|
Đồng chí Đoàn Đình Anh - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội báo cáo thẩm tra về lĩnh vực văn hóa, xã hội |
1. Về kết quả đạt được
Năm 2014, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhưng với sự quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà nên cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ hết sức quyết liệt, năng động, sáng tạo; ban hành nhiều loại văn bản tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa xã hội. Sau đây, Ban xin bổ sung và nhấn mạnh thêm một số nội dung:
Trên lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch đã tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được chú trọng, dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công tác quản lý các di tích lịch sử văn hóa được phân cấp theo giá trị và quy mô di tích, góp phần tạo điều kiện cho chính quyền các cấp chủ động trong công tác quản lý và khai thác các giá trị. Ngân sách đầu tư cho việc chống xuống cấp và tôn tạo di tích có sự tăng dần theo từng năm. Tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2014, trong đó có việc ban hành Quyết định số 1177 QĐ/UBND ngày 28/4/2014 phê duyệt Đề án “Quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích Đền Chợ Củi”, vấn đề mà cử tri rất quan tâm. Quản lý nhà nước đối với hoạt động khách sạn, nhà hàng tiếp tục được chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút khách du lịch. Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 08- NQ/TW của Bộ Chính trị và chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020 xuống tận cơ sở; tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ VII năm 2014.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục duy trì thành tích trong tốp đầu cả nước. Ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống và kĩ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khoẻ cho học sinh. Tổ chức thi khảo sát chất lượng cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên từ bậc học Mầm non đến Trung học phổ thông và thi tuyển cán bộ quản lý các trường Trung học phổ thông, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Hoàn thành việc chuyển đổi trường Mầm non bán công sang công lập. Hà Tĩnh là tỉnh thứ 8 trên toàn quốc và là tỉnh đầu tiên của khu vực Trung bộ đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Cơ bản hoàn thành việc sáp nhập trường theo lộ trình đã đề ra trong Đề án quy hoạch hệ thống trường mầm non và phổ thông đến năm 2020. Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp triển khai thực hiện tốt chủ đề năm học “Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”. Hoạt động liên kết đào tạo diễn ra đúng định hướng, được quản lý chặt chẽ hơn. Vấn đề dạy thêm, học thêm từng bước được chấn chỉnh.
Lĩnh vực Y tế, chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được nâng lên, nhất là tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh. Công tác y tế dự phòng được quan tâm thực hiện tốt, không để dịch lớn xẩy ra trên địa bàn. Triển khai nhiều biện pháp phù hợp tập trung giảm sinh, giảm sinh con thứ 3, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch 282/KH-UBND ngày 11/7/1014 về triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Hà Tĩnh. Triển khai thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốcViệt Nam” một cách có hiệu quả. Đã chủ động làm việc với các Trường đại học Y, Dược để thu hút bác sỹ, dược sỹ chính quy về công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
Trên lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội đã thực hiện chi trả các chế độ chính sách cho các nhóm đối tượng khá kịp thời. Một số chính sách như hỗ trợ về nhà ở cho người công đến nay đã hoàn thành việc rà soát, tổng hợp và phê duyệt số đối tượng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc tổng rà soát các chính sách ưu đãi người có công theo Chỉ thị 23/CT-TTg, đến nay, đã thực hiện xong tại 2.157 thôn, xóm, với trên 74.000 phiếu (đạt 100% kế hoạch). Đã ban hành Quyết định Quy định tạm thời về giải quyết việc làm đối với con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng trên địa bàn tỉnh. Công tác tham mưu thực hiện Nghị định 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” tuy bước đầu còn lúng túng nhưng đến nay đã được tập trung chỉ đạo, kịp thời bổ cứu, khắc phục một số vướng mắc phát sinh nên kết quả thực hiện đạt khá. Các chỉ tiêu về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt khá. Chương trình Việc làm - Dạy nghề được tập trung triển khai quyết liệt, trong đó công tác tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm được đẩy mạnh ở cả 03 cấp (tỉnh, huyện, xã).
