Có 172 ý kiến thảo luận tại Tổ về nội dung các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
15:18 15/12/2021

Trong các ngày từ 09-11/12/2021, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thảo luận các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, với sự tham gia của trên 400 đại biểu và đã có 172 ý kiến phát biểu.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ báo cáo tổng hợp thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế-xã hội, các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Nhìn chung, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung được trình tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh; đồng thời phân tích thêm những kết quả, hạn chế và nguyên nhân; bổ sung một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện trong các báo cáo trình Kỳ họp, cụ thể như sau:

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2022. Đối với đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021, các đại biểu đề nghị bổ sung, đánh giá, làm rõ hơn một số nội dung sau:

Đánh giá rõ hơn việc thực hiện một số chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn không hiệu quả, còn nhiều bất cập, khó khăn trong triển khai thực hiện. Có ý kiến cho rằng, việc đánh giá “được mùa toàn diện” trong báo cáo cần phải được xem xét lại. Trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cần đánh giá tỷ lệ đóng góp của các khu vực kinh tế, nhất là đóng góp vào mức tăng trưởng chung của khu vực công nghiệp, sản xuất thép; làm cơ sở so sánh với năm trước và những năm tiếp theo, qua đó đánh giá đúng thực chất sự đóng góp của các ngành vào giá trị tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Về thu ngân sách cần đánh giá phân tích sâu hơn; nhất là phần thu nội địa, nếu loại trừ các yếu tố đột biến làm tăng thu ngân sách năm 2021 và tiền sử dụng đất thì số thực thu từ thuế, phí, lệ phí không cao. Rà soát các nguồn thu phát sinh từ hoạt động sản xuất trong năm 2021 có tác động lớn đến ngân sách của tỉnh và địa phương, từ đó có các chính sách, giải pháp phát triển nguồn thu. Cần đánh giá, làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong công tác thu hút đầu tư, GPMB, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư vướng mắc về quy định, thủ tục nhưng chậm được quan tâm hỗ trợ, cần có giải pháp rõ.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội, đề nghị đánh giá rõ hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch  Covid-19; việc áp dụng các hình thức dạy và học; thực hiện các chính sách an sinh xã hội phù hợp với tình hình mới. Bổ sung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; hoạt động của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Bộ chỉ số đánh giá tỉ lệ lao động có việc làm chưa sát với thực tế (phát sinh 01 giờ lao động/tuần được đánh giá là có việc làm) trong khi 01 giờ lao động/1 tuần thì thu nhập chưa phát sinh đủ để nuôi sống bản thân và gia đình). Bên cạnh đó, việc quản lý các doanh nghiệp về đào tào nghề, xuất khẩu lao động còn hạn chế. Phần tồn tại, hạn chế lĩnh vực văn hoá - xã hội đề nghị bổ sung: Lĩnh vực văn hoá chưa được quan tâm đầu tư đúng mức về nhân lực và chế độ chính sách; tình trạng thiếu giáo viên văn hoá tiểu học, giáo viên mầm non gây khó khăn cho việc dạy học; nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực y tế cấp huyện, cấp xã còn thiếu, chế độ chính sách cho cán bộ y tế chưa tương xứng với yêu cầu công việc hiện nay; chậm ban hành quyết định hỗ trợ người lao động không có hợp đồng, bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Lĩnh vực nội chính, quốc phòng, an ninh cần đánh giá sâu hơn kết quả đạt được của lĩnh vực này trong điều kiện dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp. Về nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, báo cáo cần bổ sung vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; tác động các quy định của tỉnh mới ban hành có ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề phát triển, thu hút đầu tư, cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của các sở, ngành, địa phương để có hướng bổ sung, sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đề nghị đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai  cấp huyện về những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý như hiện nay, vì thực tế việc quản lý thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc quản lý về đất đai ở cơ sở.

Về các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022, v ề lĩnh vực nông nghiệp cần bổ sung các giải pháp tập trung, tích tụ ruộng đất; thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần 3; quản lý chất lượng và giá đầu vào sản xuất nông nghiệp, nhất là giống và thuốc bảo vệ thực vật. Kêu gọi xúc tiến nhà máy chế biến, bảo quản các sản phẩm cây ăn quả (cam, chanh, bưởi) trên địa bàn tỉnh. Có các giải pháp tìm kiểm, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: Nhung Hươu, cam, bưởi Phúc Trạch; gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu nhất là các sản phẩm OCOP để phục vụ nhu cầu tiêu dung nội địa và xuất khẩu; tăng cường các chính sách hỗ trợ trồng rừng cây bản địa, trồng rừng gỗ lớn... Quan tâm có các giải pháp nhằm giải quyết việc các vùng nuôi trồng thủy hải sản đang tự phát; Việc đưa ra các kế hoạch phát triển nông nghiệp, thủy hải sản năm 2022 cần dựa trên việc xem xét kết quả phát triển nông nghiệp, thủy hải sản năm 2021 để đảm bảo tính khả thi. Chú trọng tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp về trên địa bàn. Quan tâm phát triển mô hình sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ tại các địa phương. Tăng cường các giải pháp khuyến khích phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 lần thứ 4, nhất là thu hút các dự án đầu tư; rà soát, xử lý dứt điểm các dự án đầu tư chậm tiến độ. Sớm có các giải pháp đẩy nhanh việc triển khai quy hoạch ở cấp địa phương và bố trí kinh phí để thực hiện sau khi quy hoạch tỉnh được Trung ương phê duyệt. Tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư khởi công các dự án tại khu kinh tế Vũng Áng; quan tâm thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển dịch vụ Logistics; tăng cường đầu tư dự án theo hình thức PPP. Đề nghị xem xét bổ sung, làm rõ một số chỉ tiêu của năm 2022 như: Tỷ lệ đổi mới công nghệ 23% là vào lĩnh vực nào; Việc thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp... Chỉ tiêu thu ngân sách đạt 16.300 tỷ đồng còn thấp, tăng chưa đến 2% so với năm 2021. Xem xét tăng chỉ tiêu xã Nông thôn mới nâng cao vì năm 2022 có 04 huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đồng thời quan tâm chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn NTM nâng cao, Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát hiệu quả thực hiện Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, vì đến nay, nhiều khu vực, kết quả đo đạc không sử dụng được. Đồng thời, xem xét lại giá dịch vụ đo đạc đang áp dụng để giảm bớt chi phí cho người dân. Ban hành các chính sách về xây dựng các lò đốt rác, hoặc nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt để xử lý rác thải phát sinh ngày càng nhiều trong các khu dân cư.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội, cần có giải pháp rõ hơn về phát triển văn hóa năm 2022, định hướng năm 2030 theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Một số chỉ tiêu được đặt ra khá cao như 92,2% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 95.5% thôn tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, 65% cơ quan đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, phường đạt chuẩn đô thị văn minh và các chỉ tiêu đi kèm khác… Đề nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh hoặc có các giải pháp căn cơ để tổ chức triển khai thực hiện một cách hiệu quả, vì hiện nay việc hấp thụ các chính sách trên lĩnh vực văn hóa còn rất nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân là vướng mắc các thủ tục hành chính. Tập trung các giải pháp để phát triển du lịch nhằm phục hồi, phát huy tiềm năng lợi thế và thích ứng với điều kiện cụ thể của địa phương. Có giải pháp mang tính chiến lược lâu dài để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, trong đó quan tâm thực hiện tốt công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo giáo viên; bố trí đủ giáo viên theo định mức để đảm bảo việc dạy học ở bậc học tiểu học và mầm non; tăng cường giải pháp nhằm nâng tỷ lệ huy động trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ đến trường. Quan tâm có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các trường học ngoài công lập, cơ sở vật chất các trường học ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn đạt chuẩn quốc gia. Cần có giải pháp thu hút đội ngũ y bác sỹ; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân. Xem xét kiến nghị điều chỉnh Bộ chỉ số đánh giá tỉ lệ lao động có việc làm sát với thực tiễn. Có giải pháp mạnh hơn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động không có hợp đồng, bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Lĩnh vực nội chính, quốc phòng, an ninh, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tồn đọng ở địa phương, cơ sở. Nhiều vấn đề mặc dù đã được chỉ đạo tập trung giải quyết nhưng chưa dứt điểm, chưa có hướng dẫn cụ thể để xử lý. Phân cấp cho cấp huyện trong công tác tuyển dụng công chức các đơn vị sự nghiệp, công chức cấp xã. Tiếp tục có các giải pháp đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính. Xem lại một số chỉ số đánh giá cải cách hành chính, như chỉ số thu hút đầu tư, thu ngân sách, không nên áp dụng chung cho các đơn vị trên địa bàn. Triển khai đề án cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 trọng tâm là cải cách về thủ tục trong khi bộ chỉ số đánh giá lại rất nặng về thủ tục, cần xem xét điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về các tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII.

BBT

    Ý kiến bạn đọc