Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014
EmailPrintAa
15:19 14/07/2014

...Qua nghiên cứu báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2014 do UBND tỉnh trình HĐND, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với Báo cáo đồng thời bổ sung và nhấn mạnh một số nội dung như sau:

I. Về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế và ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2014

Trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước nhưng tình hình kinh tế xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

1. Các chỉ tiêu cơ bản về lĩnh vực kinh tế ngân sách tiếp tục đạt và vượt kế hoạch đề ra[1]. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 12,1% là mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2013 và bình quân chung của cả nước[2]. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,34%, khu vực dịch vụ tăng 16,58%.

Tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển nông thôn được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tăng nhanh cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ và thực hiện thành công mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao đất cát ven biển. Chăn nuôi tiếp tục phát triển hình thức nuôi tập trung, trang trại công nghiệp. Lĩnh vực thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao hơn.


Đồng chí Nguyễn Trí Lạc- Trưởng Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra trên lĩnh vực kinh tế ngân sách

2. Thu ngân sách nội địa đạt 2.100 tỷ đồng, đạt 35% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 54% so với dự toán Trung ương giao và bằng 99% so cùng kỳ. Thuế XNK, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu 6 tháng đạt 2.209 tỷ đồng, bằng 210% dự toán. Chi ngân sách cơ bản đảm bảo nhu cầu theo kế hoạch, chi thường xuyên, chi an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển. Chi thực hiện các đề án, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội[3] với số tiền 687,716 tỷ đồng, đạt 53,34% kế hoạch.

3. Công tác quy hoạch tiếp tục triển khai tích cực;  Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (Là 30.217 tỷ đồng, đạt 45% so kế hoạch) tăng cao so cùng kỳ. Giá trị khối lượng thực hiện 6 tháng đầu năm (nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ) đạt 2.921 tỷ đồng, giải ngân đạt 3.274 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm 2013. Rà soát, cắt giảm, giãn tiến độ, đình hoãn các công trình dự án đạt kết quả tích cực (67 dự án với tổng giá trị cắt giảm, giãn, đình hoãn ước tính khoảng 3.206 tỷ đồng[4]). Các công trình trọng điểm được quan tâm chỉ đạo kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Số doanh nghiệp, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hoạt động tín dụng ngân hàng được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn và hỗ trợ lãi suất sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Trung ương và tỉnh.

4. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao, các mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng. Chuẩn bị các nội dung tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XV). Hoàn thiện Dự thảo Đề án và Nghị quyết về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng 2030.

5. Công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu[5] trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn liên quan của Trung ương đang được tổ chức tập huấn, triển khai.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn có một số khó khăn, hạn chế cần được quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, Ban KTNS xin nêu cụ thể như sau:

1. Quản lý nhà nước về giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn bất cập. Các dịch vụ cho nông nghiệp nông thôn ngày càng phong phú đa dạng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm còn hạn chế, một số dịch bệnh còn xẩy ra. Tiến độ xây dựng, phê duyệt phương án giao đất, giao rừng tại một số huyện còn chậm; vẫn còn tình trạng cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép. Việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới một số địa phương chưa thực sự sâu sát, chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ chỉ đạo của tỉnh.

2. Thu ngân sách nội địa đạt thấp (Một số địa phương chưa tập trung chỉ đạo, quyết liệt) các nhiệm vụ chi được bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trong dự toán đầu năm còn khó khăn, nhất là các đề án, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc thực hiện chế độ thu nộp, quản lý, sử dụng và chấp hành nghĩa vụ tài chính NSNN đối với một số loại phí, lệ phí đã bộc lộ nhiều bất cập hạn chế; Một số đơn vị thu sai thẩm quyền, không đúng danh mục phí, lệ phí. Công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phí và lệ phí chưa được quan tâm đúng mức, xử lý sai phạm chưa nghiêm;

          3. Bố trí, phân bổ kế hoạch vốn một số nguồn từ ngân sách Trung ương cho tỉnh còn chậm làm ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn đầu tư XDCB của tỉnh[6]. Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước: Tính đến ngày 30/6/2014, chỉ riêng nguồn vốn do ngân sách tỉnh quản lý vẫn còn 92 dự án chưa được chủ đầu tư làm thủ tục giải ngân tại Kho bạc nhà nước với kế hoạch vốn năm 2014 là 354.828 triệu đồng. Công tác bồi thường, GPMB một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân. Việc triển khai thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình xây dựng ở một số chủ đầu tư còn lúng túng.

4. Công tác đo vẽ bản đồ chậm hoàn thành ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Công tác quản lý, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn còn nhiều hạn chế, việc cấp phép khai thác, thăm dò hoạt động khai thác và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản triển khai chưa tốt. Các dự án xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn còn chậm; Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn chưa có nhiều chuyển biến theo tinh thần Nghị quyết số 132/2010/NQ-HĐND ngày 13/10/2010 của HĐND tỉnh.

II. Về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014

Ban KTNS đồng tình với 10 nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2014 như báo cáo UBND tỉnh đã nêu. Đồng thời, Ban KTNS HĐND tỉnh kiến nghị một số vấn đề sau:

1. Về tăng trưởng kinh tế:  Tập trung khắc phục khó khăn, thách thức, tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các chỉ đạo và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ. Triển khai hiệu quả 5 đề án, kế hoạch, nhiệm vụ để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Chỉ đạo rà soát, đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng các đề án, quy hoạch, kế hoạch được giao. Rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2014, Quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, khóa XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra.

2. Tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa; Từng bước thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới. Lựa chọn các giải pháp gắn với chuyển đổi phương thức sản xuất quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường các biện pháp kiểm soát, bình ổn thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

3. Huy động mọi nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm. Tranh thủ ngân sách Trung ương, nghiên cứu khuyến khích các cơ chế, hình thức đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp, dân cư, tổ chức tín dụng,...để đầu tư các công trình, dự án. Triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi và đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án đúng tiến độ theo cam kết, nhất là các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Quan tâm, tích cực làm việc với các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III và tái cơ cấu cổ đông Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê. Chỉ đạo hoàn thiện và phê duyệt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.  

4. Về điều hành thu, chi ngân sách: Tiếp tục duy trì, củng cố và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách ở tất cả các cấp để nâng cao hiệu quả thu chi ngân sách; tập trung chỉ đạo quyết liệt về thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm, phấn đấu thu đạt cao hơn chỉ tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các nội dung tại công điện số 15/CĐ-UBND ngày 27/6/2014 của UBND tỉnh về tăng cường tập trung chỉ đạo thu, nộp ngân sách.

Tập trung chỉ đạo điều hành chi ngân sách trên cơ sở tiến độ và khả năng nguồn thu để đảm bảo cân đối ngân sách; thực hiện tốt các biện pháp để đảm bảo sử dụng ngân sách tiết kiệm, kiểm soát chặt chẽ nhiệm vụ chi, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện một số chủ trương, cơ chế chính sách của tỉnh đã ban hành để xem xét, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương hiện nay. Kiểm soát chặt chẽ chi dự phòng và các khoản chuyển nguồn.

5. Chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng, Ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trung ương về chính sách tiền tệ, tín dụng, các quy định về giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ cho khách hàng, cho vay các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, nhất là với khu vực nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

6. Về khoa học công nghệ và tài nguyên môi trường:

Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 28/3/2014 của UBND tỉnh về tập trung cao độ mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển khoa học công nghệ trong tình hình mới, đưa khoa học công nghệ sớm trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như mục tiêu đặt ra theo tinh thần Nghị quyết số 20 20-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 (khóa XI).

Tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm trong việc sử dụng đất để xem xét thu hồi, giao cho các chủ đầu tư có năng lực thực hiện. Triển khai đồng bộ các biện pháp trong quản lý đất đai theo hệ thống quy phạm pháp luật ban hành kèm theo Luật Đất đai 2013[7] và kiểm tra xử lý dứt điểm các vụ việc đất đai để tạo tính ổn định. Xây dựng đề án thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp để quản lý hồ sơ địa chính, cơ sơ dữ liệu địa chính thống nhất toàn tỉnh.



[1] So sánh kết quả đạt được 6 tháng đầu năm với các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế HĐND giao của cả năm 2014: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,1%/23%; GDP bình quân đầu người đạt 13,62 /30 triệu đồng; Sản lượng lương thực đạt 33,85 vạn/51 vạn tấn; Tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp đạt 18,3% /23,08%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 78,25 /138 triệu USD, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đạt 1.806/ 2.900 triệu USD; Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.309 tỷ /7.115 tỷ đồng, trong đó: Thu ngân sách nội địa 2.100 tỷ /6.065 tỷ đồng (thu thuế, phí và lệ phí 1.800 tỷ /5.365 tỷ đồng, thu cấp quyền sử dụng đất 300 tỷ /700 tỷ đồng) thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.209 tỷ /1.050 tỷ đồng;...

[2] Tổng hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng năm 2013 tăng 9,65%, cả năm 2013 tăng19,2%; Tốc độ tăng trưởng cả nước 6 tháng đầu năm 5,18%.

[3] Đã chi ngân sách cho 45/68 đề án, chính sách, nhiệm vụ theo kế hoạch của HĐND tỉnh;

[4] Cắt giảm: 54 dự án, giá trị cắt giảm 2.656,473 tỷ đồng; Giãn tiến độ: 11 dự án, giá trị là 462,07 tỷ đồng; Đình hoãn: 2 dự án, giá trị là 87,13 tỷ đồng;

[5] Theo tinh thần Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội, Chỉ thị số 1474CT-TTg ngày 24/8/2011, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ

[6] Nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ do Bộ, Ngành làm chủ đầu tư để thực hiện các dự án thuỷ lợi 867,4 tỷ đồng mới được thông báo trong tháng 4 và tháng 5 nên tỷ lệ giải ngân mới đạt 26%. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 do địa phương quản lý đã được UBND tỉnh thông báo 1.918,659 tỷ đồng, nhưng Chính phủ chưa giao kế hoạch vốn TPCP hàng năm cho các dự án, nên UBND tỉnh chưa phân khai được cho các dự án để thực hiện trong năm 2014.

[7] Các nghị định của Chính phủ: Số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về QĐ chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về Quy định về giá đất; Số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về Quy định về thu tiền sử dụng đất; Số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về Quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Các thông tư: 23/2014/TT-BTNMT; 24/2014/TT-BTNMT;76/2014/TT-BTC; 77/2014/TT- BTC.

 


    Ý kiến bạn đọc