Lĩnh vực thông tin, truyền thông, công tác phối hợp chỉ đạo, quản lý báo chí xuất bản, thông tin đối ngoại và thông tin cơ sở trên địa bàn được thực hiện ngày càng chặt chẽ. Hội nghị giao ban báo chí định kỳ hàng tháng được duy trì ổn định, chất lượng nội dung giao ban đảm bảo tính định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; hoàn thiện cài đặt sử dụng Văn phòng điện tử thông minh (IO) trong các cơ quan đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Một số công tác khác:
- Công tác bảo hiểm xã hội đạt kết quả khá. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 69% dân số của tỉnh, hoàn thành kế hoạch đặt ra.
- Công tác dân tộc và tôn giáo được quan tâm. Các chương trình, đề án đầu tư cho vùng núi, vùng bãi ngang, dân tộc thiểu số ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân vùng khó khăn và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền.
- Về nước sạch nông thôn, qua kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội đến nay cho thấy UBND tỉnh tiếp thu nghiêm túc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tương đối đầy đủ. Đã thanh tra 26 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn toàn tỉnh, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể và tổ chức thu hồi, nộp ngân sách 118 triệu đồng, thanh lý hoàn trả mặt bằng 10 công trình không còn nhu cầu sử dụng; đối với công trình xuống cấp hoặc hư hỏng một phần, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án sửa chữa, khắc phục hợp lý 08 công trình. Công ty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Hà Tĩnh đã tổ chức tiếp nhận xong các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung của xã Thạch Long (H. Thạch Hà), xã Hộ Độ (H. Lộc Hà) và Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), đưa vào quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả.
2. Về một số tồn tại, hạn chế
Ban Văn hóa-Xã hội nhất trí với các nội dung tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh và xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề như sau:
Theo chỉ đạo của tỉnh thì năm 2014 là năm tổng kết, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015. Tuy nhiên, Báo cáo của UBND tỉnh chưa đề cập và đánh giá các chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hoá xã hội.
Việc đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá xã hội nói chung và bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách đã ban hành theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trên lĩnh vực văn hóa xã hội chưa tương xứng, còn thấp nên việc triển khai, thực hiện đạt hiệu quả chưa cao.
Quản lý nhà nước về văn hoá xã hội trên một số lĩnh vực có lúc có nơi còn buông lỏng. Công tác tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan chưa kịp thời; triển khai một số dự án, quy hoạch còn chậm. Đội ngũ cán bộ quản lý, phụ trách văn hoá, thể thao, du lịch từ tỉnh đến cơ sở còn bất cập về chuyên môn đào tạo và năng lực, trình độ. Việc quản lý, phê duyệt hồ sơ tôn tạo một số di tích lịch sử - văn hóa đối với một số công trình chưa đúng quy định. Nguồn hỗ trợ chống xuống cấp từ ngân sách của tỉnh sử dụng chưa hợp lý, nhất là trong xếp thứ tự ưu tiên đầu tư. Hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống chưa được quan tâm. Một số địa phương chưa khai thác, phát huy tối đa các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, chưa quan tâm bảo vệ, chăm sóc cảnh quan môi trường. Việc công nhận các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn nặng về số lượng, chưa chú trọng chất lượng và tính bền vững. Công tác gia đình chưa được quan tâm. Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, trong đó có các tiêu chí về văn hóa đạt kết quả còn thấp so với các tiêu chí khác. Hoạt động du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27 - CT/TW và quy định của UBND tỉnh chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng đám tang nhiều vòng hoa, bức trướng, đám cưới tổ chức ăn uống linh đình vẫn xảy ra.
Chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương, nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục, còn hạn chế về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Chưa có giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên. Năm học 2013-2014, có 59 trường chuẩn quốc gia bị cắt danh hiệu chủ yếu là do không đảm bảo về tiêu chuẩn cơ sở vật chất. Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân khi thực hiện quy hoạch trường lớp nên chưa tạo được sự đồng thuận cao. Hiện tượng dạy thêm trái quy định ngoài nhà trường vẫn còn xảy ra. Việc tổ chức thu các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh còn bộc lộ một số tồn tại nhưng chậm được khắc phục.
Cơ sở vật chất một số trạm y tế xuống cấp và các điều kiện khác chưa đảm bảo nên chỉ tiêu số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt thấp; thiếu các loại thiết bị công nghệ cao phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Tình trạng quá tải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện chưa khắc phục được. Vệ sinh môi trường và vấn đề xử lý rác thải, nước thải ở một số cơ sở khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập. Việc thực hiện một số chính sách liên quan đến cán bộ, nhân viên còn chậm như chuyển ngạch cho số y sỹ đã tốt nghiệp trình độ bác sỹ. Quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập còn buông lỏng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan.
Việc thực hiện phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo Nghị định 56/2013/NĐ-CP còn chậm, thiếu đồng bộ. Cá biệt, vẫn còn đối tượng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 176/1994/NĐ-CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ nhưng đến nay mới lập hồ sơ đề nghị xét tặng, truy tặng. Việc bố trí kinh phí tặng thưởng cho các gia đình và cá nhân có công trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đến nay vẫn chưa được thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhưng chưa thực sự bền vững và nguy cơ tái nghèo cao, nhiều địa phương có tỉ lệ hộ cận nghèo cao so với tỉ lệ hộ nghèo. Việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo một số nơi chưa thực sự chính xác, vẫn còn tình trạng nể nang, thiếu kiên quyết trong công tác điều tra, rà soát và bình xét hộ nghèo dẫn đến tình trạng sai, sót. Công tác giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất, tái định cư gặp nhiều khó khăn. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng ra trường không có việc làm tiếp tục tăng.
Công tác cung cấp thông tin cho báo chí đối với một số vụ việc lớn xảy ra trên địa bàn còn thiếu kịp thời, chưa làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội. Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2017 và những năm tiếp theo mới chỉ tập trung cho phần đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị trạm Truyền thanh cơ sở, thiếu các chính sách liên quan đến con người cụ thể chịu trách nhiệm quản lý, vận hành thiết bị sau đầu tư; thiếu cơ chế, quy chế hoạt động của các trạm Truyền thanh cơ sở để đảm bảo nội dung, chất lượng tuyên truyền.
Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp và người lao động chưa cao, còn có biểu hiện xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tình trạng các đơn vị sử dụng lao động nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn xảy ra.
3. Về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2015
Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân cơ bản nhất trí với các nhóm giải pháp đã nêu và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm thêm một số nội dung như sau:
- Về nhóm văn hóa thể thao: Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015 như: kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du; đón nhận Bằng công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Nâng cao chất lượng các danh hiệu gia đình, làng xã, khối phố, đơn vị văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật, văn hoá ứng xử trong các hoạt động, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn. Tăng cường đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và thiết chế văn hoá cấp tỉnh. Tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống di tích trên địa bàn.
- Về nhóm giải pháp giáo dục và đào tạo: Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đánh giá rút kinh nghiệm về việc áp dụng phương pháp dạy học mới ở bậc Tiểu học. Có các giải pháp đồng bộ từng bước giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên hiện nay. Tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, chú trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỷ năng sống cho học sinh. Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng sau Trung học cơ sở và Trung học phổ thông theo hướng tăng dần tỉ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào các trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề và tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông, bổ túc Trung học phổ thông vào các trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề để đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn nhân lực trong thời kỳ mới. Hoàn thành việc sáp nhập trường theo lộ trình đã đề ra; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất trường học; nâng cao chất lượng dạy học, nề nếp kỷ cương tại các trường thực hiện sáp nhập.
