Trên cơ sở lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh sửa và hoàn thiện với chất lượng khá cao. Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vấn đề gia hạn hay phải thu hồi đất nông nghiệp; vấn đề giải quyết tư liệu sản xuất cho hàng chục triệu nông dân và củng cố quan hệ sản xuất... là những vấn đề lớn cần tiếp tục thảo luận, làm rõ trước khi QH thông qua dự thảo Luật, dự kiến vào cuối Kỳ họp này.
Quy hoạch sử dụng đất từ cấp xã để nhân dân và chính quyền cơ sở được bàn bạc, quyết định thì việc triển khai thực hiện sẽ thuận lợi
Theo Luật hiện hành, quy hoạch sử dụng đất được thực hiện ở cả 4 cấp: xã, huyện, tỉnh, quốc gia. Dự thảo Luật trình QH lần này quy định chỉ quy hoạch sử dụng đất ở 3 cấp huyện, tỉnh, quốc gia, bỏ quy hoạch sử dụng đất ở cấp xã. Lý do là để khắc phục việc thiếu tính liên kết đồng bộ giữa các xã trên địa bàn huyện, tiết kiệm kinh phí, nhân lực, thời gian lập quy hoạch... Tuy nhiên, những lý do này là chưa thuyết phục. Tại Phiên thảo luận Tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong Kỳ họp này, nhiều đại biểu cũng chưa đồng tình với phương án sửa đổi nói trên: việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không chỉ đơn thuần là công việc chuyên môn kỹ thuật. Những công việc mang tính kỹ thuật trong lập quy hoạch sử dụng đất thì ở cấp chính quyền nào cũng thực hiện giống nhau và đều phải thuê tư vấn. Vấn đề quan trọng hơn là sự đồng thuận của nhân dân, là mối quan hệ giữa quy hoạch kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất không thể không gắn liền với quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quốc phòng an ninh của từng địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không thể không gắn liền với quy hoạch và kế hoạch phát triển nông thôn mới - một nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của cấp xã đang bàn bạc, quyết định và triển khai thực hiện.
Chúng ta biết rằng, cấp xã là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện tất cả những vấn đề liên quan đến đất đai, mọi xung đột về lợi ích giữa công dân với công dân và giữa công dân với tổ chức, với nhà nước về đất đai đều xảy ra ở cấp này. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là việc triển khai thực hiện quy hoạch và kế hoạch đó như thế nào. Thực tiễn cho thấy, mọi công việc nếu được nhân dân và chính quyền địa phương bàn bạc quyết định thì dù khó khăn và phức tạp đến mấy họ cũng có thể tự giải quyết, nhân dân sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để thực hiện những vấn đề mà chính quyền ở đó đã quyết định. Việc không quy định cấp xã được quyết định quy hoạch sử dụng đất thì khi thực hiện nếu có vướng mắc gì sẽ khó tránh được tình trạng cấp xã đổ lỗi cho quy hoạch, đổ lỗi cho quyết định của huyện, của tỉnh. Vì những lý do này, đề nghị không nên bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã.
Mặt khác, Điều 64 dự thảo Luật quy định ngoài 3 cấp quy hoạch sử dụng đất là quốc gia, tỉnh, huyện thì còn có quy hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng, an ninh. Khi lập một quy hoạch sử dụng đất thì trong đó không chỉ quy hoạch đất sử dụng cho kinh tế - xã hội mà còn có đất sử dụng cho quốc phòng, an ninh. Vì thế, quy hoạch đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh cần gắn liền với việc lập quy hoạch sử dụng đất của các cấp chứ không nên tách rời như dự thảo Luật. Trong trường hợp cần bảo đảm bí mật quốc gia thì có thể thiết kế thêm một số quy định về giới hạn công bố thông tin còn vấn đề lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cho quốc phòng, an ninh vẫn cần được thực hiện đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội do các cấp chính quyền thực hiện. Nếu tách rời thẩm quyền quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất cho quốc phòng, an ninh thì chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Cần rà soát, điều chỉnh lại đất nông nghiệp để người thực sự có nhu cầu sử dụng đất có tư liệu để sản xuất
Về thu hồi và phân chia lại đất sản xuất nông nghiệp - đây là vấn đề rất lớn liên quan đến tư liệu sản xuất đặc biệt của nhân dân, đang được hàng chục triệu nông dân, kể cả người có đất và người chưa có đất sản xuất quan tâm và mong đợi. Tuy nhiên, cách thể hiện trong dự thảo Luật và nội dung giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật có chiều hướng thiên về việc không thu hồi, không điều chỉnh lại đất nông nghiệp. Quy định như vậy là chưa rõ và chưa thuyết phục. Chúng ta không đặt vấn đề thu lại đất nông nghiệp với những đối tượng đang có nhu cầu sử dụng và đang sử dụng có hiệu quả đất nông nghiệp được giao để bảo đảm tư liệu sản xuất lâu dài cho người được giao đất, giúp họ yên tâm đầu tư, sản xuất. Nhưng không có nghĩa là không đặt vấn đề thu hồi và chia lại đất nông nghiệp, nhất là đối với các đối tượng đã hết thời hạn sử dụng và không có nhu cầu sử dụng đất. Thực tế cho thấy, đối tượng không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp đã được giao hiện nay rất nhiều. Sau 20 năm, nhiều đối tượng trước đây có nhu cầu và được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng bây giờ đã không có nhu cầu nữa. Cần nói rõ, nhu cầu ở đây là nhu cầu sử dụng đất với tư cách là một loại tư liệu sản xuất chứ không phải là nhu cầu sử dụng đất như một tài sản thông thường. Vì nhu cầu sử dụng đất thì lúc nào cũng có, người được giao đất có thể dùng diện tích đất được giao để mua, bán, thế chấp, cho thuê lại... nhưng nhu cầu sử dụng đất cho mục đích sản xuất nông nghiệp hoàn toàn khác.
Chủ trương giao đất nông nghiệp để người dân yên tâm sử dụng lâu dài là hoàn toàn đúng. Nhưng không thể không đặt vấn đề thu hồi đất của các đối tượng đã hết hạn giao đất hoặc vẫn còn thời hạn nhưng thực tế không sử dụng đất cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Phải rà soát lại các đối tượng này để xác định rõ, những đối tượng nào, Nhà nước cần tiếp tục tạo điều kiện giao đất ổn định, lâu dài để họ yên tâm sản xuất; đối tượng nào phải thu hồi, tạo quỹ đất cho địa phương cấp lại cho những người, những gia đình cần đất sản xuất nông nghiệp nhưng hiện đang thiếu hoặc chưa có đất để canh tác sản xuất.
Cần nói thêm rằng, vấn đề người cày có ruộng ở thời điểm này có thể không còn nóng bỏng như mấy chục năm về trước. Nhưng giá trị, ý nghĩa về mặt xã hội của nó vẫn là vấn đề sống còn của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chúng ta đang có hàng triệu người dân không có đất để canh tác, sản xuất; trong khi đó, cũng có hàng triệu người có đất nhưng không canh tác bởi nhiều lý do như tử vong, thoát ly khỏi khu vực nông thôn đến thành thị, trở thành công chức nhà nước hoặc tham gia vào các thành phần kinh tế khác. Cơ quan soạn thảo lý giải cho quy định của Dự thảo là do rất khó thu hồi vì người ta đã chuyển nhượng, đã cho thuê, đã góp vốn... Lý giải này không có lý. Người được giao đất có thể chuyển nhượng, cho thuê, thậm chí là góp vốn thì cũng chỉ trong thời hạn được giao chứ không thể cho thuê, góp vốn quá thời hạn Nhà nước giao. Nhà nước có giao đất nông nghiệp vô thời hạn đâu? Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng nói rõ thời hạn nên không thể nói rằng không thu hồi được đất. Điều quan trọng là chúng ta có quỹ đất để bảo đảm cho thực sự có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp có tư liệu để sản xuất, bảo đảmngười cày có ruộng. Vì thế, tại chương VI về thu hồi đất, cùng với các điều quy định thu hồi đất do vi phạm, do chấm dứt hợp đồng hoặc do tự nguyện trả đất thì cần có thêm một điều đối với trường hợp không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp và quy định rõ: khi hết thời hạn giao quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhà nước sẽ rà soát và tiến hành thu hồi đất đối với các đối tượng không còn có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất.
