Sức mạnh vô địch của Đảng và chế độ là ở Nhân dân
EmailPrintAa
21:53 01/02/2017

Với tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đến tờ báo của QH, trong không khí ấm áp, tươi vui của những ngày Xuân mới - Xuân Đinh Dậu 2017, Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG đã dành cho Báo Đại biểu Nhân dân cuộc trả lời phỏng vấn. Thông qua phần trả lời, Tổng Bí thư đã gửi gắm nhiều tâm huyết với QH, các ĐBQH cũng như vai trò của QH Việt Nam - không chỉ là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp mà còn là một khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo Đại biểu Nhân dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Thấy hết trách nhiệm của QH trước Đảng và Nhân dân

PV: Thưa Tổng Bí thư, đất nước ta vừa đi qua năm 2016 - năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhìn lại kết quả của một năm bận rộn vừa qua, dấu ấn gì nổi bật nhất, thưa Tổng Bí thư?

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Chúng ta vừa đi qua năm 2016 với rất nhiều sự kiện sôi động của đất nước. Bên cạnh những thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức gay gắt. Chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tạo ra động lực và khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp theo thành công rực rỡ của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Trung ương đã lãnh đạo thành công cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần củng cố và tăng thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, xây dựng các cơ quan đại diện có đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả cho chính quyền 4 cấp trong nhiệm kỳ tới. Chính quyền do nhân dân bầu ra sẽ gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Một điểm mới của nhiệm kỳ này là ngay sau Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã khẩn trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước, tạo thuận lợi cho cán bộ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước bắt tay ngay vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII một cách đồng bộ hơn, tập trung hơn. Vì thế, hoạt động của bộ máy nhà nước được thông suốt, liên tục. Đặc biệt, thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp cao của Nhà nước, sau khi được QH bầu, đã tuyên thệ nhậm chức. Đây là điểm mới và thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm chính trị cao trước toàn Đảng, đồng bào cử tri và nhân dân cả nước. Thực tế cho thấy, ngay sau khi được kiện toàn, hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo, hành động quyết liệt, sâu sát thực tiễn, cơ sở, vì lợi ích của nhân dân, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc xã nông thôn mới Bản Bo, huyện Tam Đường, Lai Châu
Ảnh: Trí Dũng

Nhờ có sự đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong năm qua, kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định. Các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát. GDP tăng 6,21%. Dự trữ ngoại hối đạt 41 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục với lượng vốn thực hiện đạt 15,8 tỉ USD. Lần đầu tiên, chúng ta có 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Lần đầu tiên số lượng khách du lịch nước ngoài đạt con số 10 triệu lượt, khách du lịch trong nước 62 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 20 tỉ USD. Tỉ lệ hộ nghèo giảm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện…

Những kết quả đạt được trong một năm qua đã khẳng định rằng những đổi mới ấy là đúng đắn. Và trong những thành tựu chung ấy của đất nước, có sự đóng góp to lớn của QH và HĐND các cấp.

PV: Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hoan nghênh, đánh giá cao việc Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 “lần 2” về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, song nhiều cử tri cũng nói rằng, vấn đề họ quan tâm hiện nay là khâu triển khai thực hiện. Xin Tổng Bí thư có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi có ý nghĩa rất quan trọng và đang nhận được sự ủng hộ, thống nhất rất cao, sự quan tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn dân. Vấn đề quan trọng bây giờ là phải thực hiện, phải biến quyết tâm thành hành động, nói phải đi đôi với làm. Sau khi có Nghị quyết, hầu như cả guồng máy, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc. Các cấp ủy, tổ chức đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết với tinh thần trách nhiệm rất cao. Đông đảo cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, kỳ vọng Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII sẽ được thực hiện đến nơi, đến chốn, tạo chuyển biến rõ rệt trên thực tế. Đây là điều rất đáng mừng, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề.

Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hơn ai hết, QH, các ĐBQH phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn chặt với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị Khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ví dụ, trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp của nước ta phải luôn kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, chú trọng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam. Tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách “hướng lái” hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

QH, từng ĐBQH phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết này đối với sự tồn vong của Đảng, của dân tộc, thấy hết trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, để từ đó triển khai thực hiện cho có hiệu quả. Đặc biệt, không chỉ cam kết mà phải có hành động cụ thể, thực tế trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, chống suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, QH phải phát huy mạnh hơn nữa vai trò, trách nhiệm giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước trong triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này, tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

PV: Trong quá trình quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII vừa qua, Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh, để thực hiện Nghị quyết này, không chỉ có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mà còn có cả các đại biểu dân cử. Xin Tổng Bí thư có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Thực tiễn cho thấy, chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan của QH và cá nhân từng ĐBQH. ĐBQH là trung tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Mỗi ĐBQH có trách nhiệm rất lớn trước nhân dân, trước Đảng, trước Tổ quốc.

Căn cứ vào đòi hỏi và tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân, trong chương trình hành động của mình, các ứng cử viên đều nhận thức rõ, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới thì từng cá nhân phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ mới có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập hiện nay, không ít người có biểu hiện sống lạnh lùng không tình nghĩa, đôi khi vì chạy theo lợi ích, lợi nhuận mà không quan tâm đầy đủ đến đồng bào, đồng chí, anh em, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì thực khó làm cho Dân tin và Đảng cũng không có chủ trương như vậy. Vậy thì, khi đã được cử tri tin tưởng bầu vào QH, đối với cá nhân từng ĐBQH, dù ở cương vị công tác nào cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của QH và các cơ quan của QH.

Trước mắt, con đường đi của đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Nếu mỗi cá nhân không tự nâng trình độ của mình lên thì sẽ ngay lập tức bị lạc hậu; kiến thức và kinh nghiệm chỉ là cái của ngày hôm qua. Người đại biểu phải thường xuyên nắm thông tin, nghiên cứu, học tập, cập nhật tình hình trong nước cũng như quốc tế và đặc biệt phải gần gũi, đắm mình trong cử tri, đập nhịp đập trái tim của nhân dân. Phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri đã khó nhưng cái khó hơn là giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện thành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời phải gương mẫu thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hết sức giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc của người đại biểu; thường xuyên giáo dục, nhắc nhở gia đình, vợ con, những người cộng sự chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có quan hệ tốt với bà con ở khu dân cư và nơi làm việc, không làm điều gì ảnh hưởng xấu đến thanh danh của người đảng viên, người ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Nếu cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử không gương mẫu thì dân không tin; lời nói cần phải đi đôi với việc làm.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các ĐBQH tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV
Nguồn: quochoi.vn 

Dân chủ phải đi liền với kỷ cương

PV: Một trong những yêu cầu, đòi hỏi của cử tri đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ là phải tiếp tục đổi mới, hành động quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời, củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Xin Tổng Bí thư cho biết ý kiến về vấn đề này?

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Sức mạnh vô địch của Đảng, Nhà nước và chế độ ta là ở nhân dân. Mọi công việc lớn hay nhỏ có làm được hay không đều là do Nhân dân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Khác với QH các nước, QH nước ta không chỉ là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến, lập pháp mà còn là hình ảnh một khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có đại biểu đại diện cho các giới, các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, vùng miền trên cả nước. Sự ủng hộ, giám sát, giúp đỡ của nhân dân là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó tập trung ở QH, MTTQ, các ngành, các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước thành một khối rắn chắc thì mới có thể thành công.

PV: Một trong những mục tiêu tiếp tục được Đại hội XII của Đảng khẳng định là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ý nghĩa cụ thể của “dân chủ” trong mục tiêu này là như thế nào, thưa Tổng Bí thư? Dân chủ này có mối quan hệ ra sao với kỷ cương?

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là mục tiêu cơ bản, lâu dài. Còn trước mắt là phấn đấu xây dựng Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Về dân chủ, qua sinh hoạt của QH, HĐND, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể… thì có dân chủ không? Rõ ràng sinh hoạt của QH, HĐND khác xa so với trước đây, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Hiện đã có hàng trăm, hàng nghìn tổ chức xã hội ra đời.

Nhưng dân chủ phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Một đất nước không có kỷ cương thì xã hội rối loạn, mất ổn định - như vậy thì đất nước ấy không xây dựng, phát triển được. Cho nên, dân chủ và kỷ cương phải đi liền với nhau. Dân chủ nhưng phải kỷ cương và kỷ cương trên cơ sở phát huy dân chủ. Nếu nhấn mạnh, tuyệt đối hóa một mặt nào thì đều dẫn đến sai lầm, thất bại.

PV: Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Tổng Bí thư có điều gì nhắn nhủ với QH, HĐND các cấp cũng như các đại biểu dân cử trên cả nước?

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Toàn Đảng, toàn dân đang có khí thế mới; cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, có được sự đồng thuận cao trong xã hội. Nước ta hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn. Thế và lực, sức mạnh tổng hợp, uy tín quốc tế ngày càng cao. Tuy nhiên, kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình và bối cảnh mới đang đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa.

Để có thể hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2017, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong hành động, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Chúng ta vui mừng với kết quả bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; đồng thời cũng nhận rõ nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi QH và HĐND các cấp phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tôi mong rằng, QH, HĐND các cấp cũng như mỗi ĐBQH và đại biểu HĐND cần nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, góp phần vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư! Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Đinh Dậu 2017, những người làm báo QH xin kính chúc Tổng Bí thư luôn dồi dào sức khỏe, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc Đổi mới, đưa đất nước tiếp tục tiến lên, phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế thành công. 


    Ý kiến bạn đọc