH đang bàn sửa Luật MTTQ Việt Nam, trong đó có việc phân biệt giữa giám sát của Mặt trận với giám sát của QH và HĐND. Tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của QH hiện hành mà không rút ra vấn đề về hiệu lực, hiệu quả của giám sát thì không thể sửa được Luật này. Nói cách khác là sửa Luật này cũng không đem lại hiệu quả cao trong hoạt động giám sát thực sự.

Bây giờ một kiến nghị giám sát chưa chắc bằng một bài báo nói xoáy vào chỗ này, chỗ kia, nêu bật vấn đề và cuối cùng lại có kết quả. Như trên đã nói, thực tế vừa qua giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm thì tương đối có kết quả khá rõ. Tôi nhớ mãi hình ảnh QH giám sát về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, quyết định dừng mấy công trình, dự án sắp xây dựng, sau đó là dẹp bỏ hẳn một nửa số lượng công trình. Hiệu quả là ích nước lợi dân thật. Hiện nay công tác rà soát này đang tiếp tục, ngay cả những việc như quy hoạch dòng chảy cũng phải làm lại nếu không rất nguy hiểm. Đó là những việc có hiệu quả qua giám sát của QH. Hay giám sát về việc chấp hành pháp luật giao thông, ĐBQH chất vấn yêu cầu Chính phủ báo cáo, đề xuất giải pháp, yêu cầu các tỉnh, thành trên cả nước phải giảm 5 - 10% số vụ tai nạn giao thông theo mục tiêu QH đề ra. Các cơ quan có trách nhiệm đang tổ chức thi hành và cho thấy có hiệu quả. Bây giờ đã hỏi đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Có địa phương đã giảm 30 - 40%. Như vậy là sẽ có kết quả. Nghị quyết của QH yêu cầu phải thi hành và lần sau phải báo cáo, không thi hành được là không được với QH. Giám sát là một trong những lĩnh vực cần phải đổi mới mạnh mẽ nhất; muốn đề xuất đổi mới lĩnh vực giám sát của QH, nhưng bị ách tắc, không trình được với UBTVQH, vì có Luật Hoạt động giám sát của QH hiện hành khống chế. Muốn đổi mới hoạt động giám sát của QH thì phải sửa Luật này.

Muốn đổi mới hoạt động QH, muốn xác định quyền lực không phải hình thức mà là thực chất, Luật có hiệu lực phải thi hành. Giám sát việc ban hành chậm văn bản phải thi hành. Các nghị quyết khác của QH phải thi hành. Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn phải thi hành. Lấy phiếu là công khai, công bố kết quả để cử tri, nhân dân cả nước biết và giám sát phải thi hành. Giám sát của QH, kể cả giám sát về khiếu nại, tố cáo là những vấn đề bức xúc nhất của dân, còn hình thức. Đây là trận địa QH chúng ta phải làm tới để đáp ứng yêu cầu. Đảng cũng có giám sát. Mặt trận, đoàn thể có giám sát. Nhân dân, Hiến pháp ghi, cũng có giám sát. QH từ lâu đã có giám sát, chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của QH - QH làm tốt. Tôi đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật xem đánh giá chỗ này thế nào? Bản dự thảo luật này đã đáp ứng được hiệu quả chưa? Hiệu quả thực của nó thế nào? Tôi thấy giám sát như thế này thì vẫn còn hình thức.

Tôi đề nghị ta phải đổi mới tư duy để làm luật này, lấy hiệu quả làm đầu. QH có nhiều chức năng là cơ quan quyền lực, cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bây giờ phải tính giám sát để phục vụ QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, phục vụ việc thực hiện quyền lực của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Hoạt động giám sát của QH phải chuyển qua phục vụ thực hiện các quyền lực này và phải gắn với nhau, không phải tách giám sát, tách lập hiến - lập pháp, tách quyết định những vấn đề quan trọng ra thì rời rạc. Giám sát cứ giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng cứ quyết định những vấn đề quan trọng, làm luật cứ làm luật - không gắn với nhau thì quyền lực không thể gắn được.

Giám sát Mặt trận là để tạo ra một dư luận xã hội, tiếng nói của xã hội, nhưng Mặt trận làm sao có quyền lực bãi miễn. Với QH, giám sát về kinh tế có thể kiến nghị là điều chỉnh việc này, điều chỉnh việc kia, tăng lên, giảm xuống để QH quyết định. Giám sát thực hiện quyền hành pháp, quyền tư pháp - nếu cán bộ không làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình thì thực hiện quyền giám sát về nhân sự, cán bộ, quyền lấy phiếu, quyền bỏ phiếu và quyền khác. Nếu sau giám sát, QH đã chỉ ra khuyết điểm, mà sửa tốt - QH hoan nghênh. QH giám sát, dù là ĐBQH, Đoàn ĐBQH mà thấy vấn đề, đồng chí đó hay cơ quan đó thấy đúng và chỉnh sửa thì QH hoan nghênh. Hiệu quả giám sát là chỗ đó, người được giám sát sửa được. Tôi đề nghị phải có tư duy đổi mới, tính toán tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của QH, làm cho nó thực chất, đúng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Còn cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, thì rõ rồi, cứ vi phạm Hiến pháp là phải xử ngay, phải kiến nghị, đề nghị bãi bỏ ngay, hoặc vi phạm pháp luật mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý luôn.

Đề nghị cơ quan soạn thảo suy nghĩ xem có cách gì không, từ đó cố gắng quy định gọn lại, đừng tràng giang đại hải như hiện nay..., mất rất nhiều công của, nhưng hiệu quả lại thấp. Cố gắng giám sát ai, cái gì, nội dung gì, việc gì, hình thức tổ chức giám sát có những loại gì. Ví dụ QH giám sát tối cao phải chọn đúng vấn đề tối cao có thể giải quyết được tại QH. Mình vừa báo cáo kinh tế - xã hội, vừa thẩm tra, lại đi giám sát lại toàn bộ kinh tế - xã hội, giảm nghèo thì tôi thấy nó mênh mang. Giám sát thực hiện nghị quyết của QH liên quan đến vài việc gì đó và giải quyết bằng quyền lực của QH về việc đó, nếu cần sửa nghị quyết, nếu cần ban hành nghị quyết mới, nếu cần xử lý cán bộ, nếu cần điều chỉnh... Ta cứ nóiđèn xanh, đèn đỏ, tôi không thấy chỗ nào đèn xanh, đèn đỏ cả - cứ phức tạp nó ra, vậy thì cứ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ta làm, QH không thể đi làm thay cơ quan khác. Việc này của cơ quan tư pháp làm, có cả quy trình như vậy, đến người xử án là ông tòa án, mình không thể đi xử án được, mình không thể vào đó bảo 5 năm tù phải xử 10 năm tù. Đó là việc của cơ quan tư pháp, nhưng việc họ làm đúng hay làm sai theo Hiến pháp và pháp luật... thì QH có quyền giám sát. Nếu sai thì phải có biện pháp để giải quyết. Đề nghị cơ quan soạn thảo cố gắng chắt lọc để quy định trong sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của QH lần này.

Một là, đối tượng giám sát là ai?

Hai là, về đối tượng của giám sát, lập pháp khác, hành pháp khác, tư pháp khác, cấp này khác, cấp kia khác thì phạm vi giám sát đối với những đối tượng này là những gì? Từ đó các hình thức giám sát áp dụng vào là thế nào? Vấn đề gì thì QH làm, vấn đề gì thì UBTVQH làm, vấn đề gì Ủy ban, Hội đồng Dân tộc làm và vấn đề gì thì Đoàn ĐBQH làm - tôi cho là hay hơn.

 

 


    Ý kiến bạn đọc