Xuân mới, Hiến pháp mới, Hy vọng mới
EmailPrintAa
15:49 02/01/2014

Từ ngày 1.1.2014, Hiến pháp (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành. Rất nhiều vấn đề mới được hiến định cần được triển khai ngay để bảo đảm Hiến pháp (sửa đổi) đi vào cuộc sống, thực sự trở thành nền tảng chính trị – pháp lý để xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới.

Về kinh tế, Hiến pháp (sửa đổi) đã lường trước xu thế phát triển gắn liền kinh tế xã hội với các đơn vị hành chính và được cụ thể hóa trong Điều 110. Trong một nền kinh tế thị trường, vấn đề tối ưu hóa lợi nhuận quá trình sản xuất kinh doanh không chỉ là mục tiêu của các doanh nghiệp mà còn là mục tiêu của cả các chính quyền địa phương. Để tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn thì sự phân công lao động xã hội trong quy trình sản xuất tất yếu sẽ phải vượt qua khuôn khổ hành chính địa lý của một đơn vị quản lý hành chính hiện hành. Có thể nêu một số điều kiện cơ bản của quá trình sản xuất lớn tạo áp lực vượt qua địa giới hành chính. Một là, sản lượng của sản phẩm khi được trao đổi với các vùng lân cận theo quy luật thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận. Hai là, sự trao đổi hàng hóa tuân theo quy luật giá trị, theo ý muốn chính trị phù hợp với phân chia lợi ích của cư dân từng vùng. Ba là, các tiến bộ của khoa học công nghệ dẫn đến việc chuyên môn hóa. Bốn là, sự hình thành của các tập đoàn kinh tế lớn cũng tạo ra áp lực xóa bỏ địa giới hành chính trong phát triển kinh tế xã hội. Trong tác phẩm nghiên cứu của mình, Marx – Engel cũng đã nhiều lần đề cập đến việc do khoa học kỹ thuật phát triển được ứng dụng vào sản xuất nên việc sản xuất một lượng hàng hóa lớn cung ứng cho thị trường đã làm nền kinh tế thoát ly khỏi ranh giới hành chính của một địa phương. Đó chính là yếu tố khách quan, khoa học hình thành nên quy định tại khoản 1, Điều 110 của Hiến pháp (sửa đổi) về khu hành chính kinh tế đặc biệt. Khi đã công nhận sự tồn tại khách quan của vấn đề này thì cần chuẩn bị tinh thần để xử lý vấn đề không bình đẳng về lợi nhuận kinh tế khi có vùng sản xuất lớn và vùng cung ứng phụ thuộc vì khi đã hình thành trung tâm hoạt động kinh tế thì tất yếu lợi nhuận sẽ dồn về đây, các vùng khác sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa, nơi cung ứng nguyên liệu. Đây chính là điều kiện ràng buộc tự nhiên làm cho các đơn vị hành chính ngày càng phụ thuộc, cần đến nhau và cần đến sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước vì quyền lợi của đông đảo người lao động. Ở đây, sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước không thể bằng các mệnh lệnh hành chính mà phải thông qua các công cụ điều tiết tuân thủ quy luật thị trường. Đây cũng chính là vai trò của kinh tế nhà nước.


Nguồn: ITN

Cũng có thể, sẽ có ý kiến lo ngại, việc phát triển các khu hành chính kinh tế đặc biệt sẽ làm cho các vùng kinh tế nghèo càng khó khăn hơn, khoảng cách giữa các vùng kinh tế còn nghèo hiện nay với các vùng sản xuất lớn sẽ ngày càng doãng rộng. Điều này có thể xảy ra nhưng hoàn toàn không đáng lo ngại vì có biện pháp để khắc phục. Ví dụ, một sản phẩm áo sơ mi do nhiều công ty cung cấp ra thị trường với nhiều mẫu mã, quy cách và giá cả khác nhau thể hiện tính đa dạng của cạnh tranh và thị hiếu của người tiêu dùng. Đây chính là sự phân công lao động và thị trường theo sự khác biệt của cùng một loại sản phẩm và khi có sự điều tiết của Nhà nước thì khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm sẽ tương đồng nhau. Bởi vì thông qua sự điều tiết bằng kinh tế nhà nước như: các chính sách thuế, chính sách giao đất làm nhà xưởng, nhà ở cho người lao động... sẽ khắc phục được phần chênh lệch do các địa phương coi trọng các ngành sản xuất khác nhau, trình độ và tình hình phát triển còn có sự khác biệt. Thông qua sự điều tiết của kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương sẽ quyết định sản phẩm trọng điểm của mình để đổi lấy những sản phẩm của những ngành mà địa phương mình không có ưu thế nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Đây chính là vấn đề đã được Engel đưa thành khái niệm vùng kinh tế phi cạnh tranh và đến đầu thế kỷ XX đã được nhà kinh tế học người Mỹ F.W. Taussig nâng thành lý thuyết. Theo đó, khi hình thành vùng kinh tế phát triển sẽ có một đội ngũ công nhân có kỹ năng tương đối cao trên nền tảng công nghệ kỹ thuật cao và khả năng tài chính mạnh nên sẽ chọn hướng phát triển khác với các đơn vị hành chính khác có vị thế yếu hơn về vốn, công nghệ và nguồn nhân lực. Do mức lương có sự khác nhau theo ngành nghề và tính chất kỹ thuật nên sẽ tạo khả năng có lợi cho việc bán sản phẩm gia công từ khu vực hành chính có thu nhập thấp...

Nhìn lại thực tế phát triển kinh tế nước ta từ năm 1987 trở lại đây, chúng ta cũng luôn gặp vấn đề cần xử lý giữa không gian kinh tế với không gian của địa lý hành chính khi xây dựng tam giác tăng trưởng vào năm 1987 rồi đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước lại chuyển thành vùng kinh tế trọng điểm với quy mô ngày càng mở rộng cả về dân số, diện tích tự nhiên cũng như tiềm năng kinh tế với tốc độ bình quân hơn 2 năm lại điều chỉnh mở rộng một lần. Đây chính là nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính đơn thuần này vì định hướng phát triển không gian thay đổi làm quy hoạch phát triển kinh tế cũng thay đổi, không đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thông qua đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất. Do thay đổi liên tục về địa giới nên nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuyển dịch cơ cấu với những định hướng và giải pháp phát triển bền vững cho đến năm 2020 chưa rõ ràng. Một ví dụ cho nhận xét này là, việc bố trí quy hoạch và vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông bị phân tán, không xử lý được lợi thế địa lý của từng địa phương tại khu vực Đông Nam bộ. Việc quy hoạch không đồng bộ hệ thống cảng biển của 3 địa phương là thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm lãng phí vốn đầu tư của xã hội (gồm cả Nhà nước và các thành phần kinh tế khác) vào cảng biển trong lúc tuyến đường bộ và đường sông nối với cảng lại không được đầu tư đồng bộ làm cho vấn đề ùn tắc giao thông tại đô thị ngày càng tăng lên, cước vận tải cũng không hợp lý làm mất khả năng cạnh tranh. Chỉ riêng khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải đã có 6 cảng container do 4 đơn vị làm chủ đầu tư. Theo số liệu công bố chỉ riêng Tân Cảng là khai thác được khoảng 50% công suất, cảng SP – PSA khai thác được gần 40% công suất, còn các cảng còn lại chưa được 10% công suất thực tế. Chính vì vậy, lỗ từ đầu tư cảng đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp – chủ đầu tư cảng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho chỉ số ICOR cao, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội trong đó có cả khối doanh nghiệp nhà nước thấp và làm giảm dần động lực phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Trong hai năm 2014 – 2015, công việc quan trọng là triển khai ngay các vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi) để khắc phục các tồn tại đã nêu, tạo động lực cho phát triển kinh tế theo hướng: Một là, rà soát lại và lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội không phụ thuộc vào địa giới hành chính và giao cho địa phương thực hiện phần công việc trên địa bàn mình, Trung ương giám sát. Hai là, cơ cấu lại kinh tế ở một số địa phương có lợi thế so sánh để tham gia và trở thành một bộ phận cấu thành của sản phẩm có thương hiệu quốc tế. Ba là, thực hiện sửa đổi việc phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng phân rõ nhiệm vụ của ngân sách địa phương trong việc bảo đảm an sinh xã hội, việc đầu tư phát triển kinh tế là của ngân sách trung ương và của doanh nghiệp để có thể thực hiện đầu tư dứt điểm các công trình trọng điểm, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.

Việc chỉ đạo xây dựng quy hoạch và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh các yếu tố về khoa học công nghệ, yếu tố thị trường, quyết tâm của cả hệ thống chính trị: Đảng, Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp... thì quyết tâm của người lãnh đạo là rất quan trọng để các quyết định vượt qua giới hạn hành chính và vượt qua giới hạn thời gian nhiệm kỳ. Chỉ có như vậy, Hiến pháp (sửa đổi) mới trở thành động lực phát triển như mong đợi.

Xuân mới – Hiến pháp mới – Hy vọng mới. Chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành công mới!

 


    Ý kiến bạn đọc