Hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021: Dấu ấn của Đổi mới - Trách nhiệm - Niềm tin
EmailPrintAa
17:18 20/05/2021

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 sắp đi qua, với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật; xem xét, quyết định nhiều chủ trương, biện pháp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Trong đó, dấu ấn đặc biệt phải kể đến là sự đổi mới, linh hoạt trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan dân cử, thực sự là cầu nối quan trọng giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đổi mới trong các Kỳ họp

Trong nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã tổ chức 21 kỳ họp, trong đó có 11 kỳ họp chuyên đề; chất lượng các kỳ họp từng bước được nâng lên. Thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các kỳ họp; triển khai mô hình kỳ họp không giấy; tài liệu kỳ họp được chuyển tải kịp thời, đầy đủ đến đại biểu qua hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý kỳ họp và đăng tải lên trang thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu, cơ quan, tổ chức, Nhân dân truy cập, khai thác, nghiên cứu sử dụng.

Đại biểu HĐND tỉnh bấm nút thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII

HĐND tỉnh đã ban hành 274 nghị quyết để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và có tính khả thi cao.

Các nghị quyết đã kịp thời cụ thể hóa các khâu đột phá, các chương trình trọng tâm và mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh việc ban hành các nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ hàng năm, HĐND tỉnh có nhiều nghị quyết chuyên đề trong từng giai đoạn, từng thời điểm thích hợp cho từng lĩnh vực, tạo ra sự đồng bộ trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp

Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp HĐND tỉnh

Nhiều cơ chế, chính sách hướng về cơ sở, được Nhân dân đồng tình, đem lại hiệu quả thiết thực như: Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh; một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt đọng không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021; quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi; người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp, giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp và mức hỗ trợ trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Phó Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga chất vấn tại kỳ họp

Đáng chú ý, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến theo hướng đối thoại dân chủ, thẳng thắn, chất vấn theo nhóm vấn đề, theo lĩnh vực. Trong nhiệm kỳ 20216-2021, theo thống kê đã có 198 câu hỏi chất vấn, nội dung tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan đến trách nhiệm giải quyết của các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước. Việc trả lời chất vấn của Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành liên quan thẳng thắn, rõ ràng, đưa ra được hướng giải quyết và có lộ trình hợp lý. Công tác giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trả lời chất vấn được Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được quan tâm đúng mức. Qua từng kỳ họp, hiệu quả hoạt động chất vấn ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Tăng trách nhiệm trong hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát tại kỳ họp được đổi mới ngay từ công tác chuẩn bị, theo hướng nâng cao chất lượng thẩm tra, tăng tính phản biện của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, qua đó xem xét kỹ lưỡng các nội dung được trình và ban hành tại kỳ họp. Tại kỳ họp cuối năm, Thường trực HĐND tỉnh xây dựng chương trình giám sát năm sau và trình HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến quyết định. Để chương trình, nội dung có tính khả thi và hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh nghiên cứu, bám sát nghị quyết của Quốc hội, của Tỉnh ủy, kế hoạch và định phướng phát triển chung của tỉnh; thu thập thông tin từ Ủy ban MTTQ các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng, qua tiếp xúc cử tri và ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND, các Ban của HĐND để lựa chọn nội dung, vấn đề, đối tượng, địa điểm, thời gian giám sát, bảo đảm không bị trùng lặp, chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của chủ thể chịu sự giám sát.

Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh giám sát kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh tại huyện Vũ Quang.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra tại thị xã Kỳ Anh.

Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa Sứ Trình Đồ giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo tại huyện Nghi Xuân.

Một điểm mới đáng chú ý nữa là bên cạnh việc thực hiện phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, hoạt động giám sát còn được thực hiện trong các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh. Theo đó, trong nhiệm kỳ khóa XVII, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành 35 phiên giải trình và chất vấn về những vấn đề cử tri và dư luận quan tâm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc còn nhiều bất cập liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình thực thi pháp luật và thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh.

Toàn cảnh phiên họp thứ 51 của Thường trực HĐND tỉnh

Giữa hai kỳ họp, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh thực hiện giám sát theo quy định, đã tổ chức được 23 cuộc giám sát chuyên đề; trong đó, có 03 cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, 04 cuộc giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân và 16 cuộc giám sát của các Ban Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức hơn 200 cuộc giám sát thường xuyên, khảo sát, làm việc với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan; tích cực tham gia, phối hợp với các đoàn kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Các cuộc giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực còn nhiều hạn chế, tồn tại; phương thức giám sát tiếp tục hướng về cơ sở và đi sâu vào những nội dung cụ thể. Quá trình triển khai giám sát đã có sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, các đơn vị hữu quan, nhất là sự tham gia phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy, những nhận định, đánh giá của các đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh mang tính toàn diện, sát thực tiễn. Thông qua giám sát đã giúp cho Hội đồng nhân dân tỉnh nắm rõ hơn về tình hình thi hành pháp luật của cơ quan Nhà nước và việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; đồng thời phát hiện, kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, để tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, trong nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất ban hành Nghị quyết về kết quả một số cuộc giám sát, làm cơ sở để Hội đồng nhân dân tỉnh, cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã xử lý 328 vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp trên các lĩnh vực do Ủy ban nhân dân trình, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý, điều hành ở địa phương.

Tăng cường tiếp xúc, giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri

Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo đổi mới cả về hình thức và nội dung, đã tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri tại 269 điểm với 18 điểm tiếp xúc chuyên đề, có hơn 28.600 cử tri tham gia. Công tác tiếp xúc cử tri ngày càng được đổi mới, mở rộng thành phần, đối tượng cử tri; tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề theo nhóm, lĩnh vực; tổ chức tiếp xúc cử tri chéo; tiếp xúc cử tri ba cấp Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện... để người dân đối thoại dân chủ, trực tiếp với đại biểu. Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân đã tổ chức làm việc với lãnh đạo địa phương để thống nhất tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đề xuất các nội dung chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thị xã Hồng Lĩnh

Công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Văn phòng tham mưu, giúp việc và các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời và chất lượng. Việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri được Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện ngay tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Trong thời gian diễn ra các kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã mở đường dây nóng để cử tri liên hệ, phản ánh trực tiếp đến kỳ họp; việc trả lời ý kiến cử tri qua đường dây nóng kịp thời và cụ thể đến từng đối tượng.

Đáng chú ý, hoạt động tiếp công dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh được duy trì. Đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan cấp tỉnh được thống nhất xử lý chung đảm bảo chuyển đến đúng cơ quan giải quyết, không còn tình trạng chuyển đơn chồng chéo giữa các cơ quan. Công tác phối hợp và giám sát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài được tăng cường.

Thường trực HĐND tỉnh triển khai nhiều hình thức giám sát đảm bảo các vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với giải quyết những kiến nghị, phản ánh của cử tri trong nhiệm kỳ đã hạn chế việc phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn vượt cấp, kéo dài, góp phần giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh trong việc chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh. Giải quyết kịp thời nội dung kiến nghị của các cơ quan, địa phương và cử tri trong tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển; đời sống của Nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, giành nhiều thắng lợi to lớn trong nhiệm kỳ mới, xứng đáng là cầu nối giữa dân với Đảng, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân./.

Nguyễn Việt Dũng

    Ý kiến bạn đọc