Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trên lĩnh vực văn hóa
EmailPrintAa
14:37 14/07/2014

Tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghe Ban Văn hóa – Xã hội báo cáo thẩm tra các nội dung trên lĩnh vực văn hóa. Chúng tôi xin trích đăng nội dung chính của báo cáo này.

... Về nội dung thẩm tra

Kết quả đạt được

Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2014 trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và nhấn mạnh, bổ sung thêm một số vấn đề như sau:


Đồng chí Đoàn Đình Anh- Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra tại kỳ họp

Năm 2014 tình hình thế giới cũng như trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy vậy, với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm về kinh tế - xã hội khá cao, riêng lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, Ban Văn hoá - Xã hội xin nhấn mạnh và bổ sung một số nội dung sau:

6 tháng đầu năm, công tác quản lý nhà nước của các ngành trong lĩnh vực văn hóa - xã hội được Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoạt động của các ngành ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên, các chương trình đề án được ban hành mới như: Đề án phát triển du lịch và dịch vụ tỉnh Hà Tĩnh; Kế hoạch thực hiện Chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề; Đề án tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng với các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành cho các lĩnh vực: giáo dục, y tế, dân số, văn hóa, du lịch v.v, đã thúc đẩy sự phát triển khá đồng bộ giữa các ngành trong khối. Cụ thể:

- Văn hóa, thể thao, du lịch: 6 tháng đầu năm đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như kỷ niệm 110 ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú, hội thảo quốc tế về dân ca ví dăm Nghệ Tĩnh, Đại hội thể dục thể thao toàn tỉnh, tổ chức trại sáng tác tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh. Hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi, công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội cơ bản thực hiện theo quy định. Đã chú trọng gắn kết hoạt động lễ hội với khai thác các tiềm năng du lịch. Lĩnh vực du lịch đã hoàn thành quy hoạch du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Hoạt động du lịch đang có những chuyến biến tích cực trong việc nghiên cứu khai thác thị trường, tạo sản phẩm mới, tổ chức các tua tuyến...

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo bước chuyển mới, thiết chế văn hóa thể thao tiếp tục được tăng cường. Nhiều địa phương thực hiện khá nghiêm túc các quy định về việc cưới, việc tang. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng.

          - Giáo dục - đào tạo: Tiếp tục phát triển và đạt kết quả khá toàn diện cả đại trà và mũi nhọn trên tất cả các bậc học, cấp học. Việc thực hiện Nghị quyết số 20 của Hội đồng nhân dân về Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo, đến nay đã hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trước năm 2015 như: hoàn thành chuyển đổi các trường mầm non bán công sang loại hình công lập; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi phổ cập đến trường; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1; thực hiện cơ bản việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học; tập trung huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị; giáo dục Đại học và giáo dục Nghề nghiệp đã có sự điều chỉnh quy mô, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo quy hoạch của tỉnh.

Lĩnh vực Y tế, Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 21 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác phòng chống dịch; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đạt kết quả khá; mạng lưới khám chữa bệnh được tăng cường; Tiếp tục phân cấp các Trung tâm Y tế dự phòng cấp huyện về Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý; cơ sở vật chất và con người ở nhiều Trạm y tế xã được tăng cường để đáp ứng tiêu chí chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nộng thôn mới cũng như làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn đã có sự tăng nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình; trong đó nhiều cơ sở có hạ tầng, trang thiết bị y tế khá hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong công tác khám chữa bệnh; góp phần chia sẻ, giảm bớt gánh nặng quá tải cho các cơ sở y tế công lập.

Lĩnh vực lao động thương binh xã hội: Việc thực hiện các chính sách đối với người có công với Cách mạng khá kịp thời theo các quy định mới của Trung ương, triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, xét công nhận danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Các chế độ đối với các đối tượng được thực hiện nghiêm túc, chi trả kịp thời đầy đủ.

Công tác xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội: Thực hiện có hiệu quả đề án giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội. Cùng với việc xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách khuyến khích sản xuất các sản phẩm chủ lực, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tác động tích cực tới công tác xóa đói giảm nghèo, đưa hộ nghèo giảm xuống còn 8,9%. Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được quan tâm.

Tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tăng thêm 90.069 người so với tháng 6 năm 2013, trong đó số tham gia Bảo hiểm y tế là 851.277 người, đạt tỷ lệ 67,8% dân số.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã tiến hành phân cấp công tác dạy nghề lao động nông thôn về cấp huyện quản lý để tăng tính chủ động cho các địa phương đơn vị. Hệ thống các cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh được kiện toàn, sắp xếp lại. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề được đầu tư tăng cường đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học nghề trong xã hội. Tập trung cao cho công tác giải quyết việc làm, tổ chức khảo sát cụ thể số đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học và nghề hiện chưa có việc làm, đông thời tăng cường kết nối để giải quyết nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp cũng như người lao động.

          Thông tin - truyền thông, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động trên tất cả các mặt công tác. Trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí ngày càng đạt hiệu quả; các cơ quan báo chí đã đổi mới nội dung, hình thức, mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục mới để nâng cao tính thời sự, tạo sự đa dạng, phong phú, sinh động, đáp ứng như cầu thông tin ngày càng cao của công chúng, góp phần làm tốt công tác định hướng dư luận trong nhân dân.

Một số tồn tại, hạn chế

Ban Văn hóa - Xã hội đồng tình cao với các tồn tại đã được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và xin bổ sung thêm một số ý kiến về lĩnh vực văn hóa - xã hội, như sau:

- Việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội nói chung, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao nói riêng chưa tương xứng với các lĩnh vực khác. Các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đang đứng cuối cùng, mới đạt 8,9 % số xã. Công tác bảo vệ, quản lý và khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn còn hạn chế. Tình trạng mai một, xuống cấp ở các di tích xếp hạng cấp tỉnh, xếp hạng cấp quốc gia đang diễn ra khá nghiêm trọng. Hoạt động quản lý của một số Ban Quản lý di tích chưa tốt, chưa thực hiện việc thu phí tham quan theo quy định của tỉnh cũng như chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng các nguồn thu tại di tích; Hoạt động của Nhà hát truyền thống Hà Tĩnh sau chuyển đổi chưa có chuyển biến, hiện đang xếp gần cuối cùng trong số 67 đoàn chuyên nghiệp trong cả nước. Giải pháp chuyển đổi công việc cho diễn viên, vận động viên quá tuổi biểu diễn, thi đấu chưa được quan tâm kịp thời. Chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chưa được nâng lên. Một số nơi thực hiện chưa nghiêm các quy định về việc cưới, việc tang.

- Giáo dục và đào tạo, tuy nhiều chỉ tiêu đã đạt được song vẫn còn một số chỉ tiêu của Nghị quyết số 20 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo, đạt thấp như: Tiến độ xây dựng trường chuẩn Quốc gia; phổ cập giáo dục Trung học; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, phân luồng sau Trung học cơ sở, Trung học phổ thông…; cơ sở vật chất các trường sau sáp nhập vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác quy hoạch chi tiết các trường học chưa được quan tâm đúng mức; Việc đầu tư, phân bổ ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo chưa hợp lý, trong đó phần chi hoạt động thường xuyên còn thấp so với quy định; Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chất lượng không đồng đều; đang còn tình trạng thừa thiếu giáo viên, dạy chéo môn diễn ra cục bộ tại một số địa phương; việc giải quyết giáo viên dôi dư còn chậm; Việc đổi mới công tác quản lý giáo dục còn hạn chế; Công tác phân luồng sau tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tiến triển chậm, bộc lộ nhiều lúng túng, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp.

- Chất lượng khám, chữa bệnh vẫn còn nhiều bất cập chưa đáp ứng yêu cầu; Quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập có lúc, có nơi còn buông lỏng. Việc xử lý, đưa ra các giải pháp để quản lý số đối tượng hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trái phép còn thiếu kiên quyết và chưa kịp thời; Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong thanh niên chưa được quan tâm đúng mức. Trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều tồn tại, các địa phương chưa thực sự vào cuộc trong việc quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chính sách về công tác dân số chưa đạt được như chính sách đề ra. Tỷ lệ sinh con thứ 3, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tuy có giảm nhưng vẫn còn cao. Tính đến hết ngày 30/5/2014, toàn tỉnh có 122 cặp vợ chồng, trong đó có123 người là đảng viên vi phạm sinh con thứ 3 trở lên. Một số huyện có tỷ lệ vi phạm cao là Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thành phố Hà Tĩnh.

- Diện bao phủ của chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế đến nay mới chỉ đạt 67,8% dân số của tỉnh; Nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp hàng năm còn ở mức cao, kéo dài, ảnh hưởng đến giải quyết các chế độ, quyền lợi cho người lao động; Tình trạng bệnh nhân có Bảo hiểm y tế vượt tuyến lớn.

- Đề án phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Hà Tĩnh chậm triển khai, chưa thu hút được nhà đầu tư; việc xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, công tác giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm thực hiện...

- Thực hiện tổng rà soát các chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng, xét phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nâng mức trợ cấp cho đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội tiến độ còn chậm; chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở chưa được triển khai nhưng không làm tốt công tác tuyền truyền nên còn gây tâm lý hoài nghi, tạo dư luận chưa tốt. Việc tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh cho các gia đình có công với nước nhưng chưa kèm theo tiền thưởng đang gây thắc mắc trong nhân dân.

- Việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình việc làm, dạy nghề ở cấp huyện, xã chưa gắn với điều kiện đặc thù, thế mạnh và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; Hàng năm, chưa đánh giá được năng lực các cơ sở đào tạo nghề để giao chỉ tiêu đào tạo nhằm quản lý chất lượng nên chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn, một số đơn vị chưa đạt số lượng tuyển sinh theo kế hoạch; Việc phân cấp dạy nghề lao động nông thôn về cấp huyện quản lý bước đầu còn lúng túng, các địa phương vẫn chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Số sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm nhiều nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.

- Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em còn để xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm; Trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, việc tổ chức cai nghiện tập trung nhìn chung hiệu quả còn hạn chế. Tai, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2014

Ban Văn hóa - Xã hội cơ bản nhất trí với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển văn hóa - xã hội 6 tháng cuối năm 2014 như báo cáo đã nêu và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm thêm một số nội dung sau:

- Cần tập trung hơn nữa cho công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, khắc phục tối đa các tồn tại đã nêu trong báo cáo. Xây dựng kế hoạch chi tiết để hoàn thành các chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã được Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII cũng như các Nghị quyết Hội đòng nhân dân tỉnh xác định đến năm 2015 vào cuối năm 2014.

- Xây dựng kế hoach và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 về văn hóa. Tổ chức tốt các ngày kỷ niệm lớn trong năm, chuẩn bị kế hoach để tiến tới các ngày lễ lớn trong năm 2015, tập trung cho tuyên truyền về đại hội đảng các cấp, kết quả và thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ. Có giải pháp để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Tiếp tục thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

- Triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về giáo dục đào tạo. Trong đó, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương đội ngũ. Quan tâm rà soát công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp để có sự điều chỉnh hợp lý, Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhất là đối với các trường Trung học cơ sở sau sáp nhập, về học tại một địa điểm. Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo

- Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các cơ sở y tế ngoài công lập; có giải pháp quản lý, kiểm soát tốt giá thuốc chữa bệnh trên địa bàn; Sớm ban hành các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép hành nghề y học cổ truyền để góp phần quản lý chặt chẽ trong lĩnh vực này, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân; Chấn chỉnh hoạt động Ban chỉ đạo và tăng cường quản lý chặt chẽ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong thanh niên.

- Có các giải pháp mạnh mẽ để tăng tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để hạn chế tình trạng bệnh nhân bảo hiểm y tế vượt tuyến.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiên tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí để việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được kịp thời, đúng định hướng, nhất là trước các vụ việc phát sinh phức tạp.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát việc thực hiện các chính sách ưu đãi  người có công với Cách mạng, trong đó tập trung giải quyết chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và chính sách phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; kịp thời xử lý dứt điểm, nghiêm minh các trường hợp sau kiểm tra, xác minh có sai phạm để tạo niềm tin trong nhân dân và ổn định tình hình ở cơ sở.

- Chỉ đạo các địa phương tích cực chủ động trong tổ chức thực hiện chương trình việc làm, dạy nghề nói chung và chương trình dạy nghề lao động nông thôn nói riêng; trong xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình việc làm, dạy nghề ở cấp huyện, xã cần gắn chặt với điều kiện đặc thù, thế mạnh và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Có các giải pháp đánh giá năng lực các cơ sở đào tạo nghề để giao chỉ tiêu đào tạo hợp lý, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội.

- Tăng cường các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là phòng chống tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn tính mạng cho các cháu trong dịp hè.


    Ý kiến bạn đọc