Trước đây, hầu hết HĐND các địa phương đều xây dựng và ban hành nghị quyết quy hoạch phát triển KT - XH 5 năm với những chỉ tiêu tổng quát, giải pháp chủ yếu nhất, dựa trên cơ sở nghị quyết Đại hội Đảng bộ cùng cấp, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH hàng năm. Còn quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực, mỗi nơi thực hiện một khác do văn bản dưới luật thiếu thống nhất. Trước Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, các quy hoạch theo từng lĩnh vực đều do UBND quyết định trên cơ sở đề nghị của ngành chuyên môn. Đành rằng có tổ chức hội nghị để thông qua quy hoạch ngành, đại diện Thường trực HĐND có tham dự và đóng góp ý kiến tích cực, nhưng thẩm quyền chỉ đến đó! Rồi quy hoạch vẫn được UBND phê duyệt và không có nhiều thay đổi so với dự thảo ban đầu. Điều đáng tiếc vì không phải thông qua HĐND nên nhiều khi quy hoạch ngành chuẩn bị không kỹ, thiếu tính khoa học, không thực tế… Có những địa phương không lớn về diện tích tự nhiên, giá trị tổng sản phẩm hàng năm thấp, nhưng lại quy hoạch nhiều khu kinh tế (KKT). Đồng thời, ngành công nghiệp (nay là công thương) quy hoạch gần chục khu công nghiệp KCN khác nhau; ngành thủy sản (nay là NN và PTNT) cũng quy hoạch đến 3-4 cảng cá và nhiều vùng rộng lớn để nuôi tôm công nghiệp… Quy hoạch sử dụng đất đai phải dành nhiều diện tích cho các KKT, KCN. Do đó, phải thu hồi nhiều đất nông nghiệp, đất rừng, kể cả rừng ven biển để phục vụ các chương trình, dự án. Hơn nữa, địa phương cũng phải bố trí ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng và ưu đãi đầu tư. Nhiều KKT, KCN nên cũng hình thành nhiều Ban quản lý. Thế nhưng, tỉnh nghèo, tiềm lực tài chính nội tại quá yếu, nên đành kêu gọi đầu tư, xúc tiến đầu tư, trải thảm đỏchào đón các nhà đầu tư… Một thời gian dài, lác đác một vài nhà đầu tư đến ngó nghiêngvà chỉ ghi nhận. Có đại gia ký kết nhận quyền sử dụng đất triển khai vài hạng mục sơ sơ rồi để đó. Bí quá, địa phương lại bỏ tiền ngân sách để đi xúc tiến đầu tư nước ngoài, từ: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Đông cho đến châu Âu, nhưng cũng ít ai đến, chủ yếu chỉ được một số cán bộ đi tham quan.
Khi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 có hiệu lực thì chất lượng hoạt động của HĐND có hiệu quả hơn. Theo khoản 1, Điều 11 quy định: trong lĩnh vực kinh tế, HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn: Quyết định quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển KT - XH, sử dụng đất đai, phát triển ngành… Từ đó HĐND các địa phương đều xây dựng thêm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm và hàng năm nghiêm túc. Còn quy hoạch phát triển các ngành thì cũng mới bắt đầu chuyển biến. Điều thuận lợi có tính pháp lý cao trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã bổ sung mới Chương III vềHoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND với 3 mục gồm: 25 điều quy định khá cụ thể hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ở địa phương. Ngay từ năm 2004 hoạt động giám sát của HĐND được tăng cường mạnh mẽ. Nhiều địa phương, HĐND giám sát thường xuyên quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH. Có nơi, Thường trực HĐND bắt đầu đột phá giám sát chuyên đề về thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương. Sau đó, Thường trực HĐND tiếp tục giám sát CCHC của cấp tỉnh và các ngành liên quan nhiều đến thủ tục hành chính, công tác cấp phép đầu tư… Các ban HĐND cũng lần lượt giám sát chuyên đề về các chương trình kinh tế, quản lý vốn đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển rừng, công tác đào tạo nguồn nhân lực…
Có thể thấy, thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003, hoạt động giám sát của HĐND thời gian qua được tăng cường mạnh mẽ, chất lượng báo cáo giám sát được nâng cao, nhiều kiến nghị xác đáng được trình bày tại kỳ họp của HĐND. Nhiều đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi các nội dung như: việc quy hoạch đất các KCN còn lãng phí, nhiều dự án đã giao đất nhiều năm chưa triển khai, việc thu hồi đất nhiều nơi còn áp đặt; chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế; CCHC còn trì trệ, thủ tục cấp phép đầu tư rườm rà, chậm trễ, cơ chế một cửa còn hình thức ở một số ngành… Có nơi, tình trạng phá rừng san lấp mặt bằng rồi để trống, chương trình phát triển kinh tế theo ngành nghề không hiệu quả, đành bỏ phí; chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài ở một số nơi còn lãng phí… Những kiến nghị của các đoàn giám sát, nhiều ý kiến thảo luận tại nghị trường và quá trình TXCT ở đơn vị, cơ sở được đại biểu HĐND chọn lọc để chất vấn trực tiếp các thành viên của UBND và các cơ quan chuyên môn. Những vấn đề lớn, nổi cộm, bức xúc được đưa vào nghị quyết của HĐND để các ngành liên quan tổ chức thực hiện.
