Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của HĐND tỉnh
EmailPrintAa
08:33 03/08/2015

Ngày 16/12/2011 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND về phê duyệt “Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án, tổ chức hội được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh”. Đến nay, qua hơn 3 năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn vướng mắc nhưng được sự thống nhất, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo Đề án; sự phối hợp chặt chẽ của các sở ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện nên hầu hết các nội dung của Đề án được triển khai theo đúng kế hoạch, đạt hiệu quả cao.

Theo thống kê, sau 3 năm thực hiện, đến nay đã thực hiện được 61/64 nhiệm vụ của Đề án (đạt 95% kế hoạch đề ra): Thành lập mới Chi cục Biển, hải đảo và Tài nguyên nước thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; công nhận 7 hội đặc thù cấp huyện; chuyển giao 7 đơn vị sự nghiệp từ Sở ngành về Ủy ban nhân dân huyện quản lý (Đài phát thanh truyền hình; trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp; trạm Bảo vệ thực vật; trạm Thú Y; trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình; trạm Y tế cấp xã; trung tâm Y tế dự phòng cấp huyện); sau giải thể, sáp nhập, hợp nhất giảm được 6 phòng chuyên môn quản lý nhà nước, 144 đơn vị sự nghiệp và 40 ban quản lý dự án; chuyển 4 tổ chức khoa học và công nghệ sang tự trang trải 100% kinh phí hoạt động thường xuyên; chuyển 10 đơn vị sang hoạt động tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động; chuyển 02 đơn vị sang hoạt động tự chủ 100%; về biên chế: Giảm được 232 biên chế trong đó: cắt giảm 140 biên chế; 02 hợp đồng 68; chuyển 169 biên chế và 12 hợp đồng 68 từ ngân sách nhà nước cấp sang tự chủ.

 


Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát

triển nông thôn

 

Trong quá trình triển khai Nghị quyết, một số tồn tại, hạn chế đã được Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm túc chỉ ra để kịp thời khắc phục và có bài học kinh nghiệm cho quá trình thực hiện sau này, điển hình như: một số đơn vị như Trung tâm Y tế dự phòng; trung tâm Dạy nghề Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên sau khi được chuyển giao về cấp huyện còn thực hiện việc sáp nhập mang tính cơ học, chưa thực sự gắn sắp xếp bộ máy với tinh giản biên chế, việc chuyển giao kinh phí hoạt động đang gắn với biên chế hiện có, chưa tạo chủ động và tự chủ trong sử dụng nhân lực để thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn quản lý trạm y tế cấp xã chưa kịp thời nên công tác quản lý chưa thống nhất trong toàn tỉnh; sự phối kết hợp giữa các sở ban ngành với Ủy ban nhân dân cấp huyện trên một số lĩnh vực, một số huyện chưa thường xuyên nên trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ sau phân cấp còn lúng túng; việc giải quyết viên chức dôi dư còn gặp khó khăn.

Trong năm 2015, Ban Chỉ đạo đề án tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn thực hiện các nội dung còn lại của đề án (xác định lại mô hình quản lý đối với Ban Quản lý di tích Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Ban Quản lý di tích Trần Phú; hoàn thành hợp nhất Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp; chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đối với Trung tâm Cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng). Ngoài việc khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra, Ban chỉ đạo đề án sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá các đơn vị đã triển khai Đề án để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp, tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị, tổ chức cho phù hợp. Đồng thời, Ban Chỉ đạo sẽ thực hiện đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để xác định các nhiệm vụ không phải nhiệm vụ quản lý nhà nước để chuyển sang cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện hoặc các nhiệm vụ hoạt động dịch vụ công để chuyển sang hoạt động tự chủ, xã hội hóa.

Qua triển khai Nghị quyết 26 và thực tiễn chứng minh việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan đơn vị là chủ trương đúng đắn, khoa học, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, của tỉnh và thể hiện tầm nhìn chiến lược, từng bước cải thiện nền hành chính công vụ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án, tổ chức hội được Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương đánh giá cao, một số nội dung của Đề án được xem là mô hình mẫu để thống nhất áp dụng trong cả nước. Một số địa phương như Hòa Bình, Bắc Giang đã tổ chức Đoàn công tác để tham khảo, nghiên cứu học tập kinh nghiệm của Hà Tĩnh trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy địa phương. Thành công của Đề án đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


    Ý kiến bạn đọc