Kịp thời rà soát lại nhu cầu thực tế tại các địa phương, đơn vị, để tổ chức tuyển dụng số công chức, viên chức còn thiếu
EmailPrintAa
10:55 15/07/2019

Sáng 15/7, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Huy Hùng đã trình bày báo cáo thẩm tra của Ban về đánh giá tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động của các cơ quan tư pháp… Theo đó, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các báo cáo; đồng thời nhấn mạnh và kiến nghị một số nội dung sau:

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng trình bày báo cáo thẩm tra của ban

Về đánh giá tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động  của các cơ quan tư pháp . Ban cho rằng, 6 tháng đầu năm 2019, quốc phòng an ninh ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tiếp tục chuyển biến tích cực; công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí được tăng cường; tình hình khiếu nại, tố cáo cơ bản ổn định, không phát sinh mới nhiều vụ việc phức tạp; công tác cải cách hành chính được quan tâm, các chỉ số đánh giá cấp tỉnh năm 2018 tăng cao so với năm trước...

Bên cạnh đó, còn một số điểm cần xem xét đó là: tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động của các ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác tài nguyên khoáng sản. Các loại tội phạm liên quan đến xâm phạm sở hữu như cướp, trộm cắp, lừa đảo… còn ở mức cao (chiếm 58,5% cơ cấu tội phạm). Công tác đấu tranh đối với hoạt động chống đối của một số đối tượng cực đoan, quá khích còn gặp nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tuy được kiểm chế nhưng chưa bền vững; tình trạng xe quá khổ, quá tải, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông... vẫn còn xẩy ra...

Chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế: Chất lượng công tác kiểm sát xét xử vụ án hình sự, quyết định của Tòa án ở một số Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chưa cao, chưa kịp thời phát hiện được vi phạm của Tòa án để ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên được nâng lên nhưng chưa đồng đều; có 03 vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung (tỷ lệ 0,7%). Công tác xét xử và thi hành án hình sự, tỷ lệ giải quyết án 6 tháng đầu năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ; tiến độ giải quyết một số vụ án phức tạp vẫn còn chậm; có vụ án sau xét xử đang còn nhiều dư luận không đồng tình; vẫn còn một số sai sót trong thực hiện quy trình tố tụng dẫn đến bản án, quyết định sau khi ban hành bị hủy, sửa; một số vụ việc chậm gửi thông báo thụ lý vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Ngoài ra, thông qua hoạt động giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế về “Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn, giai đoạn 2016-2018” cho thấy trong 3 năm qua, tình hình khiếu kiện hành chính giảm so với những năm trước; nhưng các vụ việc dân sự có chiều hướng gia tăng, nhất là các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, thừa kế, tài sản và hôn nhân gia đình... Việc tiếp nhận, thụ lý đơn một số nơi còn để xảy ra dư luận, phản ánh của đương sự. Chất lượng giải quyết, xét xử một số vụ án hành chính, vụ việc dân sự chưa cao; còn để xảy ra vi phạm, có kháng cáo, kháng nghị, bị hủy và cải sửa, trong đó đáng chú ý đa số do lỗi chủ quan của thẩm phán. Án tạm đình chỉ còn nhiều. Tiến độ giải quyết một số vụ án phức tạp, tồn đọng còn chậm; đến nay còn 6 vụ án dân sự phức tạp, tồn đọng, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Công tác Thi hành án dân sự vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn còn 9 vụ, việc thi hành án dân sự tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận. Số tiền phải thi hành lớn (2.042 tỷ đồng), trong khi số không có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ rất cao (1.688 tỷ đồng, chiếm 82,6%) nhưng hầu như không có biện pháp để thu hồi; quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn để xảy ra đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Từ những kết quả và hạn chế nêu trên, Ban cho rằng trong công tác quản lý nhà nước cần quan tâm thêm một số vấn đề như sau:

Về công tác quản lý tài nguyên, khai thác khoáng sản trên địa bàn, vẫn còn gặp nhiều khó khăn và còn bộc lộ một số hạn chế, như: Quy hoạch khoáng sản của tỉnh còn thiếu tính tổng thể, đồng bộ; chưa dự báo sát nhu cầu sử dụng các loại khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn một số bất cập. Việc cấp phép còn dàn trải, phân tán, thiếu tập trung. Các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn hạn chế; một số đơn vị không thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường; vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn chưa cao. Tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng liều lĩnh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn.

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là ở cơ sở chưa rõ nét. Tình hình khiếu kiện trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp... Một số vụ việc thụ lý, xác minh, giải quyết theo thẩm quyền còn kéo dài, chậm ban hành quyết định giải quyết; hiệu lực một số quyết định, kết luận giải quyết chưa cao, chưa có biện pháp đủ sức răn đe đối với công dân cố tình không thực hiện; giải quyết khiếu nại tồn đọng còn chậm, 11/46 vụ việc tồn đọng do Đoàn giám sát HĐND tỉnh rà soát, thống kê tại Báo cáo số 122/BC-ĐGS ngày 06/12/2016 đến nay chưa xử lý xong, chưa kể các vụ việc phức tạp phát sinh sau này. Ngoài ra, một số vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn cố tình khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định tình hình.

Việc thực hiện biên chế cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế; việc phân cấp, phân quyền và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tuyển dụng, quản lý, bố trí CBCCVC chưa mạnh, còn vướng mắc, chưa phát huy được tính tự chủ của đơn vị chủ quản; một số đơn vị cấp huyện còn lúng túng, thiếu chủ động. Công tác tuyển dụng công chức, viên chức còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch biên chế năm 2019 còn bất cập; hiện toàn tỉnh còn thiếu biên chế công chức và viên chức đã được giao nhưng chưa tuyển dụng, trong đó một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã được giao biên chế (trên cơ sở đã tính toán tinh giản theo lộ trình) nhưng hiện tại thiếu người làm việc khá lớn, đã kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được tuyển dụng dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ...

Trên cơ sở những nhận định, đánh giá đã nêu, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị một số nội dung sau đây:

Đối với UBND tỉnh , cần chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có các giải pháp tích cực để kiềm chế, làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các đường dây buôn bán ma túy lớn. Xác định, theo dõi sát tình hình, diễn biến những vấn đề còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chỉ đạo Hội đồng nghĩa quân sự các địa phương, các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật nghĩa vụ quân sự và các văn bản liên quan...

Đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy hoạch khoáng sản đã ban hành. Thực hiện việc đấu giá, cấp phép, khai thác các khu vực khoảng sản đã được quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định... Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, bồi thường giải phóng mặt bằng…; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết đã có hiệu lực pháp luật...

Liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ; đây là một chủ trương đúng đắn nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo quy mô, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, gắn với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt đối với các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính. Sau khi phương án tổng thể được phê duyệt, triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục và xây dựng Đề án đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn từng địa phương và có tính khả thi cao, trong đó chú ý kiện toàn tổ chức, bộ máy đúng quy định; sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị tiến hành sắp xếp, đảm bảo sự ổn định và đồng thuận.

Đối với các cơ quan tư pháp, Ban đề nghị: Tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên, Hội thẩm nhân dân.

Tập trung chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, sai sót về chuyên môn của các cơ quan tiến hành tố tụng; nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ xét xử đối với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp dưới.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của Thẩm phán trong giải quyết án dân sự, xây dựng kế hoạch phân công cụ thể cho từng thẩm phán giải quyết các vụ, việc nhằm giảm lượng án tồn đọng (án tạm đình chỉ, án quá hạn luật định,...); hạn chế tối đa án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán cũng như việc tuyên án không rõ, khó thi hành; tăng cường công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự...

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc