Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh
|
Phóng viên: Xin đồng chí thông tin về những nội dung trọng tâm mà Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII sẽ xem xét, quyết định?
Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y:
Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII là kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh theo luật định. Kỳ họp sẽ tiến hành xem xét, đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công; Kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Kết quả thực hiện các nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 và việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp này. Xem xét, đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh; Báo cáo của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Báo cáo của UBMTTQ tỉnh về công tác tham gia xây dựng chính quyền.
Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh dự kiến sẽ xem xét, ban hành 22 nghị quyết, gồm: 3 nghị quyết thường kỳ, 15 nghị quyết chuyên đề và 4 nghị quyết về công tác nhân sự. Trong đó có các nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách, gồm: Bổ sung một số chính sách thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên đi du học nghề giai đoạn 2019 - 2021; một số chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao và phát triển bóng đá Hà Tĩnh; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Sửa đổi, bổ sung số lượng, mức khoán chi phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra có một số nghị quyết chuyên đề quan trọng như: Thành lập thị trấn Lộc Hà thuộc huyện Lộc Hà; sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố tại một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; Điều chỉnh kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2019; Thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh; Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất 6 tháng cuối năm 2016…
Các nội dung về công tác nhân sự của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng sẽ được thực hiện kịp thời theo đúng quy định. Ngoài ra, Kỳ họp sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phóng viên: Như vậy, kỳ họp này sẽ có 06 Nghị quyết mới được ban hành với nhiều cơ chế, chính sách có thể nói tác động đến khá nhiều đối tượng và đời sống xã hội. Theo Nghị định 34/2016/NĐ-CP thì yêu cầu bắt buộc trong xây dựng các Nghị quyết ban hành chính sách là cần phải có báo cáo đánh giá tác động, đồng chí có thể cho biết vấn đề này đã được chuẩn bị trình kỳ họp này như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y:
Mỗi một chính sách phải được xây dựng, ban hành theo một quy trình, gồm 3 giai đoạn đó là: Hoạch định chính sách, thực thi chính sách và đánh giá chính sách. Những năm trước đây chúng ta mới chỉ chú trọng đến khâu hoạch định và thực thi chính sách. Từ khi thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, ngày 14/5/2016 của Chính phủ về “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản QPPL” HĐND tỉnh đã rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc báo cáo đánh giá tác động của chính sách trước khi ban hành.
Tại kỳ họp lần này, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tham mưu, trình các nội dung, đề án liên quan đến cơ chế, chính sách chuẩn bị kỹ càng. Nhất là đối với những chính sách quan trọng, liên quan đến những vấn đề cấp thiết của đời sống, đến lợi ích của nhiều người thì cần phải được đánh giá sự tác động, ảnh hưởng của chính sách một cách khách quan, đầy đủ, kịp thời; một số chính sách cần phải được đánh giá đa chiều, toàn diện. Do đó yêu cầu tài liệu kèm theo các báo cáo là kế hoạch đánh giá, xác định rõ mục tiêu, phạm vi, chủ thể tham gia, các đối tượng, nội dung, phương pháp và tiêu chí đánh giá; tổng kết, công bố công khai kết quả, tổ chức rút kinh nghiệm những hạn chế, vướng mắc trong thực thi chính sách đã ban hành để điều chỉnh, bổ sung, ban hành chính sách mới vừa đầy đủ căn cứ pháp lý, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa đảm bảo tính khả thi, hấp thu chính sách trong đời sống.
Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh phải có báo cáo đánh giá tác động của các chính sách về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên đi du học nghề giai đoạn 2019 - 2021; sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông; sửa đổi, bổ sung số lượng, mức khoán chi phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh…
Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 10
|
Phóng viên: Như vậy, các nghị quyết được HĐND tỉnh xem xét, thông qua đều đã bám sát, thực hiện đầy đủ theo các quy định của Luật ban hành văn bản QPPL, đồng chí có thể đánh giá rõ hơn về vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y:
Nghị quyết của HĐND là văn bản pháp lý quan trọng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, trong đó có nhiều nghị quyết là văn bản QPPL được ban hành theo nội dung, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản QPPL. Nghị quyết HĐND ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là cơ sở để UBND ban hành các quyết định trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để nghị quyết HĐND ban hành đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao, các nội dung nghị quyết chuyên đề đều được đưa vào Kế hoạch tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh hàng năm. Đặc biệt, ngay sau khi thống nhất nội dung kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động giao các Ban HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong quá trình soạn thảo tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết; tổ chức khảo sát, giám sát trực tiếp để nắm bắt tình hình; phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện nghiêm túc, đúng quy định công tác thẩm định các tờ trình, dự thảo Nghị quyết. Đảng đoàn HĐND tỉnh cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với những nội dung trình HĐND tỉnh theo quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Bên cạnh đó, một số nghị quyết khi ban hành có ảnh hưởng, tác động đến đông đảo người dân và xã hội như: Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố tại một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên đi du học giai đoạn 2019-2021… Thường trực HĐND tỉnh đã phân công các Tổ đại biểu thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri và thảo luận Tổ trước kỳ họp để tham vấn, lắng nghe ý kiến các đối tượng chịu tác động của các chính sách này.
Phải khẳng định rằng, về cơ bản các nghị quyết của HĐND ban hành đều đã đi vào đời sống, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phóng viên: Qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp cho thấy người dân rất quan tâm và kỳ vọng vào những chủ trươn, quyết sách tại kỳ họp lần này. Đồng chí có thể cho biết những vấn đề đang được Nhân dân quan tâm nhiều nhất?
Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y:
Thực hiện Kế hoạch số 271 và Kế hoạch số 313 của Thường trực HĐND tỉnh về tổ chức kỳ họp thứ 10 và tổ chức cho các tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri, trong các ngày từ 17 - 21/6/2019, toàn tỉnh đã tổ chức 28 điểm tiếp xúc cử tri tại 13 huyện, thị, thành phố với hơn 3000 lượt cử tri tham gia và gần 300 lượt ý kiến phát biểu. Qua tổng hợp, có trên 5 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII trên các lĩnh vực: kinh tế, nông nghiệp nông thôn, đô thị; tài nguyên, môi trường; lĩnh vực đầu tư, giao thông, xây dựng; văn hóa, xã hội; nội chính, tư pháp và các vấn đề khác.
Tại kỳ họp này, cử tri tiếp tục quan tâm đến Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nhất là việc huy động nguồn lực, các cơ chế, chính sách, tiến độ thực hiện; lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chính sách kích cầu, hỗ trợ nông dân sản xuất; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình phục vụ dân sinh và sản xuất; vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; xem xét, giải quyết chế độ chính sách…
Ngoài ra, để chuẩn bị cho phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị các Ban, Tổ đại biểu và các vị đại biểu HĐND tỉnh thông qua hoạt động khảo sát, giám sát và tiếp xúc cử tri lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận xã hội quan tâm để chất vấn. Qua tổng hợp cho thấy, nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức thiết của địa phương, như: Tình trạng mất cân đối cung - cầu về vật liệu xây dựng như cát, đất; việc cấp giấy CNQSD đất, nhất là có nguồn gốc trước năm 1980; các dự án được giao đất chậm đưa vào sử dụng và sử dụng không hiệu quả; vấn đề thu phí vệ sinh, xử lý chất thải sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải tập trung của các cụm công nghiệp trên địa bàn; về quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập; tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh…
Thường trực HĐND tỉnh dự kiến sẽ dành thời gian hợp lý cho phiên chất vấn. Tiếp tục đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề; tăng cường tranh luận để làm rõ các nội dung đã được đưa ra; chỉ ra trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống để tập trung các giải pháp giải quyết ý kiến kiến nghị của đại biểu và nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. Sau phiên chất vấn, HĐND tỉnh sẽ ban hành kết luận chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở cho đại biểu, cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.
Phóng viên : Xin cảm ơn đồng chí!
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)