Luật Tổ chức chính quyền địa phương thực chất là Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành, được bổ sung các chương quy định về phân cấp, phân quyền, chính quyền địa phương và tổ chức đơn vị hành chính; kết cấu lại các điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND các cấp. Vì lõi của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là quy định về HĐND và UBND, cho nên, về quan điểm xây dựng luật, tôi tán thành với rất nhiều ĐBQH đã phát biểu trước tôi là thống nhất ở một nội dung, đó là: đã là chính quyền phải có đủ cả HĐND và UBND. Đây là tinh thần của Hiến pháp năm 2013: nơi nào có chính quyền, nơi đó có cả HĐND và UBND. Không có chuyện, ở một cấp chính quyền nào đó có UBND mà lại không có HĐND như phương án 1 được cơ quan soạn thảo đưa ra. Theo phương án 1: có nơi có HĐND thì có UBND, có nơi không có HĐND nhưng vẫn có UBND. Những nơi không có HĐND thì tại sao lại gọi là UBND? Có phải do dân bầu một cách gián tiếp thông qua đại biểu của mình là HĐND đâu mà gọi là UBND? Nếu đặt tên là Ủy ban hành chính cũng không ổn. Vì Hiến pháp của chúng ta không quy định về Ủy ban hành chính, không có chế định Ủy ban hành chính. Vì vậy, tôi tán thành ý kiến phân tích của các ĐBQH Danh Út, ĐBQH Trần Minh Diệu... Chúng ta nên thống nhất quan điểm về vấn đề này.
Ở đây cũng có câu chuyện thí điểm không tổ chức HĐND. Có thể nói đây là một cuộc thí điểm khá kỳ lạ, diễn ra quá dài. Nếu các ĐBQH đọc báo cáo đánh giá việc thực hiện thí điểm được gửi cho ĐBQH kỳ họp trước và báo cáo của 10 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm thì chúng ta đều rút ra một kết luận là: các báo cáo này đều khẳng định không tổ chức HĐND huyện, không tổ chức HĐND quận và phường là đúng, là tốt, là hay - Nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi tán thành nhiều ĐBQH đã phân tích. Chúng ta đừng bao giờ quên HĐND với tư cách là cơ quan dân cử, đại diện nhân dân là thành quả của nền dân chủ. Tất cả các nước người ta đều làm, nước bạn Lào trước không có HĐND, bây giờ người ta đang chuẩn bị làm HĐND. Ta lại bỏ đi. Đây là một điều nên băn khoăn. Tôi tán thành ý kiến của ĐBQH Danh Uát. Lần này, chúng ta thảo luận Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng là lúc chúng ta tuyên bố chấm dứt cuộc thí điểm không tổ chức HĐND và tôi cho rằng, cũng không cần tổng kết gì nữa đâu. Có tổng kết nữa, cũng sẽ đọc được kết quả y như kết quả hiện nay. Cho nên, nếu có tổng kết cũng không rút ra được kết luận khác. Tôi mong rằng, đến dự thảo Luật trình QH lần tới sẽ không còn phương án 1, phương án 2 gì nữa. Duy nhất chỉ có một phương án, đó là chính quyền có HĐND và có UBND. Còn câu chuyện ở cấp quận, cấp phường là HĐND không phát huy được tính chất, vai trò, trách nhiệm thì bây giờ chúng ta nên quy định ở trong Luật theo tinh thần: HĐND cấp quận làm gì, quyền hạn như thế nào cho cụ thể và có điểm gì khác với HĐND cấp huyện; HĐND phường làm gì, ví dụ, tập trung vào quản lý đô thị, quản lý hành chính chứ không phải làm quy hoạch như HĐND xã... Quy định như vậy thì sẽ rõ ra và chúng ta sẽ thấy hiệu quả.
Về bố cục dự án Luật, so với Luật hiện hành thì các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức HĐND và UBND đầy đủ hơn, trong đó có nhiều nội dung mới được quy định, khẳng định thêm vai trò quan trọng của HĐND với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn HĐND, UBND trước đây được quy định trong các văn bản dưới luật thì nay đã được đưa vào dự thảo Luật, luật hóa để làm cơ sở pháp lý vững chắc cho HĐND, UBND thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, chức năng của mình.
Tuy nhiên, theo tôi chính vì chúng ta mong muốn quy định rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND từng cấp, từng loại hình nên đã dẫn đến việc sắp xếp các chương, điều, bố cục dự án Luật chưa thực sự khoa học. Có quá nhiều nội dung trùng lặp hoặc có nội dung tương tự nằm rải rác ở các chương khác nhau, cũng chưa có sự mạch lạc trong các phần quy định về HĐND và UBND. Ví dụ, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND có thể đọc thấy trong cả 6/7 chương của dự án Luật, rải từ Chương I đến Chương VI, chương nào chúng ta cũng nhìn thấy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND. Vì thế, chúng ta thấy không mạch lạc và có cảm giác cứ trùng lặp, khi muốn hiểu về HĐND xem chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là gì thì lại phải mở ra đọc từ trên Chương I đến Chương IV. Trong Chương V quy định về UBND cũng có phần về HĐND. Vì thế, tôi đề nghị nghiên cứu sắp xếp lại bố cục của toàn bộ dự án Luật theo trình tự như sau:
Chương I, quy định chung và tập trung vào các vấn đề về phân định thẩm quyền, thực hiện phân quyền chính quyền các cấp, thực hiện ủy quyền của chính quyền các cấp. Các quy định về vị trí, tính chất, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND từ Điều 7 trở đi nên tách ra và đưa xuống chương sau.
Chương II, quy định các vấn đề về tổ chức, đơn vị hành chính, trong đó làm rõ việc phân định đơn vị hành chính, phân loại các quy định liên quan đến tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính... Các quy định liên quan đến quyền hạn của HĐND cũng nên đưa sang chương sau.
Chương III, quy định tất cả các vấn đề liên quan đến HĐND, từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tính chất, nhiệm kỳ, tổ chức hoạt động...
Chương IV, quy định các vấn đề liên quan đến UBND.
Chương V, Chương VI và Chương VII giữ như hiện hành.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)