Quy định toàn diện hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
09:09 20/01/2015

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 34, chiều 19/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào đề án tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội và dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
 
Quy định toàn diện hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống các văn bản pháp luật để cụ thể hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Tờ trình về Đề án tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội nêu rõ mục tiêu của Đề án chuẩn bị cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể, toàn diện hệ thống các văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội (trong Luật tổ chức Quốc hội).

Đề án tập trung giải quyết các vấn đề tổng kết việc thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội để thấy được những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nội quy, quy chế, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung cần thiết.

Rà soát lại toàn bộ các quy định trong nội quy, quy chế, nghị quyết có liên quan để thấy được những nội dung nào đã được luật hóa trong Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 hoặc sẽ được tiếp tục luật hóa trong Luật hoạt động giám sát (sửa đổi), Luật ban hành văn bản pháp luật (sửa đổi) và các luật khác dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong năm 2015; những nội dung nào không còn phù hợp với Hiến pháp và các luật hiện hành; những nội dung nào cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để phù hợp với thực tế hoạt động hiện nay của Quốc hội. Qua đó kiến nghị trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về danh mục những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ và định hướng sửa đổi, bổ sung các văn bản đó để báo cáo với Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm 2015 nhằm bảo đảm việc thi hành Luật tổ chức Quốc hội sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Nội dung của Đề án gồm tổng kết việc thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; v ề việc luật hóa các quy định trong nội quy, quy chế, nghị quyết; Kiến nghị các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới.

Cho ý kiến vào Tờ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc rà soát lại toàn bộ các quy định trong nội quy, quy chế, nghị quyết có liên quan, qua đó kiến nghị danh mục những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ và định hướng sửa đổi, bổ sung.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị cần tăng cường tính chủ động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc tổng kết việc thi hành, rà soát và đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung đối với Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tham gia Đề án này.

Cho ý kiến lần đầu dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Thời gian còn lại của buổi làm việc chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tờ trình dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nêu rõ dự án Luật được xây dựng để bảo đảm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp (năm 2013) và thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về tổ chức bộ máy nhà nước liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Việc đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải tiến hành đồng bộ và phù hợp với những đổi mới về tổ chức bộ máy của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng như các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.

Hoạt động giám sát phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương.

Việc dự án Luật xác định khoa học, hợp lý đối tượng, phạm vi và thẩm quyền giám sát cụ thể của Quốc hội, Hội đồng nhân dân giúp tránh sự chồng chéo, trùng lặp, phát huy vai trò của từng chủ thể giám sát; xây dựng quy trình thực hiện giám sát phù hợp với từng hoạt động giám sát của các chủ thể, bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và chủ thể chịu sự giám sát...

Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003) và Chương III của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2003) và các quy định khác có liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đây là dự án quy định một cách toàn diện hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Dự thảo Luật gồm 4 chương, 83 điều.

Cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật, nhiều ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá dự án Luật đã được chuẩn bị tích cực, công phu trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003) và Chương III của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2003) và các quy định khác có liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Đánh giá đây là dự án Luật quan trọng vì giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo dự án Luật cần làm rõ khái niệm giám sát tối cao là gì; có khác gì so với các giám sát khác về hiệu lực, phạm vi, chủ thể...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát muốn đảm bảo thực chất, dự án Luật cần bổ sung một số quy định. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá dự án Luật mới chỉ liệt kê các hình thức giám sát, vẫn còn trống rất nhiều quy định để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị Ban soạn thảo cho biết dự án Luật đã khắc phục được tính hình thức trong hoạt động giám sát hay chưa?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo cần làm dự án Luật gọn lại, trong đó cần hướng vào hiệu quả của hoạt động giám sát./.

 

 

 


    Ý kiến bạn đọc