Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội
EmailPrintAa
21:07 31/07/2022

Ngày 12/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2022/UBTVQH15 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội. Nghị quyết có 9 điều quy định về: Chức năng; Nhiệm vụ và quyền hạn; Cơ cấu tổ chức; Công tác chỉ đạo, điều hành; Công tác tổ chức, cán bộ; Công tác quản lý tài chính, tài sản; Thành lập, tổ chức lại, giải thể các vụ, cục, đơn vị; Quy định chức năng, nhiệm vụ và lãnh đạo, chỉ đạo công tác của các vụ, cục, đơn vị; Hiệu lực thi hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội

Là cơ quan hành chính , có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ

Theo đó, Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Có 21 nhiệm vụ và quyền hạn chính

Tổ chức phục vụ các kỳ họp, phiên họp, tổ chức thực hiện chương trình công tác và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham mưu, phục vụ việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; quyết định những chính sách cơ bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tham mưu, phục vụ Quốc hội thực hiện giám sát tối cao, hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự lễ công bố và trao các quyết định về công tác cán bộ của Văn phòng Quốc hội

Tham mưu, phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo phân công, giúp Ủy ban Thường vụ  Quốc hội giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Tham mưu, phục vụ công tác đối ngoại; giúp việc phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan. Phối hợp tham mưu, phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. của Quốc hội và các cơ quan trực thuộc. Tham mưu, phục vụ việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội….

Xây dựng các báo cáo công tác. Quản lý công tác thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Quản lý kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho hoạt động . Tổ chức công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, bảo vệ và lễ tân. Ban hành văn bản thuộc thẩm quyền; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển; tư vấn, hỗ trợ kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và trình dự án luật, pháp lệnh. Tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức, viên chức và lao động hợp đồng. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội giao.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo  tại phiên họp giao ban lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội

Cơ cấu t chức gồm 29 vụ, đơn vị tương đương cấp vụ

Theo đó, có 10 vụ trực tiếp tham mưu, giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội bao gồm: Vụ Dân tộc; Vụ Pháp luật; Vụ Tư pháp; Vụ Kinh tế; Vụ Tài chính, Ngân sách; Vụ Quốc phòng và An ninh; Vụ Văn hóa, Giáo dục; Vụ Xã hội; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Đối ngoại.

Có 03 vụ, đơn vị tương đương cấp vụ trực tiếp tham mưu, giúp việc các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm: Vụ Dân nguyện; Vụ Công tác đại biểu; Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử.

Có 14 vụ, cục, đơn vị tương đương cấp vụ tham mưu, giúp việc chung bao gồm: Vụ Thư ký; Vụ Tổng hợp; Vụ Phục vụ hoạt động giám sát; Vụ Tổ chức - Cán bộ; Vụ Hành chính (không quá 03 phòng); Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thông tin; Thư viện Quốc hội; Vụ Tin học (không quá 03 phòng và đơn vị tương đương); Vụ Lễ tân và Hợp tác quốc tế (không quá 03 phòng); Cục Quản trị I (không quá 06 phòng, đơn vị tương đương cấp phòng và 01 đơn vị sự nghiệp công lập là Nhà Khách Quốc hội tại Hà Nội); Cục Quản trị II (không quá 03 phòng, đơn vị tương đương cấp phòng và 01 đơn vị sự nghiệp công lập là Nhà khách Quốc hội tại Thành phố Hồ Chí Minh); Cục Quản trị III (không quá 03 phòng, đơn vị tương đương cấp phòng và 01 đơn vị sự nghiệp công lập là Nhà Khách Quốc hội tại Đà Nẵng); Văn phòng Đảng - Đoàn thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc với Báo Đại biểu nhân dân

Có 02 đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: Báo Đại biểu Nhân dân có 06 Ban và đơn vị tương đương cấp Ban, không quá 05 phòng thuộc Ban và đơn vị tương đương cấp Ban. Truyền hình Quốc hội Việt Nam có không quá 15 phòng và đơn vị tương đương cấp phòng.

Công tác chỉ đạo, điều hành

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo công tác của Văn phòng Quốc hội; chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác của Văn phòng Quốc hội.

Các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giúp Chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội thực hiện nhiệm vụ do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân công; chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Vụ trưởng, cục trưởng, trưởng đơn vị tương đương cấp vụ, trưởng đơn vị sự nghiệp công lập điều hành công việc của vụ, cục, đơn vị mình. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, đơn vị tương đương cấp vụ bình quân không quá 03 người trên một đơn vị. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định số lượng cụ thể đối với từng đơn vị sau khi xin ý kiến của Lãnh đạo Quốc hội.

Trưởng phòng, trưởng đơn vị tương đương cấp phòng, trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục điều hành và thực hiện công việc của phòng, đơn vị tương đương cấp phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục; trường hợp thật cần thiết mới bố trí cấp phó.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 12/7/2022 và thay thế các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 417/2003/NQ-UBTVQH11, số 618/2013/UBTVQH13 và số 816/2009/UBTVQH12.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc