Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay
|
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện chất vấn 175 câu hỏi, nhóm vấn đề; trong đó: Lĩnh vực tài nguyên môi trường 38 vấn đề; lĩnh vực nông nghiệp 23 vấn đề; lĩnh vực công thương, giao thông xây dựng 31 vấn đề; lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế 35 vấn đề; lĩnh vực nội chính pháp chế 26 vấn đề; lĩnh vực kế hoạch đầu tư 13 vấn đề và lĩnh vực tài chính ngân sách 09 vấn đề.
Các nội dung câu hỏi chất vấn này đã được trả lời tại các kỳ họp. Sau mỗi kỳ họp, UBND tỉnh đều có Văn bản giao, đôn đốc các sở, ngành địa phương triển khai, xử lý các nội dung theo kết luận của đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh sau các phiên chất vấn. Đồng thời, tại các kỳ họp HĐND tiếp theo UBND tỉnh đều đã có báo cáo kết quả thực hiện, xử lý nội dung chất vấn của kỳ họp trước, gửi đại biểu HĐND tỉnh. Các nội dung chất vấn đã được tập trung chỉ đạo, xử lý; cơ bản đáp ứng yêu cầu của đại biểu HĐND tỉnh, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.
Về lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh , nhiều kỳ họp, đại biểu quan tâm chất vấn đối với vấn đề Tái cơ cấu nông nghiệp, sửa đổi chính sách xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Nội dung này đã được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo Sở Nông nghiệp, Văn phòng Nông thôn mới, các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Bộ chính sách mới cho giai đoạn 2021-2025. Nhưng do Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và Quốc hội chưa thông qua nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho các chương trình Mục tiêu quốc gia nên phải hoãn lại đến kỳ cuối năm 2021.
Đối với dự án bò Bình Hà đã kết thúc điều tra, xét xử vụ án. Hiện nay chủ đầu tư đang phối hợp với địa phương để tiếp tục triển khai Dự án; về các công ty cao su, hiện Tập đoàn cao su Việt Nam đang phối hợp với địa phương triển khai phương án Tái cơ cấu 02 công ty. Tuy nhiên, đối với 02 công ty này còn có một số vấn đề về đất đai, về sản xuất cần được tập trung xử lý, tránh tình trạng tranh chấp, phức tạp. Với các dự án cấp nước sạch tập trung đang chỉ đạo ưu tiên theo hướng xã hội hoá; tuy nhiên, ở những địa phương khó khăn như: Hương Sơn, Kỳ Anh, Hương Khê và một số địa phương khác cần nguồn ngân sách khá lớn cho đầu tư. Về nạo vét, xử lý tình trạng bồi lắng luồng, lạch tại các tuyến sông, cửa biển như tại Cửa Nhượng, Cửa Sót, Cửa Khẩu… mặc dù đã và đang triển khai một số dự án, nhưng hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
|
Trên lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB (tồn đọng từ lâu) đã làm cho một số dự án có đủ điều kiện triển khai nhưng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh; một số dự án đã được cấp phép đầu tư, bố trí mặt bằng nhưng chậm thi công; một số dự án không có khả năng triển khai vi phạm Luật Đất đai nhưng chậm thực hiện xử lý thu hồi; nhiều hồ sơ đất đai, nhà ở trước năm 1980 còn tồn đọng, chưa được xử lý dứt điểm; việc thu hồi, đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường trong 05 năm qua đã có quyết định đóng 108 mỏ tuy nhiên hiện vẫn còn 70 mỏ cần có quyết định đóng cửa mỏ theo quy định.
Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép đã xử lý đạt nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên còn một số điểm cần phải tiếp tục xử lý. Lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều, tỷ lệ giải quyết dứt điểm chưa cao, tính phức tạp có xu hướng gia tăng. Công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; xử lý môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, một số doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi; mặc dù Ban Thường vụ đã có chủ trương, UBND tỉnh chuẩn bị phê duyệt Đề án, nhưng còn nhiều bất cập, khó khăn trong tổ chức, thực hiện.
Về lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, chưa ban hành Quy hoạch hệ thống trường THPT trên địa bàn tỉnh; chất lượng khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã có bước có cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt ở một số bệnh viện tuyến huyện, tuyến xã.
Về lĩnh vực tài chính, quản lý công sản, công tác quản lý các cơ sở vật chất, trụ sở của các cơ quan trên địa bàn không còn sử dụng: hiện đã xử lý xong 18 cơ sở nhà, đất; hiện còn 15 trụ sở cũ, khu tập thể cũ của các cơ quan, đơn vị Trung ương trên địa bàn tỉnh và 07 Trụ sở cũ, khu tập thể cũ của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; nhiều cơ sở sau sáp nhập xã chưa xử lý xong.
Các đại biểu cũng được nghe trả lời giải quyết các chất vấn của đại biểu về các lĩnh vực về kế hoạch và đầu tư; xây dựng; nội chính, nội vụ…
Từ những vấn đề tồn đọng nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các mặt; tập trung giải quyết, xử lý có hiệu quả các nội dung chất vấn của đại biểu; kiên quyết không để kéo dài các vấn đề tồn đọng, phức tạp mà đại biểu, cử tri đặt ra; gắn trách nhiệm địa phương, đơn vị, sở, ngành và trách nhiệm của người đứng đầu.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)