Cần xem xét ban hành sớm Luật Hoạt động giám sát của HĐND
EmailPrintAa
13:50 25/07/2012

Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND theo quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân sách có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị. HĐND chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn của mình nói chung, trong lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân sách nói riêng khi các cơ quan của HĐND mạnh và đại biểu HĐND mạnh, làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình.

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND có chức năng cơ bản là quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước địa phương. HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính – ngân sách. Thực tiễn hoạt động qua các khóa HĐND TP Hồ Chí Minh gần đây đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này, tuy nhiên cũng có những vấn đề cần được xem xét, đề xuất, kiến nghị.

Tài chính – ngân sách là sức mạnh của quốc gia, của địa phương, là công cụ quản lý, điều tiết nền kinh tế và các hoạt động xã hội theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển. Vì thế khi thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước địa phương, HĐND cần có sự quan tâm đúng mức vấn đề kinh tế, tài chính – ngân sách. Theo quy định của pháp luật, HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quyết định về tài chính – ngân sách và giám sát việc thực hiện ngân sách. Với nhiệm vụ về tài chính – ngân sách, HĐND quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phân bổ ngân sách địa phương; quyết định chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương...

Căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, qua thực tiễn hoạt động trong nhiệm kỳ gần đây, có thể thấy mặt được trong phát huy vai trò của HĐND trong lĩnh vực này là xem xét, thông qua quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hàng năm phù hợp với thực tiễn địa phương theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập. Quyết định dự toán thu, chi ngân sách, phí, lệ phí, các chính sách kinh tế – xã hội, phát triển nguồn nhân lực. Xem xét có chính sách đặc thù cho các ngành, các lĩnh vực như giáo dục, an ninh quốc phòng, người làm việc ở những nơi khó khăn... Tăng cường giám sát lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân sách, các dự án đầu tư có nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước, vốn ODA, trái phiếu... Cơ bản quản lý được nguồn thu, quản lý chi theo quy định. Thực hiện quyền quyết định ngân sách, dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước ở địa phương ngày càng thực chất hơn. Còn mặt tồn tại là chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế. Quy hoạch chung, quy hoạch đất đai, xây dựng... còn bất cập, chưa bảo đảm phát triển hiện đại, bền vững. Đầu tư còn dàn trải, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu tính đồng bộ và hiệu quả. Một số công trình, dự án lớn HĐND chưa được nghe báo cáo kỹ. Một số nội dung quan trọng về quản lý, sử dụng ngân sách, qua giám sát HĐND chỉ lưu ý, nhắc nhở là chính, chưa áp dụng các biện pháp chế tài trách nhiệm. Quyết định các vấn đề tài chính – ngân sách, phân bổ ngân sách cũng còn hình thức. Đại biểu HĐND chưa được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Nhiều đại biểu kiêm nhiệm chưa có điều kiện nghiên cứu sâu, khi thông qua các quyết định về tài chính – ngân sách còn cảm thấy thiếu cơ sở tin cậy.

Nhìn chung, chất lượng và hiệu quả hoạt động thẩm tra, giám sát và kiến nghị của HĐND trong lĩnh vực tài chính – ngân sách phải tiếp tục được nâng cao. Đây là lĩnh vực chuyên môn sâu, HĐND cần lắng nghe thêm ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, kinh tế... trong quá trình thẩm tra, giám sát và kiến nghị.

Để phát huy hơn nữa vai trò của HĐND trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, HĐND cần tập trung hơn nữa cho lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân sách, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch, tạo điều kiện phát triển hiện đại, bền vững. Khi thẩm tra dự toán ngân sách cần chú ý về chính sách thu, nguồn thu (các giải pháp chống thất thu và bồi dưỡng nguồn thu), về chi cần bảo đảm cơ cấu, định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi (tính hiệu quả, hợp lý, khắc phục tình trạng lãng phí, tiêu cực...). Giám sát quá trình chấp hành và điều hành ngân sách cần xem xét vấn đề phân bổ ngân sách, bổ sung ngân sách từ cấp trên; chấp hành chế độ, tiêu chuẩn chi; thu nộp ngân sách; phát hiện những bất hợp lý để có hướng xử lý... Giám sát chặt chẽ đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA, trái phiếu, các dự án lớn của địa phương, tạo điều kiện thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực theo quy định của pháp luật. Quán triệt tinh thần tái cấu trúc đầu tư công... Phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước (mời tham gia Đoàn giám sát, đặt hàng, khai tách thông tin báo cáo kiểm toán...) nhằm tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy, giúp HĐND thực hiện hiệu quả việc quyết định và giám sát ngân sách nhà nước ở địa phương. Nâng cao trách nhiệm và năng lực đại biểu (phân tích chính sách), kết hợp với sử dụng có hiệu quả tư vấn và phân tích của các chuyên gia.

Đối với cấp ủy Đảng, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với HĐND. Trong lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân sách có những vấn đề cấp ủy nên có định hướng, tổ chức lắng nghe HĐND trước, quyết định sau thì thuận hơn. Một số công trình lớn, hay những vấn đề liên quan đến chi ngân sách lớn, HĐND cần có thông tin ngay từ đầu để phối hợp, xem xét, quyết định.

Đối với QH, cần xem xét ban hành Luật Hoạt động giám sát của HĐND, làm rõ vai trò của Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát và quy định rõ hơn việc chế tài trách nhiệm các cơ quan chịu sự giám sát. Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tách hai loại ngân sách – ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. Nên giao quyền tự chủ cho địa phương đối với ngân sách địa phương. Làm tốt công tác quy hoạch ngành, vùng kinh tế... để góp phần khắc phục đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí. Nghiên cứu ban hành luật pháp, chính sách kinh tế, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Có chính sách để thúc đẩy nội địa hóa sản phẩm, thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng mô hình công - tư hợp tác (PPP). Giám sát chặt chẽ đầu tư công nhằm bảo đảm hiệu quả, tính đồng bộ, tiến độ công trình. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, trong đó có nguồn ODA, có khoản nợ bảo lãnh của Chính phủ. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự hoạt động, Chính phủ chỉ nên bảo lãnh một phần trong các dự án công - tư hợp tác. Xem xét định mức chi phù hợp với thực tế và có lưu ý đến đặc thù của địa phương. Thực hiện công khai, minh bạch. Phân cấp mạnh cho địa phương. Giảm xin – cho. Tinh giảm tổ chức, nhân sự bộ – ngành. Khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương.

Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND theo quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân sách có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị. HĐND chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn của mình nói chung, trong lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân sách nói riêng khi các cơ quan của HĐND mạnh và đại biểu HĐND mạnh, làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình.


    Ý kiến bạn đọc