Tăng mức hạn điền cho cá nhân và hộ gia đình không phải là cách duy nhất và càng không phải là cách tốt nhất để tích tụ đất đai
Liên quan đến vấn đề tích tụ đất đai, quy định như dự thảo Luật về hạn điền nông nghiệp là hợp lý, vừa là một trong những điều kiện để tích tụ đất đai cho sản suất lớn, vừa bảo đảm để người lao động ở nông thôn có cơ hội được nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với một số ý kiến đề nghị tăng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên 20 lần hoặc bỏ hạn mức này, với lý do mà các ý kiến này đưa ra là để tạo điều kiện tích tụ đất đai cho sản xuất hàng hóa. Lý do đó không thuyết phục bởi lẽ: nếu tăng quá cao hoặc bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ dễ bị lợi dụng việc tích tụ đất đai để đầu cơ và độc quyền về đất đai ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và nguy cơ nông dân không có ruộng tăng cao. Khi đó, các mâu thuẫn và xung đột xã hội chắc chắn sẽ xảy ra. Tăng mức hạn điền cho cá nhân và hộ gia đình không phải là cách duy nhất và càng không phải là cách tốt nhất để tích tụ đất đai. Vấn đề lớn hơn, căn cơ và chiến lược hơn, QH cần phải bàn thêm là, sự hợp tác của cá nhân và các hộ gia đình nông dân với nhau như thế nào. Khi nông dân hợp tác lại với nhau thì vấn đề tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa là điều đương nhiên sẽ thực hiện được. Sự hợp tác với nhau của nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo mô hình mới được quy định tại Luật Hợp tác xã(sửa đổi) đã được QH thông qua tại Kỳ họp thứ Tư và sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1.7 tới. Đây là điều kiện để tổ chức lại sản xuất ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Hợp tác xã của nông dân theo kiểu mới, nếu được làm tốt thì không chỉ thực hiện được mục tiêu tích tụ đất đai, có nhiều cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả, tăng thu nhập mà còn góp phần củng cố thành phần kinh tế tập thể. Và quan trọng hơn rất nhiều đó là góp phần củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã và đang được khẳng định là đúng đắn trong con đường phát triển của đất nước ta.
Luật Đất đai là một trong những đạo luật có phạm vi và đối tượng tác động rộng nhất. Luật này liên quan đến thể chế chính trị, liên quan đến tính chất ưu việt của một xã hội vì đất đai là một loại tư liệu sản xuất đặc biệt. Với vai trò là tư liệu sản xuất trong một đất nước có đến 70% là nông dân như nước ta, đất đai tác động trực tiếp đến quan hệ sản xuất. Chúng ta có thể tham khảo Luật Đất đai của các nước nhưng việc áp dụng thì cần nghiên cứu hết sức nghiêm túc, kỹ lưỡng vì thể chế chính trị của chúng ta khác, tính chất của xã hội chúng ta khác. Các nước có nền công nghiệp phát triển rồi nên những vấn đề liên quan đến đất đai với tính chất là tư liệu sản xuất không còn quá gay gắt.
Vừa qua, khi làm Luật Đất đai, một số ý kiến lập luận rằng, tới đây, 70% tỷ trọng nền kinh tế là công nghiệp nên sẽ dịch chuyển 70% lao động sang nền công nghiệp. Tư duy như vậy là không đúng. Tỷ trọng công nghiệp có thể chiếm 70% nhưng không đồng nghĩa với việc lao động ở khu vực công nghiệp sẽ tăng lên đến 70%. Công nghiệp chiếm 70% tỷ trọng GDP là tăng về giá trị chứ người lao động không thể dồn hết vào công nghiệp được. Tỷ lệ lao động ở các khu vực khác hoàn toàn với chỉ số phát triển của nền kinh tế. Không phải cứ giảm tỷ trọng của nông nghiệp xuống 20-25% GDP thì số lao động nông nghiệp cũng giảm xuống tỷ lệ này. Cách tư duy như vậy là không đúng và sẽ không giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với lĩnh vực đất đai hiện nay.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Thêm 02 hộ chính sách của huyện Hương Sơn có nhà mới đón Tết Ất Tỵ 2025 ( 15/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)