Để mọi quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân
EmailPrintAa
12:03 11/03/2013

Cho dù được thực hiện dưới hình thức nào, trực tiếp hay thông qua đại biểu của mình thì quyền bầu cử, quyền bầu ra bộ máy nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương là một trong những quyền và nghĩa vụ quan trọng nhất của nhân dân – Là yếu tố góp phần khẳng định có hay không quyền lực nhà nước của nhân dân

 

Theo quy định tại Điều 6 của Hiến pháp 1992 thì nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hai hình thức đó là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua QH và HĐND. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có điều chỉnh, thêm bớt một số ý, nhưng về cơ bản là vẫn tiếp tục quy định hai hình thức dân chủ nói trên để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình.

Để phát huy quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua hình thức dân chủ trực tiếp, ý cuối cùng của điều 53 hiến pháp 1992 quy định “Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân” Dự thảo Hiến pháp lần này dành riêng Điều 30 để khẳng định lại quyền quan trọng này của công dân. Tuy nhiên, việc thay đổi chỉ là hình thức sắp xếp lại, còn nội dung của vấn đề thì chưa thay đổi so với quy định của Hiến pháp 1992 - Vẫn chỉ là“…Khi nhà nước trưng cầu ý dân”. Và, đương nhiên là công dân không thể tham gia biểu quyết khi nhà nước không trưng cầu ý dân. Với quy định này, nhiều ý kiến tâm huyết tỏ ra băn khoăn, bởi lẽ quyền lực của nhân dân tiếp tục lại phụ thuộc vào quyền lực của bộ máy nhà nước (quyền lực có được do nhân dân ủy quyền). Từ phân tích nói trên, để quyền biểu quyết hay phúc quyết của nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung và sửa lại Điều 30 của dự thảo như sau: “Công dân có quyền biểu quyết những vấn đề quan trọng của đất nước thông qua việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật”. Quy định như vậy là chặt chẽ hơn bởi lẽ: khi nào phải tổ chức trưng cầu ý dân? Ai đứng ra tổ chức? Nội dung dung và cách tổ chức như thế nào là do pháp luật quy định; những vấn đề đó được tồn tại khách quan ngoài ý chí chủ quan của bất kỳ một chủ thể nào trong xã hội. Đồng thời, quy định như vậy trong hiến pháp sẽ là một định hướng cần thiết cho quá trình xây dựng và ban hành luật trưng cầu ý dân trong thời gian tới.

Thực tiễn của Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đều cho thấy, cho dù bằng hình thức bầu cử nào, trực tiếp hay thông qua đại biểu của mình thì quyền bầu cử, nhất là quyền bầu ra bộ máy nhà nước vẫn là một trong những quyền quan trọng nhất của mỗi công dân và cũng là yếu tố quan trọng nhất góp phần quyết định có hay không quyền lực nhà nước của nhân dân. Liên quan đến vấn đề này, trên cơ sở kế thừa quy định đã có tại các bản hiến pháp trước đó, Điều 28 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử…” Như vậy là đúng. Tuy nhiên, quyền bầu cử ở đây chưa được làm rõ. Trong giới hạn của nội hàm đã được diễn đạt thì chỉ mới đề cập đến quyền của công dân trong việc bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND ở địa phương. Điều đó là rất đúng, cần thiết nhưng chưa đủ. Chúng ta biết rằng Quyền bầu cử của công dân trong xu thế phát triển của một xã hội dân chủ, công bằng dưới sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là quyền bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND ở địa phương mà quan trọng hơn là quyền được trực tiếp hoặc chí ít thì cũng phải thông qua đại biểu của mình để bầu ra bộ máy nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương. Vì thế, khi đã đề cập đến quyền bầu cử của công dân thì phải diễn đạt rõ hơn những vấn đề nói trên. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị chế định về quyền bầu cử của công dân tại Điều 28 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần bổ sung và diễn đạt riêng thành một khoản với nội dung như sau: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền trực tiếp bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ở địa phương; có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua cơ quan đại biểu của mình để bầu ra bộ máy nhà nước ở trung ương và bầu ra bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương”. Diễn đạt như vậy sẽ làm rõ hơn quyền bầu cử của công dân.

Liên quan đến quyền bầu của công dân như nói ở trên, khoản 2 Điều 116 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng đang được nhân dân hết sức quan tâm. Để rõ hơn, chúng ta cùng trao đổi thêm về vấn đề này như sau:

Tại Điều 123 của Hiến pháp 1992 quy định: “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương...” Khoản 2 Điều 116 của dự thảo hiến pháp lần này sửa lại: “Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương...”. So với quy định cũ, cụm từ “do Hội đồng nhân dân bầu ra” trong dự thảo mới không còn nữa. Theo quy định này, Ai sẽ bầu ra Ủy ban nhân dân các cấp ? – Đây là vấn đề đang được nhân dân hầu hết các địa phương đặc biệt quan tâm và rất cần phải được làm rõ.

Như đã nói ở trên, cho dù được tiến hành dưới hình thức trực tiếp hay thông qua đại biểu của mình thì quyền bầu cử, nhất là quyền bầu ra bộ máy nhà nước là một trong những quyền quan trọng nhất của mỗi công dân có tuổi từ 18 trở lên, vì nó là yếu tố góp phần quyết định có hay không quyền lực nhà nước của nhân dân. Trong điều kiện nhân dân không thể trực tiếp thì ít nhất cũng phải thông qua các đại biểu và cơ quan đại biểu của mình để bầu ra UBND ở các cấp theo đơn vị hành chính lãnh thổ, điều đó là khoa học và cần thiết cho một bộ máy chính quyền của nhân dân. Ngược lại, nếu điều đó không được quy định thì có nghĩa là nhân dân không thể thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc bầu ra bộ máy nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp. Theo đó, nhân dân có chấp nhận hay không chấp nhận việc ủy quyền điều hành mọi hoạt động của chính quyền địa phương cho một bộ máy không phải do nhân dân hoặc cơ quan đại biểu của nhân dân ở địa phương bầu ra ?- Đây là vấn đề rất lớn, hệ trọng và liên quan trực tiếp đến quyền lực nhà nước của nhân dân, lại chưa được thực tiễn chứng minh, vì thế cần phải được phân tích và xem xét một cách cẩn trọng.

Từ những vấn đề nói trên, khi nghiên cứu và góp ý khoản 2 Điều 116 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, hầu hết các ý kiến tâm huyết đều đề nghị bổ sung lại cụm từ “do hội đồng nhân dân bầu ra” và diễn đạt lại như quy định tại Điều 123 của Hiến pháp 1992: “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương…”

Vấn đề rất lớn và không thể phủ định đó là: “Mọi quyền lực của nhà nước phải thuộc về nhân dân” - Một trong những chủ trương quan trọng của Đảng ta đang được cả xã hội đồng thuận và hướng tới. Tuy nhiên, để chủ trương này được thể hiện một cách sâu sắc trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết một cách khoa học, thận trọng. Trong đó, quyền của nhân dân trong việc trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đại biểu của mình để bầu ra bộ máy chính quyền ở địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó liên quan đến bản chất nhân dân của nhà nước ta. Và trong mỗi chúng ta, ai cũng biết rằng, vấn đề nói trên là điều kiện rất cơ bản để chúng ta xây dựng thành công một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân.

 Trong điều kiện nhân dân không thể trực tiếp thì ít nhất cũng phải thông qua các đại biểu và cơ quan đại biểu của mình để bầu ra UBND ở các cấp theo đơn vị hành chính lãnh thổ, điều đó là khoa học và cần thiết cho một bộ máy chính quyền của nhân dân. Ngược lại, nếu điều đó không được quy định thì có nghĩa là nhân dân không thể thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc bầu ra bộ máy nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp. Theo đó, nhân dân có chấp nhận hay không chấp nhận việc ủy quyền điều hành mọi hoạt động của chính quyền địa phương cho một bộ máy không phải do nhân dân hoặc cơ quan đại biểu của nhân dân ở địa phương bầu ra ?- Đây là vấn đề rất lớn, hệ trọng và liên quan trực tiếp đến quyền lực nhà nước của nhân dân, lại chưa được thực tiễn chứng minh, vì thế cần phải được phân tích và xem xét một cách cẩn trọng.

 


    Ý kiến bạn đọc