Đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra về lĩnh vực kinh tế, ngân sách
|
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019.
6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực, cả 03 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng trưởng khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách đạt kế hoạch HĐND tỉnh giao; chi ngân sách địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố; nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước có mức tăng trưởng khá chiếm 81% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 46,2% so với cùng kỳ. Các dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ; thành phố Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại II; Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 đang quá trình hoàn thành quy trình triển khai dự án; công tác xúc tiến đầu tư đạt được một số kết quả khá tích cực, một số dự án lớn đi vào hoạt động; các dự án có quy mô lớn tích cực triển khai; Hạ tầng nông thôn có nhiều cải thiện; Nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo; nợ XDCB được kiểm soát...
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức, Ban Kinh tế ngân sách bổ sung và làm rõ thêm một số nội dung sau: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt cao, nhưng mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét. Xuất khẩu phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu truyền thống tuy có tăng trưởng nhưng đạt thấp so với tổng kim ngạch; chưa liên kết, tận dụng được lợi thế của khu vực doanh nghiệp này để phát triển bền vững khu vực kinh tế khác. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn nhiều khó khăn; tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là dịch tả lợn Châu Phi trong khi việc phòng chống dịch bệnh chưa thực sự vào cuộc quyết liệt; phân bổ hóa chất phòng dịch cho các huyện không kịp thời; quản lý rừng, đất lâm nghiệp chưa nghiêm. Công tác dự báo cung, cầu trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Việc duy trì sản xuất và tiến độ các công trình, dự án trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp, các chuỗi liên kết sản xuất gặp khó khăn. Du lịch, dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; chưa đóng góp nhiều cho phát phát triển kinh tế xã hội. Một số vướng mắc trong quản lý tài sản công chưa được tháo gỡ. Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của nhân dân 6 xã trong thời gian dài nhưng chính sách hỗ trợ phát triển chưa đáng kể. Việc hướng dẫn thực hiện chính sách theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh còn nhiều vướng mắc, hấp thụ chính sách hạn chế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp so với kế hoạch. Tiến độ các dự án theo cam kết của các nhà đầu tư chậm thực hiện. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp, một số nguồn vốn không đạt kế hoạch đề ra. Việc quản lý, sử dụng đất hiệu quả chưa cao. Tiến độ cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, nhất là đất có nguồn gốc trước năm 1980. Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản có nội dung, thời điểm chưa kịp thời, chặt chẽ. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Ban đề nghị quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ để tập trung giải quyết các hạn chế đã được chỉ ra trong quá trình điều hành kinh tế-xã hội của năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019. Cần quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Triển khai kịp thời và có hiệu quả các đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh đã ban hành.
Chấn chỉnh công tác cấp phép, cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm những hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng, chế biển thủy sản. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Nghiên cứu ban hành chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ, vệ tinh trong khu kinh tế Vũng Áng. Tập trung thảo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đưa Khu kinh tế Vũng Áng phát triển mang tầm cỡ quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án điện, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhưng phải lựa chọn địa điểm phù hợp.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; kiểm soát chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp. Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen”. Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các công trình trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục quan tâm phát triển doanh nghiệp gắn với chất lượng hoạt động và thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN. Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án thực hiện kém hiệu quả.
Kịp thời soát xét, ban hành các chính sách và bố trí nguồn kinh phí thực hiện sáp nhập xã; Chính sách cho cán bộ dôi dư và có giải pháp xử lý, sử dụng hiệu quả cở sở hạ tầng dôi dư sau sáp nhập xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ chính trị và phương án tổng thể tại Quyết định số 1014-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015.
Chấn chỉnh công tác quản lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai, khai thác khoáng sản và môi trường; Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục giao đất tái định cư, đất ở cho nhân dân ổn định sản xuất, nhất là hoàn thành việc cấp giấy CNQSDĐ trước năm 1980.
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Chú trọng thu hút và phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, đặc biệt trong sản xuất, chế biến, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Về các t ờ trình và dự thảo Nghị quyết trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách. Ban Kinh tế ngân sách đã tổ chức làm việc với cơ quan soạn thảo, có ý kiến góp ý trực tiếp vào dự thảo; cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo. Vì vậy, Ban cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết và có một số ý kiến cụ thể như sau:
Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Điều 5 , Điều 6 Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND , ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ban thống nhất và đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết sửa đổi Điều 5, Điều 6 Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Ban thống nhất với mức thu như đề xuất. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được xây dựng theo đúng quy định tại Thông tư số 18/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Mức tỷ lệ phần trăm đề xuất (70%) tương đồng với các tỉnh lân cận và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết thông qua điều chỉnh một số diện tích Quy hoạch 3 loại rừng, Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 để phù hợp chỉ tiêu, cơ cấu sử dụng đất tại Nghị quyết 75/NQ-CP ngày 13/6/2018 của Chính phủ. Ban cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình và dự thảo Nghị quyết và đề nghị quan tâm một số nội dung cụ thể như sau:
Về tên nghị quyết: Đề nghị sửa thành Nghị quyết về việc điều chỉnh một số diện tích Quy hoạch 3 loại rừng, Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.
Về các nội dung điều chỉnh: Ban thống nhất với các nội dung điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng, Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng như dự thảo nghị quyết. Đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để quản lý, sử dụng diện tích đất rừng trên đúng mục đích và đạt hiệu quả. Tổng diện tích đất lâm nghiệp sau điều chỉnh vẫn còn một số diện tích chênh lệch so với chỉ tiêu của Chính phủ, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo, giải trình với Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trong quá trình thực hiện.
Sau khi điều chỉnh Quy hoạch được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành Quyết định phê duyệt, tiến hành công khai quy hoạch đến người dân, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định cắm mốc ranh giới 3 loại rừng trên biểu đồ và trên thực địa để ổn định lâm phận; làm rõ nguồn gốc đất, xây dựng phương án giao đất, giao rừng và phương án phát triển bền vững cho từng loại rừng, thực hiện chính sách hỗ trợ sau chuyển đổi rừng; xây dựng phương án thu hồi, giải quyết tài sản trên đất và giao chủ rừng quản lý cụ thể đối với các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sau khi điều chỉnh.
Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất (bổ sung) năm 2019, Ban đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung vào phụ lục nghị quyết các căn cứ pháp lý theo quy định đối với các dự án còn thiếu thông tin, những dự án chưa đủ căn cứ pháp lý và chưa thực sự cầp bách thì chưa đưa vào Nghị quyết; đặc biệt là đối với các dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất yêu cầu phải có quyết định đầu tư, hoặc ít nhất phải có chủ trương đầu tư mới được đưa vào danh mục. Đối với các công trình, dự án có diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lớn; các dự án du lịch ven biển thuộc thẩm quyền Chính phủ hoặc có sự chấp thuận của Bộ, ngành Trung ương cần phải hoàn thiện đầy đủ quy trình để trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo ngành Tài nguyên môi trường và các địa phương sớm chủ động rà soát đánh giá kết quả thực hiện 06 tháng đầu năm 2019, làm tốt công tác kế hoạch đầu tư giai đoạn tiếp theo, tổng hợp đảm bảo quy trình. Rà soát các dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh đưa vào kế hoạch phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích theo quy định tại Khoản 3 Điều 49, Luật đất đai 2013.
Về nội dung Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Ba dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, với tổng diện tích 9,406ha, gồm có: chuyển 4,946ha rừng phòng hộ cho Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường lên Khu di tích danh thắng Chùa Hang; 0,16ha rừng phòng hộ cho Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; 4,3ha rừng sản xuất tại xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà cho Dự án khai thác chế biến Ilmenit tại mỏ Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ban đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh làm rõ diện tích đề nghị chuyển có nằm trong kế hoạch chuyển đổi của quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt hay không, đồng thời chỉ đạo rà soát lại để cập nhật đưa những diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng này vào số diện tích điều chỉnh một số diện tích Quy hoạch 3 loại rừng, Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 trình tại Kỳ họp này.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)