6 nhóm vấn đề, 52 nội dung, 528 ý kiến kiến nghị thông qua Mặt trận Tổ quốc
EmailPrintAa
15:00 13/12/2019

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Văn Hùng đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Qua các kênh trực tiếp và gián tiếp, Mặt trận Tổ quốc đã tiếp nhận 528 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân được tổng hợp, phân loại ý kiến cử tri theo 6 nhóm vấn đề chính với 52 nội dung.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Văn Hùng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền

V nông nghiệp, nông dân nông thôn , những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, ngày càng khang trang sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, một bộ phận cử tri và nhân dân còn băn khoăn về tính đồng bộ, bền vững và ổn định đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, một số xã đã được công nhận nhưng sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện, mức sống và thu nhập của người dân chưa được nâng lên, một số tiêu chí không bền vững, nhất là tiêu chí về môi trường. Đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trong Nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường; tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ việc tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân phong trào chống rác thải nhựa (nói không với túi ni lông và đồ nhựa dùng 1 lần) để bảo vệ môi trường; quan tâm đến công tác xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải ở khu, cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề để hạn chế những tác động tiêu cực lâu dài đến môi trường, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân. Tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.

Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm , qua giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh nhận thấy, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; mới chỉ tập trung ở tuyến tỉnh và tuyến huyện và tập trung chủ yếu ở các cơ sở có đăng ký ngành nghề kinh doanh. Một số cơ quan chức năng, địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt; còn có hiện tượng nể nang, bao che trong quá trình xử lý vi phạm, các chế tài xử phạt áp dụng chưa nghiêm, chưa thực sự mạnh dẫn đến tái vi phạm còn nhiều…

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng bộ, quản lý chặt chẽ trong tất cả các khâu từ khâu đầu vào nguyên liệu đến quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP trên địa bàn tỉnh; công khai lên phương tiện thông tin đại chúng các vụ việc vi phạm điển hình để khuyến cáo người tiêu dùng và răn đe các đối tượng vi phạm. Tiếp tục đầu tư kinh phí, sớm hoàn thiện các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn, đồng thời hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội , cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng dạy thêm và học thêm ở các cấp học, đặc biệt là ở bậc tiểu học, trung học cơ sở vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các đô thị. Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2942/QQĐ-UBND, ngày 10/10/2012 về quy định dạy thêm và học thêm, nhưng trên thực tế tình trạng tổ chức dạy thêm, học thêm vào các buổi tối, vào các ngày nghỉ, tổ chức theo ca, tổ chức theo nhóm…không đúng theo quy định. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục có các biện pháp cương quyết để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định.

Về kiện toàn hệ thống chính trị, thực hiện chính sách cán bộ sáp nhập xã , N hân dân tỉnh nhà quan tâm, thể hiện sự đồng tình cao trước quyết tâm của tỉnh về thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với tình hình mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân mong muốn sau sáp nhập, cần sắp xếp bộ máy, đảm bảo sự đồng bộ, đảm bảo khách quan, tính khả thi và liên thông trong hệ thống chính trị, quan tâm hỗ trợ đối với cán bộ phải nghỉ do dôi dư, tinh giản. ..

V việc thực hiện Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh , theo quy định tại Nghị quyết số 156/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh thì mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố còn thấp; không có chế độ đối với cán bộ chi đoàn, chi hội, công an viên, thôn đội trưởng ở các thôn, tổ dân phố gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Trước đây, thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ được bố trí 15 cán bộ không chuyên trách nay giảm còn 8 cán bộ không chuyên trách (trong trường hợp cụ thể, không thể bố trí kiêm nhiệm thì bố trí tối đa không quá 9 người với tổng mức khoán phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở (đối với đơn vị hành chính loại 1); 13,7 lần mức lương cơ sở (đối với đơn vị hành chính loại 2); 11,4 lần mức lương cơ sở (đối với đơn vị hành chính loại 3); theo đó các nhóm nhiệm vụ giảm đầu mối, nhiệm vụ nặng nề hơn nhưng chế độ phụ cấp thì không tăng được bao nhiêu. Bên cạnh đó, mức khoán kinh phí cho thôn, tổ dân phố quá thấp. Do vậy, việc lựa chọn người làm việc ở thôn, tổ dân phố là hết sức khó khăn; công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào ở thôn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ cấp cơ sở không thể làm thay nhiệm vụ ở thôn, xóm được, bởi các chi hội, chi đoàn ở thôn là cánh tay nối dài, là thành phần không thể thiếu trong công tác vận động Nhân dân tham gia. Tại thời điểm yêu cầu công việc đòi hỏi ngày càng cao nhưng cán bộ cấp chi hội, chi đoàn của các tổ chức chính trị xã hội chế độ quá thấp, việc thu đoàn phí, hội phí khó khăn  dẫn đến phân tâm, lo lắng, không an tâm công tác. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có một số đồng chí bí thư chi bộ, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố, công an viên và một số chi hội, chi đoàn xin nghỉ việc do mức khoán kinh phí quá thấp. Đề nghị tỉnh chỉ đạo khảo sát, đánh giá thật sự khách quan vấn đề này.

Về thực hiện kinh phí Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng , theo quy định thì kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tối thiểu là 5 triệu đồng/năm/Ban; tuy nhiên, qua rà soát của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố, thị xã, hiện nay, kinh phí này chưa thực hiện đúng theo quy định, còn tuỳ thuộc điều kiện ngân sách từng địa phương; cá biệt, có 37 ban/260 Ban Thanh tra nhân dân, 176/262 Ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa được cấp kinh phí hoạt động. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Để thực hiện thống nhất quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất đảm bảo kinh phí tối thiểu cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là 05 triệu đồng/năm/Ban theo đúng quy định.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc