Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp
|
“... Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định và phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - ngân sách đã thẩm tra Tờ trình số 216/TTr-UBND ngày 23/6/2021 và Dự thảo Nghị quyết về việc cho ý kiến đối với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Tĩnh. Ban Kinh tế ngân sách báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, kỳ họp thứ nhất kết quả thẩm tra như sau:
1. Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, việc Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, đúng thẩm quyền. Tại Văn bản số 419 ngày 02/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, vốn dự kiến được thông báo cho tỉnh Hà Tĩnh là 22.726,031 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, UBND mới trình Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương, còn vốn đầu tư trong cân đối NSĐP mới chỉ là dự kiến sơ bộ, chưa có phương án cụ thể. Đề nghị UBND tỉnh chủ động bám sát quy định của Luật Đầu tư công để sớm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSNN, trình HĐND tỉnh.
2. Đối với dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương, Hà Tĩnh được phân bổ 13.053,331 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, sau khi rà soát theo danh mục tại Nghị quyết số 228 của HĐND tỉnh; căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương và các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, UBND tỉnh đã xây dựng phương án cụ thể như Tờ trình và dự thảo Nghị quyết.
Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh có ý kiến như sau:
(1). Về dự kiến bố trí 5.490 tỷ đồng vốn thu hồi ứng trước nguồn ngân sách Trung ương, UBND tỉnh đề xuất bố trí cho danh mục 64 dự án. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước cho thấy: có 186 dự án do tỉnh quản lý với 6.415 tỷ đồng đã ứng trước chưa thu hồi. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát, phân loại để hoàn ứng theo đúng quy định.
(2). Bố trí 1.000 tỷ đồng cho dự án Đường trục chính trung tâm nối Quốc lộ 1A đoạn tránh thị xã Kỳ Anh đến cụm Cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương: Cần sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục, trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án.
(3). Về đầu tư theo các ngành, lĩnh vực ( 4.369,7 tỷ đồng):
UBND tỉnh đã bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 để xem xét ưu tiên bố trí vốn NSTW cho các dự án cấp bách, cần thiết, tập trung cho dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống Nhân dân; Bám sát danh mục dự kiến tại Nghị quyết số 228/NQ-HĐND ngày 14/9/2020 của HĐND tỉnh. Tuy vậy, còn một số vấn đề cần được thảo luận và giải trình rõ hơn, cụ thể là:
- Đối với danh mục các dự án chuyển tiếp : UBND tỉnh trình 21 dự án với nguồn vốn dự kiến vốn bố trí 972 tỷ đồng; còn 5 dự án không bố trí chuyển tiếp. Là do : Dự án đường trục chính Kỳ Đồng đã bố trí đủ theo nhu cầu từ nguồn NSĐP; 04 dự án còn lại không thuộc đối tượng chuyển tiếp sử dụng nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu. Mức vốn ngân sách Trung ương còn thiếu so với nhu cầu tại Nghị quyết số 228 là 2.159 tỷ đồng. Vấn đề này, cần được rà soát, có phương án cân đối phù hợp với khả năng nguồn vốn NSTW được thông báo; theo hướng ưu tiên bố trí đủ vốn đối với dự án đủ điều kiện chuyển tiếp.
- Đối với danh mục dự án khởi công mới dự kiến bố trí nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu giai đoạn 2021-2025:
Về tổng thể, Ban Kinh tế ngân sách nhận thấy, nếu theo thứ tự ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án ODA, dự án dự kiến chuyển tiếp theo Nghị quyết số 228/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thì số vốn còn lại dành cho khởi công mới rất ít (dưới 1.000 tỷ). Trong khi UBND tỉnh đề xuất bố trí cho khởi công mới trên 3.000 tỷ đồng là chưa thực sự phù hợp.
Theo tính toán, nhu cầu vốn từ nguồn ngân sách địa phương cho 24 dự án khởi công mới (kể cả dự án trọng điểm vùng) là 1.632 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 40% so với nguồn NSTW dự kiến bố trí); Đây là phương án rất khó khả thi và cần tính toán kỹ, bởi vì: Cân đối ngân sách địa phương từ nguồn XDCB tập trung phân cấp cho ngành, lĩnh vực theo tiêu chí, định mức quy định tại NQ 245/2020 của HĐND tỉnh cho cả giai đoạn chỉ có 2.016 tỷ đồng. Vì vậy, cần có phương án cân đối phù hợp hơn với thực tiễn.
Theo phương án do UBND tỉnh trình, có 06 dự án thuộc danh mục tại Nghị quyết 228 (trong đó có 2 dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư: Dự án Đường từ Khu công nghiệp đa ngành đi Khu công nghệ cao Khu kinh tế Vũng Áng; Hạ tầng kỹ thuật thiết yếu Trung tâm Logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn 1 ) nhưng chưa bố trí vốn NSTW để triển khai (lý do: 02 dự án vướng quy hoạch, 03 dự án có tổng mức đầu tư lớn, có khả năng huy động các nguồn vốn khác và 01 dự án cần tiếp tục nghiên cứu, dự kiến phương án đầu tư hợp lý từ nguồn NSĐP và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đồng thời, UBND tỉnh đề xuất bổ sung 06 dự án khởi công mới (ngoài danh mục đã dự kiến tại Nghị quyết số 228/NQ-HĐND), bao gồm: 02 dự án phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; 02 dự án phát triển du lịch và 02 dự án phục vụ các mục tiêu phát triển đô thị, văn hóa, quốc phòng kết hợp xây dựng nông thôn mới.
Đối với các dự án dự kiến khởi công mới như đã nêu trên , đề nghị UBND tỉnh bám sát nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của UBTVQH và các văn bản của Trung ương để sắp xếp, bố trí đảm bảo quy định và phù hợp thực tiễn. Đồng thời khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết để trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án tại Kỳ họp gần nhất.
|
(4). Về danh mục dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA):
Theo phương án do UBND tỉnh trình thì nhu cầu vốn cho các dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới và chuẩn bị đầu tư là rất lớn ( 11.167,5 tỷ đồng ) nhưng giai đoạn này chỉ được thông báo 2.193 tỷ đồng, mới chỉ đạt 19,6% nhu cầu, và dự kiến bố trí cho 14 dự án. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, cân nhắc, lựa chọn các dự án cần thiết, cấp bách và đảm bảo điều kiện; huy động các nguồn hợp pháp khác để bố trí, nhất là các dự án chuyển tiếp để sớm hoàn thành dự án và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời, bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện.
(5). Riêng nguồn vốn NSTW thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay chưa được Thủ tướng Chính phủ thông báo; đề nghị UBND tỉnh căn cứ vào nguồn vốn giai đoạn trước để chủ động xây dựng dự thảo danh mục và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.
3. Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết
Ban Kinh tế ngân sách nhất trí với nội dung tờ trình và dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình.
Đối với nội dung vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương ( 9.672 tỷ đồng ): Đề nghị UBND tỉnh căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức quy định tại Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 06/12/2020 của HĐND tỉnh để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị theo thẩm quyền.
Căn cứ các nội dung kết quả nêu trên, Ban Kinh tế ngân sách khóa XVII kính trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cho ý kiến về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Tĩnh…”
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)