|
Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN & PTNT trả lời chất vấn |
Đăng đàn chất vấn đầu tiên ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN &PTNT Giám đốc Sở NN & PTNT Đặng Ngọc Sơn về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp đối với 3 vấn đề: nâng cấp hệ thống hồ đập xuống cấp; dự án mương tự chảy hồ Xuân Hoa cấp nước tưới cho các xã Cổ Đạm, Xuân Thành, Xuân Mỹ - huyện Nghi Xuân chậm đi vào sử dụng; thực trạng các địa phương xây dựng NTM chạy theo thành tích, vay nợ lãi suất cao để xây dựng cơ bản khó có khả năng thanh toán.
Liên quan đến hệ thống hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng, một số công trình không đảm bảo an toàn cho tính mạng của nhân dân nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nâng cấp? ông Đặng Ngọc Sơn- Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết, hiện nay phần lớn các hồ đập đã qua thời gian sử dụng trên 30 năm; các hồ chứa vừa và nhỏ trước đây việc khảo sát thiết kế còn rất hạn chế, thi công chủ yếu bằng vật liệu tại địa phương và đào đắp bằng thủ công. Công trình chịu tác động trực tiếp của thời tiết, thiên tai. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp công trình còn hạn chế; nhiều công trình do thiếu vốn nên chỉ mới xử lý khắc phục mang tính chắp vá, tạm thời...Về giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: ngành sẽ tiến hành rà soát, phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với năng lực quản lý của các chủ đập và điều kiện thực tế sử dụng hiện nay; lập Phương án nâng cấp và thống nhất danh mục các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp theo thứ tự ưu tiên, để huy động mọi nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp; tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn ODA.
Đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y chất vấn tại kỳ họp |
Về nguyên nhân Một số dự án nước sạch do ngành nông nghiệp làm chủ đầu tư không phát huy hiệu quả, công trình xuống cấp nhanh, tiến độ thực hiện chậm”, ông Đặng Ngọc Sơn cho biết, trong số các công trình nước sinh hoạt và VSMT nông thôn từ 2013 đến nay, công trình cấp nước xã Thạch Sơn chậm tiến độ, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và có trách nhiệm của địa phương trong việc giải phóng mặt bằng và huy động nguồn vốn đối ứng. Đối với Dự án Nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên, đây là công trình có kết nối với giai đoạn I của Dự án, nên cần phải soát xét kỹ để phù hợp với các hạng mục đã xây dựng. Nguồn vốn được cấp chưa đủ điều kiện để thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu xây lắp theo quy định, nên phải chờ cấp vốn bổ sung. Trách nhiệm làm chậm tiến độ công trình thuộc về Chủ đầu tư (Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn) và có nguyên nhân khác quan do chưa đủ nguồn vốn như đã nêu trên.
Đại biểu Đoàn Đình Anh |
Liên quan đến những băn khoăn của cử tri về: Dự án mương tự chảy hồ Xuân Hoa cấp nước tưới cho các xã Cổ Đạm, Xuân Thành, Xuân Mỹ - huyện Nghi Xuân đã thi công 4 năm chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất, thiệt hại trong sản xuất và khó khăn trong việc đi lại của người dân, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng, do đặc thù của vùng đất cát ven biển Nghi Xuân có điều kiện địa chất phức tạp; nguồn vốn bố trí cho dự án không đáp ứng kế hoạch đề ra. Quá trình thi công xây dựng kênh chính và công trình trên kênh từ K2+943 đến K5+836,35, do nhà thầu thi công gặp khó khăn về tài chính không thể tiếp tục thi công, chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng và lựa chọn nhà thầu khác thay thế, nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình... Sở NN&PTNT cam kết sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa công trình vào sử dụng trước ngày 10/01/2015
|
Đại biểu Thái Sinh |
Về “Một số địa phương còn chạy theo thành tích, vay nợ lãi suất cao để xây dựng cơ bản khó có khả năng thanh toán”, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành (tháng 9/2013) do Sở Tài chính chủ trì, kiểm tra xác suất 43 xã, trong đó có 29 xã không nợ xây dựng cơ bản, có 14 xã nợ xây dựng cơ bản với hơn 128 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh đã quán triệt tại các cuộc họp giao ban hàng tháng và ban hành một số văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo các địa phương phải cân đối nguồn lực, không vì chạy theo thành tích mà để nợ không có đảm bảo nguồn vốn trả nợ, không được huy động quá sức, một số địa phương đã có sự chấp hành, khắc phục. Từ ngày 05 đến 22/11/2014, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tiến hành khảo sát việc thực hiện Quyết định 10 tại 51 xã thì có 43 xã nợ xây dựng cơ bản, với tổng hơn 106 tỷ đồng ...
|
Đại biểu Nguyễn Trí Lạc |
Chưa hài lòng về trả lời của Giám đốc Sở NN & PTNT đại biểu Nguyễn Trí Lạc cho rằng, ngành chuyên môn phải làm rõ hơn thực trạng các công trình, đặc biệt là đối với những hồ đập không còn đảm bảo an toàn thì phải nêu giải pháp cụ thể để người dân yên tâm; đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y đề nghị làm rõ số xã có dư nợ lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giải pháp khắc phục tình trạng này tỏng thời gian tới. Băn khoăn về ô nhiễm môi trường hồ Bộc Nguyên, đại biểu Đoàn Đình Anh đề nghị: cần có phương án xử lý kịp thời, nếu không sau này sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với vấn đề môi trường. Còn đại biểu Hồ Anh Tuấn cho rằng tình trạng ô nhiễm hồ là một vấn đề lớn, cần có một cuộc hội thảo lớn để xử lý dứt điểm việc ô nhiễm môi trường và những khó khăn, vướng mắc tỏng quản lý, khai thác hồ Bộc Nguyên …
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
Kết thúc vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Đồng chí Giám đốc Sở NN & PTNT đã bám vào trọng tâm câu hỏi, các nội dung trả lời đáp ứng được nội dung, yêu cầu các đại biểu và nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, đồng chí chưa đưa ra được những giải pháp hữu hiệu; sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan chưa thực sự đồng bộ. Đồng chí đề nghị: Sở cần chủ động tham mưu UBND tỉnh nhất là vấn đề an toàn, xử lý ô nhiễm các hồ đập trên địa bàn tỉnh; phân cấp rõ ràng cho các địa phương để nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ an toàn các hồ đập; có phương án kiểm tra, theo dõi chỉ đạo sát sao để các công trình, dự án nước sạch phát huy được tác dụng, hiệu quả. Về dự án hồ chứa nước Xuân Hoa (Nghi Xuân) tiếp tục khắc phục xử lý triệt. Đối với vấn đề nợ đọng XDCB của các xã để xây dựng NTM, cần tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ, kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Đối với việc ô nhiễm tại hồ Bộc Nguyên đề nghị ngành xây dựng, Công ty cấp nước sạch một thành viên phối hợp với huyện Thạch Hà thảo luận các giải pháp tham mưu để người dân được sử dụng nguồn nước sạch.
|
Ông Võ Tá Đinh - Giám đóc Sở TN &MT trả lời chất vấn |
Giám đốc Sở TNMT Võ Tá Đinh trả lời chất vấn về vấn đề: việc thực hiện Đề án phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2012 – 2020 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao; trách nhiệm và giải pháp để thực hiện tốt Đề án; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với đo vẽ bản đồ, xây dựng hồ sơn hành chính, việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội và giải quyết nhu cầu đất ở cho các đối tượng theo Nghị định 188/2013/NĐ- CP; việc xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến cấp đất trái thẩm quyền trong thời gian qua; việc cấp mỏ khai thác đất, đá, cát ở một số địa phương không đúng quy hoạch của pháp luật, nhièu doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng thuê đất; vấn đề lý rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập …
|
Đại biểu Hồ Anh Tuấn |
Sau trả lời của ông Võ Tá Đinh, đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu, đại biểu Hoàng Thị Cẩm Tú đề nghị ông làm rõ hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong việc cấp đất trái thẩm quyền, việc cấp phép khai thác mỏ ở Núi nam giới, thời gian hoàn thành cụ thể để trả lời cho cử tri; đại biểu Đậu Thị Thủy lại quan tâm đến vấn đề việc thực hiện đề án phát triển quỹ đất và việc triển khai thực hiện đề án nhà ở xã hội còn chậm; đại biểu Đoàn Đình Anh đề nghị đồng chí Giám đốc Sở làm rõ việc cấp đổi, cấp mới GCN QSD đất còn chậm là do tư vấn vậy việc xử lý tư vấn trách nhiệm thuộc về ai?, việc thu tiền thuê đất đối với các chủ khai thác mỏ hiện đang còn bất cập; việc thu hồi giấy phép khai thác mỏ mới thu hồi được 4/13 giấy, lý do vì sao không thu hết? liên quan về hoạt động thu phí bảo vệ môi trường đại biểu Nguyễn Trí Lạc cho rằng việc triển khai còn chậm...
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn phân tích làm rõ một số vấn đề đại biểu HĐND tỉnh chất vấn |
Để làm rõ hơn các vấn đề lãnh đạo Sở TN&MT đã trả lời tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã phân tích rõ một số nội dung và các giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế mà các đại biểu đã chất vấn trên lĩnh vực tài nguyên môi trường trong thời gian tới. Về việc đo vẽ bản đồ địa chính, giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở TN & MT đôn đốc chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Về vấn đề này, vai trò của cấp huyện và cấp xã có tính quyết định. Thời gian tới, Sở TN&MT cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Sớm thanh toán tiền cho các đơn vị tư vấn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cấp xã, phường kịp thời giải quyết tồn đọng 9.100 hồ sơ đất đai do chính xã, phường, hợp tác xã đã cấp đất trái thẩm quyền trong 10 năm qua. Bên cạnh tổ chức thực hiện, cần xử lý nghiêm túc trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân đã tiến hành cấp đất trái thẩm quyền. Xung quanh vấn đề quỹ đất, Phó Chủ tịch UBND Lê Đình Sơn khẳng định, UBND tỉnh cũng như Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đưa ra bàn bạc rất kỹ và xem đây là Đề án có tính chiến lược. Việc thực hiện Đề án phải làm sao làm cho đất được sinh lợi và đạt hiệu quả cao nhất. Khai thác qũy đất phải dựa trên tinh thần là tranh thủ tiềm năng, lợi thế; đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiết kiệm đất. Thực tế, việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều vướng mắc và hiệu quả chưa cao. Từ đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo sở KH&ĐT tổ chức rà soát, điều chỉnh các phần việc còn bất cập, vướng mắc để phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới.
|
Đại biểu Đậu Thị Thủy |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, vấn đề quản lý và tổ chức thực hiện tổ chức khai thác mỏ thời gian qua còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần tiết kiệm tài nguyên, đầu tư công nghệ cao, hiện đại, vì vậy ngành chuyên môn cần tập trung rà soát và đưa vào quản lý tất cả các mỏ trên địa bàn. Kết thúc phần chất vấn này, Chủ tọa kỳ họp lưu ý ngành Tài nguyên & Môi trường cần coi trọng, có trách nhiệm cao với lời hứa trước đại biểu và cử tri, từ đó nỗ lực cao hơn, có giải pháp quyết liệt hơn trong khắc phục vướng mắc, giải quyết tồn đọng thời gian tới.
|
Ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương trả lời chất vấn |
Về nguyên nhân chậm hoàn trả nguồn kinh phí đầu tư lưới điện ban đầu cho các địa phương, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Trần Nhật Tân cho rằng, việc bàn giao, lập và hoàn thiện hồ sơ giao nhận lưới điện hạ áp nông thôn chậm do các HTX (bên giao) chần chừ, chưa muốn bàn giao; Công ty điện lực Hà Tĩnh có thời gian không muốn nhận do chưa có khả năng hoàn trả vốn. Sau khi bàn giao, cả bên giao và bên nhận không tập trung hoàn thiện hồ sơ giao nhận để trình Hội đồng thẩm định giá tài sản lưới điện của các huyện. Nhu cầu vốn để hoàn trả cho các xã rất lớn (dự kiến trên 448 tỷ đồng ), trong khi nguồn lực từ Tổng Công ty Điện Lực Miền Bắc dành cho Hà Tĩnh hạn chế. Ngoài ra, việc hướng dẫn bàn giao của trung ương diễn ra chậm, sự vào cuộc của chính quyền các huyện chưa quyết liệt nên quá trình bàn giao, hoàn trả vốn gặp không ít khó khăn. “Để dẫn đến việc chậm trễ trong hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp sau bàn giao như trên, trách nhiệm chủ yếu thuộc về UBND các huyện, các sở, ngành liên quan và Công ty Điện lực Hà Tĩnh”. Giám đốc Sở Công Thương Trần Nhật Tân nhấn mạnh.
|
Ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT trả lời chất vấn |
Trả lời vấn đề công tác kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chưa được kiểm soát, xử lý hiệu quả, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lương Phan Kỳ nghiêm túc tiếp thu và tiếp tục khẳng định quyết tâm chấm dứt tình trạng vận chuyển quá khổ, quá tải trên địa bàn. Thời gian tới, Sở GTVT sẽ chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm KTTTX liên tục 24/24h trong ngày và 07 ngày trong tuần (không để gián đoạn do việc tổ chức giao ca). Kiên quyết không để tình trạng phương tiện quá tải đối phó vòng tránh, dừng đậu ở 02 đầu Trạm cân; thành lập và duy trì các Tổ kiểm tra liên ngành làm chủ lực, mở các đợt cao điểm tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp, chủ xe, lái xe có hành vi vi phạm quy định về bốc xếp, vận chuyển hàng hóa không đúng quy định trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm có tình hình quá tải phức tạp, các mỏ vật liệu, kho hàng, bến, cảng…
Đối với phần trả lời của Sở GTVT, đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu chất vấn thêm về: việc kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải, các xe chở vật liệu xây dựng hiện đang còn bất cập, hướng xử lý thời gian tới như thế nào? Các phương tiện vận tải thủy không đăng ký kiểm định gây ảnh hưởng đến công tác thu phí; vấn đề xây dựng bãi tạm giữ xử lý vi phạm đường thủy trên địa bàn hiện chưa có gây khó khăn trong kiểm tra, xử lý phương tiện đường thủy vi phạm.
|
Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu chất vấn tại kỳ họp |
Phát biểu sau chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở GTVT, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: thời gian tới Sở cần chấn chỉnh việc thu học phí xe, phối hợp với các sở, ban, ngành để nâng cao chất lượng việc đào tạo lái xe; kiểm tra rà soát các loại xe không đủ điều kiện vẫn lưu hành. Quan tâm chỉ đạo sát sao và phối hợp với các ngành Công an, TNMT các huyện, xã… nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác trái phép cát, sỏi trên sông; xe quá khổ, quá tải…
|
Đồng chí Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
Sau khi các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn và trả lời chất vấn đồng chí Võ Kim Cự - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn của đại biểu, cử tri tỉnh nhà thời gian qua và giải trình một số điểm các đại biểu quan tâm; đồng chí đề nghị thời gian tới: Cần tập trung chỉ đạo giải quyết những vướng mắc của các dự án lớn; hoàn thiện hệ thống quy hoạch của các ngành, nghề, lĩnh vực; tập trung dồn sức cho việc cải cách hành chính; thường xuyên quan tâm, giáo dục, rèn luyện, sàng lọc, đào tạo ra những cán bộ có tầm và có tâm; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách; siết chặt kỷ cương quản lý hành chính, quản lý xây dựng cơ bản, tài nguyên môi trường…; quan tâm chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; quan tâm đúng mức về lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế... Đồng thời lưu ý các huyện, xã kịp thời chuẩn bị chu đáo cho vụ đông xuân sắp tới.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)