Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng
EmailPrintAa
16:51 19/06/2013

Chiều ngày 18/6 Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Trong bài phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Trần Tiến Dũng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã bày tỏ sựđồng tình với những nội dung đề cập trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội và tham gia thêm ý kiến vào 2 nội dung theo chương trình gợi ý

Thứ nhất, phạm vi sửa đổi.

Thứ hai, thẩm quyền khen thưởng.

Đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo của Chính phủ đã cố gắng trình dự án sửa đổi khá công phu. Dự thảo đã sửa đến 44/103 điều của luật hiện hành. Nhưng theo Nghị Quyết 20 của Quốc hội chỉ xác định tiêu chí sửa đổi, bổ sung một số điều. Như vậy dự án trình lần này không phù hợp với chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, có thể phải điều chỉnh như thế nào đó cho phù hợp; nếu sửa như thế  rất khó nghiên cứu và vận dụng luật này vào cuộc sống. Xin nói thêm khi đã sửa như vậy nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cho nên đề nghị tiếp tục nghiên cứu sửa thêm. Sửa một cách cơ bản và toàn diện hơn nhằm khắc phục được 7 thiếu sót, yêu cầu đã nêu trong tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị năm 2004 và trong Thông báo 120 ý kiến kết luận của Bộ Chinh trị về đề án đổi mới, thi đua khen thưởng.

Thứ nhất, làm thể nào đẩy mạnh phong trào thi đua thực chất hơn.

Thứ hai, phát hiện bồi dưỡng được nhân tố điển hình, tổng kết và nhân rộng được điển hình

Thứ ba, giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước, hết sức quan trọng.

Thứ tư, phải để đảm bảo khen thưởng chính xác.

Thứ năm, phải nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng nhà nước.

Thứ  sáu, khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong khen thưởng.

Những yêu cầu này rất quan trọng, nếu so sánh những yêu cầu này thì dự thảo luật sửa đổi lần này chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được. Đại biểu đề nghị giảm bớt hình thức khen thưởng, hiện nay có 25 hình thức khen thưởng nhà nước với 45 cấp độ khác nhau, rất lớn, rất đồ sộ. Thực tế mà nói chúng ta cũng đã lãng phí không ít công sức và tiền của vào việc này nhưng tác dụng của thi đua chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vấn đề thứ hai, đề nghị sửa đổi luật lần này tập trung sửa đổi các hình thức khen thưởng nhà nước, còn đối với các hình thức khen thưởng của các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sản xuất kinh doanh v.v.... thì luật chỉ nên quy định nguyên tắc chung, những quy định cụ thể là do điều lệ, do nội quy của tổ chức đó quy định. Theo đại biểu Chính phủ không nên quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Luật thi đua, khen thưởng những tổ chức này, mà do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng thi đua, khen thưởng Trung ương hướng dẫn. Hội đồng thi đua, khen thưởng Trung ương khác với Chính phủ, hai cấp độ này khác nhau. Chính phủ cũng không thể quy định hướng dẫn thực hiện Luật thi đua, khen thưởng cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Tòa án nhân dân tối cao, cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chúng ta đang sửa Hiến pháp cho nên chúng ta phải quy định việc này theo đúng với sự phân bổ quyền lực và kiểm soát quyền lực của thể chế chính trị của chúng ta theo Hiến pháp.

Về thẩm quyền khen thưởng, chúng ta có rất nhiều chủ thể có đủ thẩm quyền để tổ chức phong trào thi đua, xét khen thưởng theo thẩm quyền của mình và trình Chủ tịch nước trực tiếp trình Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương. Chủ tịch nước khen thưởng các hình thức khen thưởng Nhà nước cao hơn như Huân chương, Huy chương vinh dự nhà nước v.v..., không phải qua cấp Chính phủ. Chúng tôi thấy có cơ quan hành pháp, có cơ quan dân cử, có cơ quan lập pháp, tư pháp, có các tổ chức chính trị, xã hội đều có những thẩm quyền như vậy.

Đại biểu cũng bày tỏ sự không đồng tình với sửa đổi Điều 83 như dự thảo và cũng không đồng tình với nội dung Báo cáo số 236 ngày 17/6/2013 của Chính phủ giải thích về việc này tiếp thu ý kiến của Ủy ban Các vấn đề xã hội…Về các hình thức như Huân chương, Huy chương, giải thưởng Nhà nước, vinh dự Nhà nước v.v... Đại biểu cho rằng sẽ không hợp lý khi một đồng chí Bí thư cấp ủy Đảng, các đồng chí trưởng Ban Đảng, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cán bộ các Tòa án, cán bộ các đoàn thể để có một Huân chương lao động thì phải có một số lượng bằng khen nhất định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, khi đó mới được xét và sau đó phải có một bằng khen của Chính phủ, khi đó mới được trình Chủ tịch nước. Như vậy việc đánh giá  và khen thưởng như thế sẽ không đáp ứng yêu cầu và trùng lặp, chồng chéo. Cho nên, từ  đó đề nghị: mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyền khen thưởng mọi công dân, kể cả những em học sinh, thiếu niên nhi đồng, nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc, có quyền khen thưởng mọi tổ chức, công dân nước ngoài có nhiều đóng góp xây dựng Tổ quốc Việt Nam, nhưng không vì thế mà ta có quy định cứng nhắc như cách làm hiện nay là phải qua kênh Chính phủ để trình Hội đồng thi đua, khen thưởng Trung ương và trình Chủ tịch nước để thưởng những danh hiệu như vậy …


    Ý kiến bạn đọc