Có 34 ý kiến tại Tổ và 151 ý kiến góp ý tham gia thảo luận các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh
EmailPrintAa
11:02 07/12/2020

Bước sang ngày làm việc thứ 2, sáng nay (7/12), các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các Tổ HĐND tỉnh về việc tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các Tổ HĐND tỉnh

Tại 3 tổ thảo luận, đã có 173 đại biểu tham dự, trong đó có 48 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 125 đại biểu khách mời; có 34 ý kiến phát biểu trực tiếp tại các tổ, 151 ý kiến đóng góp bằng phiếu thảo luận. Nhìn chung, việc thảo luận diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cao của đại biểu tham dự; về cơ bản các ý kiến bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các nội dung báo cáo của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ngành liên quan; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Đồng thời, một số ý kiến bổ sung, cụ thể như sau:

Đối với tình hình kinh tế - xã hội và các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh , đại biểu đề nghị: Đánh giá rõ công nghiệp chiếm tỷ trọng tăng trưởng bao nhiêu trong tăng trưởng GRDP của tỉnh; xem lại các số liệu tại báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về sản lượng lương thực, độ che phủ rừng, sản lượng điện... để đảm bảo tính khách quan, chính xác. Việc xúc tiến thương mại, liên kết, tiêu thụ các sản phẩm OCOP đạt kết quả chưa cao; chất lượng sản phẩm OCOP chưa cao. Xem xét, đánh giá thực trạng bảo vệ và phát triển rừng, chất lượng các loại rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và phát triển kinh tế rừng. Đánh giá thực chất hiệu quả chương trình phát triển cây cao su. Việc quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn hạn chế, chưa đầy đủ. Một số vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan của các tồn tại hạn chế trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực.

Đối với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển năm 2021, cần bổ sung chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người vào năm 2021; chỉ tiêu cải cách hành chính vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Soát xét, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 và chương trình toàn khóa, chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; bám sát vào 5 nhóm trọng điểm, 3 mũi đột phá từ đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể, tránh tình trạng các ngành, các lĩnh vực đều chính sách, có cơ chế đặc thù... Quan tâm công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp, chú trọng cung ứng bộ giống lúa mới; kêu gọi nhà đầu tư chế biến sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi nhằm tăng giá trị và phát triển bền vững. Cần có giải pháp rõ hơn trong khôi phục sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đối với những địa phương bị ngập lụt, sạt lở núi, vùi lấp đất sản xuất. Có hướng xử lý, chuyển đổi đối với diện tích trồng cây cao su, cây keo kém hiệu quả. Chỉ đạo bàn giao đất rừng từ các công ty cao su về các địa phương quản lý. Kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng khai thác thác tận diệt thủy, hải sản. Có giải pháp nâng cao chất lượng, xúc tiến thương mại, gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; cần đánh giá rõ tình hình sản xuất vụ Đông sau mưa lũ; mức độ thiệt hại do mưa lũ đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó xem xét việc đánh giá lại các tiêu chí nông thôn mới; quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đối với các địa phương chịu ảnh hưởng của đợt lũ lụt. Quan tâm thu hút nguồn vốn đầu tư của Doanh nghiệp phục vụ cho phát triển. Có giải pháp khôi phục các làng nghề, lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Quan tâm phát triển kinh tế hành lang phía tây gắn với đường mòn Hồ Chí Minh, phát triển đô thị các huyện miền núi, ven biển…

Tổ chức tốt lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh. Khôi phục và tổ chức các lễ hội dân gian có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân. Có giải pháp rõ hơn về phát triển ngành du lịch. Nâng cao ý thức trách nhiệm các cấp, các ngành và nhân trong công tác phòng chống dịch covid19. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; tập trung thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo; quản lý tốt các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn.

Đối với nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 , đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của chỉ tiêu GRDP, trong khi dự báo tình hình năm 2021 tiếp tục khó khăn (GRDP năm 2020 chỉ đạt 0,53%, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,42%/năm). Điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn: 12.180 tỷ đồng (Trong đó: Thu nội địa: 7.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu: 5.180 tỷ đồng) bằng với dự toán Trung ương giao.

Về nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 , đề nghị sớm hoàn chỉnh, ban hành Đề án tạo nguồn lực phát triển, xây dựng đô thị thị xã Hồng Lĩnh trong giai đoạn 2021-2025 để có lộ trình thực hiện.

Đối với nghị quyết quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc tẩm quyền của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị xem xét phương án thu cụ thể phù hợp với từng giai đoạn vì trên thực tế nguồn thu không lớn nhưng dễ có phản ứng trái chiều; nên theo hướng thu các hoạt động dịch vụ. Trong bối cảnh tình hình cụ thể hiện nay, nên cân nhắc việc thu phí tham quan khu lưu niệm Nguyễn Du và Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, đồng thời tăng cường công tác quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức, tiền giọt dầu, các hoạt động dịch vụ tại các di tích. Có giải pháp kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào du lịch tâm linh - sinh thái. Về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng trong khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo: Trước mắt giữ nguyên phương án thu phí tại Nghị quyết số 214/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Một số ý kiến khác đề nghị thu phí tham quan di tích lịch sử văn hóa như dự thảo Nghị quyết…

Về nghị quyết thông qua danh mục công trình dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng năm 2021, đề nghị tiếp tục rà soát các căn cứ pháp lý khi hoàn thiện Nghị quyết; Cần quy định chế tài đối với các trường hợp chậm đề xuất trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết thu hồi đất; chậm hoặc không tổ thức thực hiện nghị quyết đã ban hành.

Nghị quyết về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 , đề nghị bổ sung nguyên tắc, định mức phân bổ theo ngành, lĩnh vực để đảm bảo việc đầu tư đạt mức tối thiểu trên từng ngành, lĩnh vực trong cả giai đoạn, đảm bảo sự đồng đều, cân bằng trong phát triển.

Về Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công thuộc danh mục dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 , đề nghị bổ sung nguyên tắc giao chủ đầu tư đối với các công trình, dự án, để chủ đầu tư xác định mức độ ưu tiên trong chuẩn bị dự án, tránh dàn trải, thuận lợi, nhất quán trong quản lý…

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư phát triển vùng biên giới để gắn phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh; Quan tâm hỗ trợ kinh phí nạo vét các cửa sông, cửa biển tại các địa phương; đầu tư xây dựng đường Quốc lộ 8A; tăng ngân sách để lại cho quỹ phát triển đất để đảm bảo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cần rà soát, đánh giá cụ thể về vi phạm của cán bộ công chức, viên chức vi phạm và đã bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp xử lý việc chậm tuyển dụng công chức, viên chức theo biên chế được giao tại các địa phương, đơn vị, đồng thồ kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế hiện nay. Đề nghị gửi tài liệu phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân đảm bảo theo quy định để đại biểu có nhiều thời gian nghiên cứu, góp ý.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc