Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII: Xem xét nhiều nội dung quan trọng
EmailPrintAa
15:06 12/12/2019

Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) Hà Tĩnh khóa XVII chính thức diễn ra trong 3 ngày, từ 13-15/12/2019. Trước thềm kỳ họp, Thông tin Đại biểu nhân dân Hà Tĩnh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trương Thanh Huyền - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh về các nội dung liên quan đến kỳ họp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền

Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết những nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII?

Đồng chí Trương Thanh Huyền:

Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII là kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh theo luật định. Kỳ họp sẽ tiến hành xem xét, đánh giá hoạt động năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch năm 2020 của UBND tỉnh về: Công tác chỉ đạo điều hành và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công; kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện tổng biên chế hành chính, sự nghiệp; công tác bảo vệ môi trường; kết quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 12 và kết quả thực hiện các nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 10.

Xem xét, đánh giá hoạt động năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh; nghe báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về Mặt trận tham gia giám sát và xây dựng chính quyền năm 2019.

Đặc biệt, kỳ họp sẽ thảo luận, xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng về: Thông qua bảng giá đất năm 2020 trên địa bàn tỉnh; thông qua danh mục công trình dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng năm 2020; chính sách bảo vệ môi trường; quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế; quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục thực hiện Đề án 404 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ thu nhập cho các thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội; sát nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn...

Dự kiến, kỳ họp này sẽ ban hành 18 nghị quyết chuyên đề. Đây đều là những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng trước mắt và lâu dài. Vì vậy, trong quá trình xem xét, HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu kỹ, bám sát thực tiễn địa phương, cân nhắc sự tác động đến người dân và các đối tượng liên quan, khả năng nguồn lực thực hiện, tính khả thi để đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Phóng viên: Với 18 nghị quyết chuyên đề dự kiến được xem xét thông qua. Vậy kỳ họp lần này sẽ có những đổi mới gì để đạt chất lượng?

Đồng chí Trương Thanh Huyền:

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất quan điểm tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng kỳ họp theo tinh thần Nghị quyết số 38/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ các nội dung; bố trí chương trình hợp lý, khoa học, tăng thời gian thảo luận và chất vấn, giảm tối đa thời gian trình bày báo cáo, nhiều nội dung sẽ được rút gọn hơn so với các kỳ họp trước nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.

Hoạt động thẩm tra của các ban chuẩn bị kỳ họp cũng được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, phân công cụ thể, bảo đảm khoa học, đúng lĩnh vực. Các ban đã chủ động tiếp cận trước các nội dung, cùng với cơ quan soạn thảo bàn luận thống nhất những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Mỗi báo cáo thẩm tra thể hiện được trí tuệ tập thể, có tính phản biện, định hướng những vấn đề trọng tâm, cung cấp thêm thông tin để trên cơ sở đó giúp đại biểu HĐND thảo luận, quyết định.

Trong điều hành, Chủ tọa kỳ họp sẽ bám sát chương trình, vận dụng linh hoạt từng phiên họp nhằm tiết kiệm thời gian, phát huy tinh thần dân chủ và trí tuệ của đại biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ như lựa chọn những vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau để thảo luận, chất vấn tại kỳ họp.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Vĩnh (Thạch Hà) Trần Thị Hồng kiến nghị tại cuộc tiếp xúc với cử tri ngành giáo dục trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII

Phóng viên: Trước kỳ họp, Thường trực, các ban và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, trong đó có hoạt động tiếp xúc cử tri. Vậy, đồng chí có thể cho biết những vấn đề của thực tiễn được cử tri quan tâm, gửi đến kỳ họp này?

Đồng chí Trương Thanh Huyền:

Trước kỳ họp thứ 12, cả 13 Tổ đại biểu HĐND tỉnh trong toàn tỉnh đã tổ chức chương trình tiếp xúc cử tri (TXCT) cho các đại biểu HĐND tỉnh, từ ngày 12 - 22/11/2019. Nét mới tại đợt tiếp xúc cử tri lần này là việc chuyển đổi địa bàn tiếp xúc cử tri của các Đại biểu HĐND tỉnh và tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề tại một số địa phương. Với cách làm này, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ tiếp xúc được với cử tri các địa bàn khác nhau; từ đó nắm bắt một cách toàn diện tâm tư nguyện vọng của cử tri và tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp tại các điểm tiếp xúc, đông đảo cử tri tỉnh nhà rất hoan nghênh và đánh giá cao sự đổi mới này; các đại biểu HĐND tỉnh cũng cho rằng đây là hình thức mới, trang bị thêm kiến thức, hiểu biết cho các đại biểu, góp phần thành công vào kỳ họp.

Tại các điểm tiếp xúc đã có 325 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. Trong đó, đề cập đến nhiều vấn đề như: Đề nghị tỉnh quan tâm bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng nâng cấp, sửa chữa một số công trình quan trọng, cấp thiết trên địa bàn; đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp đất có nguồn gốc trước ngày 19/12/1980; tăng mức hỗ trợ cho những người thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố...

Từ các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp và chia thành các nhóm vấn đề để yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Việc chia theo nhóm vấn đề các ý kiến, kiến nghị sẽ giúp cho việc theo dõi, giám sát kết quả giải quyết cũng như trả lời cử tri được thực hiện tốt hơn, khắc phục được tình trạng cử tri kiến nghị nhiều lần hoặc trùng lặp tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Mặt khác, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh sẽ cân nhắc, lựa chọn, dự kiến đưa vào nội dung chất vấn; đồng thời định hướng các đại biểu HĐND tỉnh và các sở, ngành, địa phương thảo luận những vấn đề tồn tại, bất cập cần tập trung giải quyết tại kỳ họp.

Phóng viên: Được biết, tại các kỳ họp gần đây nhiều vấn đề “nóng” cử tri đề cập được HĐND tỉnh chất vấn tại các kỳ họp và đã có chuyển biến tích cực; tuy nhiên vẫn còn những vấn đề chưa đáp ứng yêu cầu. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Đồng chí Trương Thanh Huyền :

Bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, yêu cầu của thực tiễn và trên cơ sở lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua các cuộc TXCT và các kênh thông tin khác, HĐND tỉnh đã cân nhắc, lựa chọn đưa vào chương trình kỳ họp các nội dung trọng tâm để phân tích, làm rõ thực trạng, nguyên nhân và quan trọng hơn là tìm giải pháp giải quyết các vấn đề “nóng”, bức xúc mà người dân quan tâm. Sau các kỳ họp, UBND tỉnh đã đôn đốc, chỉ đạo các ngành và địa phương nghiêm túc tiếp thu, vào cuộc quyết liệt, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, liên quan đến các quy định của Trung ương chưa thể giải quyết ngay được. Với quan điểm theo đến cùng các vấn đề đặt ra, nhất là những vấn đề bức thiết của người dân thuộc thẩm quyền của tỉnh; thời gian qua HĐND tỉnh thông qua các hoạt động giám sát, khảo sát, các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh và các cuộc làm việc với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trên các lĩnh vực như: Giải quyết tồn đọng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và Khu kinh tế Vũng Áng; tình hình đội ngũ giáo viên và giải pháp xử lý vấn đề thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh; việc xử lý giáo viên hợp đồng theo Quyết định 2059/ QĐ-UBND ngày 09/7/2013; nhân viên y tế học đường, kế toán hợp đồng lao động theo Quyết định số 240/QĐ-UBND ngày 18/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh...

Trong năm 2019, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề về công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác cải cách hành chính giai đoạn 2015 - 2018. Các Ban HĐND tỉnh cũng đã triển khai nhiều cuộc giám sát, khảo sát mang tính chuyên đề về công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình đê điều, hồ đập giai đoạn 2016 - 2019; thực hiện các chế độ, chính sách trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2018; kết quả hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn; công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, các vụ án dân sự của Tòa án nhân dân hai cấp... Thông qua đó, HĐND tỉnh đã phát hiện những bất cập, tồn tại và đưa ra những kiến nghị, giải pháp đối với UBND tỉnh, các ngành và các địa phương để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.

Cũng tại kỳ họp thứ 12 lần này, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh sẽ chọn ra từ 4 đến 5 nhóm lĩnh vực để chất vấn trực tiếp. Và sau mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND tỉnh sẽ có văn bản yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo, thực hiện những nội dung đã tiếp thu, đã cam kết và theo từng lĩnh vực, HĐND tỉnh sẽ phân công các ban HĐND tỉnh tiếp tục giám sát cụ thể. Với cách làm này, tin tưởng rằng những vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân từng bước được tập trung giải quyết hiệu quả.

Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc