Cần quy định pháp lý về hoạt động của Tổ đại biểu HĐND các cấp
EmailPrintAa
13:40 08/04/2013

Việc quy định cụ thể địa vị pháp lý, cơ chế hoạt động của Tổ đại biểu là điều kiện quan trọng để Tổ đại biểu HĐND phát huy trách nhiệm, thực hiện tốt các hoạt động tiếp công dân, TXCT, giám sát.

 

Điều 4 và Điều 5, Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 quy định về tổ chức và hoạt động của Tổ đại biểu, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của Thường trực, Tổ trưởng, đại biểu, cách thức hoạt động của Tổ và mối quan hệ giữa Tổ đại biểu với Thường trực HĐND các cấp. Điều 4 quy định “Các đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, số lượng thành viên, Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân do Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định...”; Điều 5 quy định “Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân họp ít nhất mỗi quý một lần để bàn kế hoạch công tác, phân công đại biểu tiếp dân... Thành viên Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Tổ đại biểu, trong trường hợp không thể tham dự được thì phải báo cáo với Tổ trưởng Tổ đại biểu”.

Với những quy định trên, nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh Nghệ An có 85 đại biểu được cơ cấu thành 20 Tổ đại biểu, tổ nhiều nhất có 8 đại biểu, tổ ít nhất có 3 đại biểu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Tổ đại biểu đã tổ chức 180 cuộc họp triển khai chương trình công tác, bàn thảo và phân công đại biểu tham gia các hoạt động TXCT, tiếp công dân và giám sát. Căn cứ kế hoạch TXCT của Thường trực HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND phân công đại biểu và thông báo lịch TXCT. Trong các kỳ họp của HĐND, các Tổ đại biểu phân công đại biểu tham gia thảo luận.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 1.070 cuộc TXCT. Thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng TXCT của Thường trực HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu đã phân công đại biểu tiếp xúc ít nhất 2 điểm trước kỳ họp HĐND tỉnh. Sau kỳ họp, đại biểu quay lại tiếp xúc ít nhất 1 điểm để báo cáo, giải trình với cử tri những nội dung cử tri đã kiến nghị. Với cách thức này, cử tri có điều kiện giám sát trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri. Sau mỗi đợt tiếp xúc, một số Tổ đại biểu phối hợp với Thường trực HĐND - UBND cấp huyện cùng cấp thống nhất, trao đổi các ý kiến, kiến nghị của cử tri và giải đáp những vấn đề cử tri yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình. Ngoài TXCT theo định kỳ, một số Tổ đại biểu phối hợp với Thường trực HĐND, UBMTTQ và các cơ quan liên quan tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo địa bàn dân cư và nơi công tác, TXCT được chia theo nhóm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Tổ đại biểu HĐND còn những khó khăn, vướng mắc. Đó là các văn bản quy định về tổ chức, hoạt động của Tổ đại biểu thiếu thống nhất và thiếu cơ chế, điều kiện hoạt động của Tổ đại biểu. Cụ thể, Luật Tổ chức HĐND và UBND không quy định về hoạt động của Tổ đại biểu HĐND; Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 tuy có 2 điều quy định trách nhiệm của Tổ trưởng, Tổ phó và các đại biểu, nhưng thiếu chế tài đối với những trường hợp không thực hiện nghiêm túc. Mặt khác, các thành viên của Tổ đại biểu HĐND đều hoạt động kiêm nhiệm, tính chất công việc, vị trí công tác khác nhau, lại có biến động về tổ chức cán bộ, chủ yếu ở đại biểu giữ chức vụ chủ chốt cấp huyện, Tổ trưởng tổ đại biểu… dẫn đến khó khăn trong duy trì chế độ sinh hoạt Tổ và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Kinh phí cho Tổ đại biểu hoạt động chưa đượåc quy định thống nhất, eo hẹp... không bảo đảm cho hoạt động.

Thực tế trên cho thấy, để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ đại biểu và trách nhiệm của đại biểu, Quốc hội sớm sửa đổi Luật Tổ chức HĐND - UBND, trong đó quy định đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền của Tổ đại biểu, trách nhiệm Tổ trưởng và chế tài xử lý đối với các đại biểu, Tổ đại biểu thực hiện không nghiêm túc. Theo đó, các cơ quan liên quan sửa đổi Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của HĐND- UBND, UBMTTQ cấp huyện đối với Tổ đại biểu tại các địa phương. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về kinh phí, điều kiện bảo đảm cho Tổ đại biểu hoạt động; quy định cơ chế đánh giá hoạt động và khen thưởng đối với Tổ đại biểu hoạt động có chất lượng và hiệu quả.

Thường trực và các ban HĐND tỉnh khi tổ chức giám sát tại các địa phương thông tin, tạo điều kiện cho thành viên các Tổ đại biểu tham gia. Các Tổ đại biểu cũng cần có quy định chặt chẽ chế độ sinh hoạt, lịch tiếp dân, công tác TXCT... Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phối hợp với Văn phòng cấp huyện tham mưu, giúp các Tổ đại biểu xây dựng chương trình hoạt động giữa hai kỳ họp và tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. 

Việc quy định cụ thể về địa vị pháp lý, cơ chế hoạt động của Tổ đại biểu là điều kiện quan trọng để Tổ đại biểu HĐND phát huy trách nhiệm, thực hiện tốt các hoạt động tiếp công dân, TXCT, giám sát... góp phần để HĐND thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

 

    Ý kiến bạn đọc