Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, HĐND có thẩm quyền giám sát đối với hoạt động của UBND, TAND, VKSND cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND; việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân địa phương. Tuy nhiên, để những kiến nghị của HĐND được thực thi thì còn nhiều vấn đề phải bàn thêm.
Khi kiến nghị... bị lãng quên
Hiệu quả hoạt động giám sát chỉ được phát huy khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chấp nhận và thực hiện nghiêm chỉnh các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND, nhất là các cuộc giám sát theo chuyên đề. Như vậy, cùng với việc tổ chức các cuộc giám sát, bảo đảm thực hiện các kiến nghị sau giám sát là việc làm rất quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc bảo đảm thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND các địa phương là vấn đề khá nan giải. Các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cung cấp cho đại biểu ít người đọc, nếu được trình bày tại kỳ họp thì cũng thường bị lãng quên ngay sau kỳ họp. Các kiến nghị qua giám sát có cơ sở hay không, có được thực hiện hay không thường không có phản hồi của cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện. Mặt khác, chính HĐND, các ban HĐND đôi khi cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc theo dõi, kiểm tra. Theo thông lệ cứ giám sát, khảo sát chuyên đề, cứ thẩm tra báo cáo là có kiến nghị, còn chất lượng kiến nghị ra sao, cơ sở kiểm định là gì, việc thực hiện đến đâu dường như... còn bỏ ngỏ.
Sở dĩ có tình trạng trên do thực tế chưa có biện pháp buộc các cơ quan, tổ chức liên quan phải thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND. Thực tế, có nơi HĐND tổ chức các đợt giám sát việc thực hiện các kiến nghị của HĐND rồi lại tiếp tục ban hành kiến nghị... Mặt khác, pháp luật chỉ quy định HĐND giám sát việc thực hiện pháp luật và thực hiện nghị quyết của HĐND mà không quy định giám sát việc thực hiện các kiến nghị trong các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo thẩm tra các báo cáo của UBND, TAND, VKSND tại kỳ họp.
Từ thực tế đó nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các cơ quan, tổ chức liên quan chưa nghiêm chỉnh thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND và hoạt động giám sát của HĐND còn hình thức do pháp luật chưa quy định giao cho HĐND được áp dụng các biện pháp chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện. Với nhận thức đó dẫn đến nhiều nơi coi tính hình thức trong hoạt động giám sát của HĐND là lẽ đương nhiên. Trong các diễn đàn hội thảo, giao ban về kinh nghiệm hoạt động của HĐND luôn nhận được kiến nghị về việc bổ sung các biện pháp chế tài cho HĐND, nhưng các kiến nghị đó không nêu rõ loại chế tài gì.
Phải chăng HĐND không có biện pháp chế tài?
Khác với hoạt động thanh tra, kiểm tra và điều tra, hoạt động giám sát không đi vào việc truy tìm những sai phạm cũng như thu thập tài liệu, chứng cứ để trực tiếp xử lý tổ chức, cá nhân sai phạm nên không thể giao thẩm quyền xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. HĐND cũng không phải là cơ quan quản lý về mặt tổ chức, cán bộ nên không thể giao thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức có sai phạm. Do đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 63 Luật Tổ chức HĐND và UBND: trong khi giám sát nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, đoàn giám sát yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để chấm dứt hành vi vi phạm, xử lý người vi phạm nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị vi phạm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu, kiến nghị của mình.
Vậy, HĐND có quyền áp dụng biện pháp chế tài hay không và biện pháp đó là gì? Theo quy định tại Điều 64 Luật Tổ chức HĐND và UBND thì: căn cứ vào kết quả giám sát, HĐND có quyền: ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết; miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác của UBND. Mặt khác, tại Điều 65 còn quy định HĐND có thẩm quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Trường hợp không được quá nửa tổng số đại biểu HĐND tín nhiệm, cơ quan hoặc người đã giới thiệu để bầu người đó có trách nhiệm trình HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm người không được HĐND tín nhiệm.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm và việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu là một hình thức đặc thù của việc áp dụng chế tài kỷ luật hành chính. Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Ủy viên Ủy ban chịu trách nhiệm trước HĐND về việc triển khai thực hiện pháp luật và nghị quyết của HĐND; nếu UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND không thực hiện các kiến nghị của HĐND nhiều lần, có tính hệ thống, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thực hiện pháp luật và nghị quyết của HĐND, không làm tròn nhiệm vụ trong công tác quản lý hành chính ở địa phương thì cần đến việc áp dụng chế tài này. Đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND tuy HĐND không bầu, không có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhưng trước khi Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC bổ nhiệm, tái bổ nhiệm các chức danh này phải có ý kiến của HĐND cùng cấp.
Ngoài trách nhiệm pháp lý nêu trên, trong hoạt động của bộ máy nhà nước luôn hiện hữu một trách nhiệm nữa đó là trách nhiệm chính trị. Việc một người chịu trách nhiệm trả lời chất vấn trước kỳ họp HĐND mà không thuyết phục được đại biểu và cử tri thì uy tín chính trị của họ sẽ bị giảm sút. Đó cũng là chế tài mà HĐND và cử tri áp dụng đối với họ. Trong một nền chính trị minh bạch thì loại chế tài này nhiều khi còn nặng nề hơn cả chế tài pháp lý. Như vậy, pháp luật không những đã trao cho HĐND áp dụng chế tài pháp lý mà còn có cả chế tài chính trị đủ mạnh để HĐND làm tròn nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Như vậy phải khẳng định rằng, việc các cơ quan, tổ chức không nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của HĐND và hoạt động của HĐND còn hình thức một phần do HĐND chưa sử dụng được, chưa sử dụng hết các quyền hạn của mình. Hy vọng, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, các chế tài trên được sử dụng để phát huy hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND các cấp.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)