- Về nhóm giải pháp y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân: Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 78/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2013 của HĐND tỉnh, Kế hoạch số 77 của UBND tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014 - 2020. Thực hiện nghiêm túc các quy định xử lý đối với những đơn vị, cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm. Tích cực thu hút tuyển dụng bác sỹ, dược sỹ đại học và đại học kỹ thuật y chính quy tốt nghiệp loại khá giỏi. Chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo chuyển giao kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý. Thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện để nâng cao chất lượng điều trị; đẩy mạnh việc tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Chuẩn bị tốt các điều kiện để trình ban hành Đề án “Tim mạch can thiệp - Ghép tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn 2015-2018” và Đề án “Chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm bệnh viện công lập giai đoạn 2015-2018”. Đảm bảo các điều kiện và giải pháp để thực hiện chỉ tiêu 70% dân số có Bảo hiểm y tế.
- Về nhóm giải pháp “Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, quan tâm công tác xoá đói giảm nghèo và và đảm bảo an sinh xã hội”: Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng; tập trung xác minh và xử lý nghiêm minh các sai phạm để tạo niềm tin trong nhân dân và ổn định tình hình ở cơ sở. Nhanh chóng triển khai làm nhà ở cho các đối tượng chính sách. Thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ nhà ở vượt lũ cho các hộ nghèo vùng lũ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những đơn vị vi phạm luật lao động, không mua bảo hiểm đầy đủ cho người lao động. Có giải pháp về vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân vùng tái định cư, vì hiện vẫn còn tình trạng người dân được hỗ trợ tiền học nghề nhưng không sử dụng để học nghề, tạo việc làm dẫn đến thất nghiệp hoặc công việc bấp bênh, không ổn định. Quan tâm vấn đề tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ bước đầu chuyển đến vùng tái định cư còn gặp nhiều khó khăn.
- Về công tác thông tin truyền thông: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng Thông tin và Truyền thông, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và trong phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn; đưa Internet và thông tin về cơ sở, đặc biệt vùng núi, vùng sâu, vùng xa, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng hoàn thiện các hệ thống thông tin, tạo môi trường làm việc qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Tổ chức thực hiện hiệu quả Năm Dịch vụ công trực tuyến gắn với an toàn, an ninh mạng và thông tin số; Ứng dụng phần mềm, thư điện tử để điều hành, tác nghiệp, thông tin trên mạng; sử dụng phần mềm để tổng hợp dữ liệu của ngành, địa phương, từng bước xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung; cung cấp thông tin, thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Xây dựng hoàn thiện chính sách đồng bộ cho hệ thống trạm Truyền thanh cơ sở trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả đầu tư và tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
- Một số nội dung khác: Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, đặc biệt là tổ chức thực hiện Đề án phát triển dân tộc Chứt đã được UBND tỉnh phê duyệt một cách có hiệu quả. Chỉ đạo các cấp thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung để nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
- Đề nghị UBND tỉnh tổng kết, đánh giá về mức độ đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015 để trên cơ sở đó tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước và bố trí nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực văn hoá xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2015.
- Một số chính sách lớn như giáo dục, y tế, du lịch...đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhưng ngân sách tỉnh hàng năm bố trí rất thấp nên hiệu quả mang lại chưa cao. Đề nghị UBND tỉnh cân đối tỷ lệ tổng mức đầu tư giữa các lĩnh vực, trong đó xem xét ưu tiên cho các chính sách thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội.
- Đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện một số sự kiện chính trị văn hóa lớn diễn ra trong năm 2015 như: Kỷ niệm các lễ lớn trong năm; Các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng các cấp; Lễ kỷ niệm và vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du; Các hoạt động vinh danh, bảo tồn dân ca Ví, Giặm sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Kinh phí chuẩn bị đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh để tăng cường thiết chế văn hóa cấp tỉnh...
Trên đây là báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đối với Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh trên lĩnh vực văn hóa xã hội. Kính trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét và quyết định.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)