Nhiệm kỳ 2011 - 2016, đại biểu HĐND được tăng cường, Thường trực và các ban HĐND được bổ sung số lượng và chất lượng được nâng cao. Quy chế hoạt động của HĐND các cấp đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều. Chủ trương của Trung ương tiếp tục phân cấp, phân quyền, tạo sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chính phủ cũng đã xây dựng nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch nhiều vùng lãnh thổ và chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển KT - XH. Từ những thuận lợi đó, HĐND các địa phương tăng cường hoạt động, chương trình kiểm tra, giám sát được xây dựng cho cả nhiệm kỳ và cụ thể từng năm. Đặc biệt, Thường trực HĐND kế thừa kinh nghiệm các khóa trước, tổ chức tốt các cuộc giám sát chuyên đề những lĩnh vực còn nhiều tồn tại; tái giám sát những ngành, đơn vị thực hiện những kiến nghị trước đây chưa được nghiêm túc. Những vấn đề quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH, phát triển các ngành vẫn được quan tâm đúng mức, những trì trệ, yếu kém cũng được tiếp tục trình bày cặn kẽ tại các kỳ họp để thảo luận, chất vấn và quyết định. Hoạt động giám sát của HĐND đã tác động đến UBND và các cơ quan chuyên môn, nhiều quy hoạch ngành được rà soát và lặp lại. Trong đó, các KCN chỉ để lại một phần ba số lượng ban đầu, tập trung xây dựng vài cảng cá có mức nước sâu, tàu bè vào ra thuận lợi; các quy hoạch đều được thông qua HĐND để quyết định... Nhờ đó, những hạn chế, yếu kém của các ngành dần được khắc phục, nhiều dự án không triển khai bị rút giấy phép, thu hồi đất không sử dụng cấp cho các dự án mới hoặc giao lại cho nông dân sản xuất. Tất cả các Ban quản lý được sáp nhập lại một đơn vị, mạng lưới dạy nghề được sắp xếp và nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, công tác CCHC có sự chuyển biến mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh được tăng lên đáng kể. Việc tổ chức các đoàn cán bộ đi xúc tiến đầu tư nước ngoài giảm hẳn và dần chấm dứt. Những hội nghị xúc tiến đầu tư trong vùng được triển khai và thắng lợi lớn nhất của những hội nghị đầu tư ngay tại địa phương rất rõ rệt. Nhiều nhà đầu tư tự tìm đến địa phương thông qua những thông tin trên phương tiện truyền thông, nhiều giấy phép đầu tư được cấp ngay tại hội nghị.
Từ những kết quả hoạt động giám sát của HĐND nhiều năm qua ở các địa phương đã được thể hiện trong khoản 2, điều 113 của Hiến pháp 2013: HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Không những thế, hoạt động của HĐND còn được thể hiện ở Điều 112 và nhiều điều khoản khác của Hiến pháp.
Thực vậy, Hiến pháp mới không những đổi tên Chương IX “HĐND và UBND” thành “Chính quyền địa phương” mà dành hẳn 7 điều để quy định khá cụ thể về chính quyền địa phương, trong đó có những điều khoản để khẳng định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Tại khoản 2, điều 112 quy định: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”. Như vậy, những chế định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp mới đòi hỏi việc tiến hành xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương sắp tới cần phân định thật rõ thẩm quyền của cơ quan nhà nước ở mỗi cấp và trong mỗi cấp chính quyền cần phải quy định rạch ròi, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng giữa hai cơ quan HĐND và UBND. Những quy định trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sắp tới không những phải bám sát Hiến pháp mà cần thể hiện được thực tế sinh động, phong phú hoạt động của HĐND và UBND trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Thực tế hoạt động cũng đặt ra vấn đề hết sức sát thực và cấp thiết là: cần tách chương III “Hoạt động giám sát của HĐND…” trong Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành để sửa đổi, bổ sung và xây dựng thành Luật Hoạt động giám sát của HĐND các cấp.
Hiến pháp mới đã có hiệu lực từ đầu năm 2014. Các chế định về chính quyền địa phươngđang chờ để được cụ thể hóa thành luật. Thời gian không còn nhiều, lúc này các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng triển khai chuẩn bị dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời cũng phải chuẩn bị dự án Luật Giám sát của HĐND các cấp. Những dự án luật này cần lấy ý kiến tham gia góp ý của các cấp, ngành liên quan, nhất là các cấp HĐND và UBND. Hy vọng, sự đóng góp tích cực của những chuyên gia về tổ chức bộ máy nhà nước; những người có kinh nghiệm trong hoạt động ở cơ quan HĐND và UBND để Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của HĐND các cấp tiến bộ, hoàn chỉnh hơn và nhanh chóng được ban hành và có hiệu lực trong đời sống chính trị của nhân dân.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)