Ưu tiên công tác nhân sự
Là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa mới nên QH sẽ dành trọng tâm và phần lớn thời gian cho việc xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Tờ trình về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV, do trình tự, thủ tục tiến hành công tác nhân sự có nhiều bước, có thể bị trống thời gian phiên họp, nên dự kiến sẽ bố trí xen kẽ với một số nội dung khác để bảo đảm thời gian cho việc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình về nội dung nhân sự; đồng thời, tiết kiệm thời gian kỳ họp. Nội dung xen kẽ đó là các công việc thường xuyên của QH như kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước...
Cơ bản đồng thuận với cách bố trí, sắp xếp nêu trên, song nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, nên tập trung làm gọn phần nhân sự, trước hết là nhân sự của QH, các cơ quan của QH, sau đó mới tiến hành các công việc khác. Vì theo thông lệ, đây là công việc trọng tâm và chủ yếu nhất của QH tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa mới. Trước hết, phải bầu Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, các Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH, Tổng Thư ký QH. Sau đó đến các chức danh cấp cao như Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Và quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ… Việc sắp xếp lại thứ tự các nội dung làm việc của QH tại Kỳ họp thứ Nhất như vậy sẽ không ảnh hưởng đến quỹ thời gian của kỳ họp. Hơn thế, đây cũng là nguyện vọng, mong đợi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước về việc QH sớm xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước để bộ máy sớm đi vào vận hành ổn định ngay sau khi được bầu hoặc phê chuẩn.
Cho rằng cách bố trí, sắp xếp với mạch như vậy sẽ thuận hơn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị điều chỉnh dự kiến nội dung chương trình kỳ họp theo nguyên tắc: Tập trung làm nhân sự cho xong, sau đó QH sẽ tiến hành những công việc thường xuyên của Kỳ họp thứ Nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp thứ 49 của UBTVQH |
Ảnh: Lâm Hiển
|
Bắt tay ngay vào việc
Cùng với công tác nhân sự, tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV sẽ nghe Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và kết quả xác nhận tư cách ĐBQH được bầu. Đây là bước đánh dấu việc 496 người trúng cử ĐBQH Khóa XIV chính thức trở thành ĐBQH. QH cũng sẽ thực hiện công tác lập pháp và xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Trong đó có Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014…
Theo đề nghị của một số thành viên UBTVQH, tại Kỳ họp thứ Nhất tới, phiên thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp như thông lệ các kỳ họp của QH. Nhấn mạnh đây không đơn thuần là vấn đề cách thức tiến hành một nội dung của kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, điều đó chứng tỏ một QH hành động, tại kỳ họp đầu tiên QH đã làm ngay, cùng với tập trung cho công tác nhân sự, QH tiếp tục lo về kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tế, Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV họp vào tháng 7 thì việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2016 đã được hơn 6 tháng. Trước đó, tại Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XIII (tháng 3.2016), QH đã có đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, nhưng mới là sơ bộ. Hơn thế, việc QH Khóa XIV nghe, thẩm tra và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngay tại Kỳ họp thứ Nhất để các ĐBQH khóa mới tiếp cận ngay với tình hình kinh tế - xã hội và những vấn đề quan trọng khác của đất nước là cần thiết, cho thấy sự liên tục trong hoạt động của QH.
Với dự kiến nội dung chương trình như vậy, tổng thời gian làm việc của QH tại kỳ họp khoảng 9 ngày (không kể các ngày nghỉ). Trong đó, QH sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20.7 và dự kiến bế mạc vào ngày 30.7. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp lần này, dự kiến chương trình kỳ họp sẽ được tiếp thu, chỉnh lý, gửi lấy ý kiến các ĐBQH, Đoàn ĐBQH để hoàn thiện và trình UBTVQH cho ý kiến lần cuối tại Phiên họp thứ 50. Với sự chuẩn bị chu đáo, khoa học, tuân thủ quy trình chặt chẽ và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của UBTVQH Khóa XIII, tin rằng, Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa mới sẽ thành công. Các ĐBQH khóa mới, với 2/3 là những đại biểu lần đầu tiên tham gia QH, sẽ bắt nhịp nhanh với các hoạt động tại nghị trường ngay từ những giờ phút đầu tiên trên cương vị Đại biểu dân cử. Đây không chỉ là mong mỏi mà còn là đòi hỏi của cử tri và nhân dân với người đại biểu của mình. Vì rằng, QH có nhiệm kỳ, nhưng hoạt động của QH là liên tục.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Thêm 02 hộ chính sách của huyện Hương Sơn có nhà mới đón Tết Ất Tỵ 2025 ( 15/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)