Cách làm sáng tạo và hiệu quả
Ngay từ khi Nghị quyết mới ban hành, Sở Xây dựng đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai cụ thể hóa các nội dung về quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách tổ chức thực hiện; chủ động phối hợp với các Sở: Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung cụ thể thực hiện các nhiệm vụ theo từng giai đoạn. Từng bước triển khai nhiệm vụ xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng CP; chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường; kiện toàn, thành lập mới và hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện cần thiết cho các công ty, hợp tác xã, tổ đội môi trường; Công tác quy hoạch được rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời theo tiến độ thực hiện Nghị quyết; kịp thời xây dựng được các mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy việc xã hội hóa công tác thu gom, xử lý, chế biến chất thải rắn... Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 đơn vị thực hiện dịch vụ công về vệ sinh môi trường, cây xanh, công trình đô thị với mô hình “Công ty TNHH” hoạt động theo Luật doanh nghiệp, trong đó có 01 doanh nghiệp tư nhân là Công ty CP TVXD Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh. Các công ty thực hiện dịch vụ công ích thông qua hợp đồng dịch vụ. Các hợp tác xã, tổ, đội vệ sinh môi trường được thành lập, phát triển và được xác định là hướng đi mới trong mô hình hợp tác công - tư về dịch vụ công ích; Năm 2010 chỉ có 32 hợp tác xã, tổ, đội, đến nay toàn tỉnh đã có 140 đơn vị trong đó có 03 Công ty quản lý công trình đô thị, 120 HTX môi trường và 17 tổ đội vệ sinh môi trường.
Với cách làm hay, phương thức hiệu quả nên đến nay tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 90,1%, vùng nông thôn đạt 37,6%, với tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được trên toàn tỉnh là 530 tấn/ngày và tăng thêm 18% so với năm 2010. Ngoài việc phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh thì công nghệ hầm khí sinh học Biogas, chế biến thành phân vi sinh, công nghệ đốt chất thải rắn đã được thực hiện tại khu vực nông thôn. Chất thải rắn thu gom tập trung được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh từng bước được xử lý triệt để đảm bảo không gây độc hại đến môi trường. Nhà máy chế biến phân hữu cơ tại xã Cẩm Quan bằng công nghệ Bỉ cải tiến với tỷ lệ chôn lấp chỉ còn 3%; hiện nay có 14/18 bệnh viện đa khoa tỉnh và huyện được đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý rác thải và nước thải y tế, xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh - hóa học và xử lý bằng công nghệ AAO + đệm vi sinh, xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ đốt đã góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường do chất thải rắn y tế gây ra. Toàn tỉnh hiện có 01 nhà máy chế biến phân hữu cơ và 5 bãi chôn lấp tại thị trấn Thiên Cầm, thị trấn Xuân Thành, thị trấn Tây Sơn, thị trấn Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh được vận hành đảm bảo tiêu chuẩn. Hiện đã và đang triển khai 07 dự án đầu tư các khu xử lý chất thải rắn trong đó có 01 lò đốt rác bằng công nghệ cao tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh; 3 dự án cải tạo nâng cấp khu xử lý (nâng cấp cải tạo bãi rác huyện Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh và Phượng Thành - Đức Thọ); 3 dự án đầu tư xây mới tại các huyện: Hương Sơn, Can Lộc, Lộc Hà.
Một số hạn chế và giải pháp khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết, công tác quản lý - xử lý chất thải rắn vẫn còn một số bất cập, tồn tại như: Kế hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn tại các địa phương chưa cụ thể; một số huyện chưa thành lập ban chỉ đạo trực tiếp thực hiện công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Công tác tuyên truyền đang dần lắng xuống, nội dung chưa đa dạng, còn mang tính hình thức; nguồn vốn ngân sách các cấp đầu tư cho việc thực hiện Đề án còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; hạ tầng chưa đáp ứng từ thu gom, phân loại, trạm trung chuyển...; công trình xử lý chất thải rắn ở huyện sử dụng công nghệ còn lạc hậu như công nghệ chôn lấp chất thải rắn. Mặt khác có nhiều bãi chôn lấp tự phát hoặc chưa được đầu tư xây dựng đảm bảo đúng quy định an toàn vệ sinh dẫn đến môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Trang thiết bị phục vụ cho công tác chôn lấp còn thiếu như máy ủi, đầm lèn rác. Ngoài ra, các Công ty, HTX, tổ đội vệ sinh môi trường còn thiếu về nhân lực, chế độ lao động còn thấp, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển. Lao động trực tiếp trong lĩnh vực vệ sinh môi trường (chủ yếu ở các hợp tác xã, tổ, đội) hầu hết chưa được tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu về kỹ thuật bảo vệ môi trường; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao gặp nhiều khó khăn. Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư còn thấp nên vẫn còn xảy ra tình trạng vứt rác thải bừa bãi trực tiếp ra môi trường... trong khi chế tài xử phạt hầu như chưa có.
Để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cũng như kêu gọi cộng đồng tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn gắn với việc khen thưởng, kỷ luật của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình ở nông thôn phải có ý thức trong việc phân loại xử lý rác, để tự xử lý phù hợp đảm bảo vệ sinh môi trường như đốt, chôn, làm phân bón, xây bể Biogas để tận dụng làm khí đốt nhằm giảm thiểu lượng rác thải đem đi xử lý; ở đô thị chủ động trong việc phân loại rác tại nguồn theo quy định chung nhằm nâng cao ý thức vệ sinh trong cộng đồng. Thứ hai, tập trung xây dựng các quy chế, quy trình thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn. Thứ ba, nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn hoạt động có hiệu quả, phân vùng thu gom rác thải hợp lý tùy theo tình hình và địa bàn ở mỗi huyện. Trong đó phải cân nhắc tính toán tự thu tự chi và hoạt động đa ngành có cơ chế quản lý tốt hơn. Thứ tư, soát xét lại các Dự án đã và đang triển khai trên địa bàn như Dự án: Nâng công suất nhà máy xử lý chế biến phân hữu cơ ở huyện Cẩm Xuyên lên công suất 300 tấn/ngày đêm; xây dựng Nhà máy chế biến chất thải rắn bằng công nghệ cao ở huyện Lộc Hà, Kỳ Anh; Dự án nâng cấp, cải tạo khu xử lý chất thải rắn tập trung ở các huyện, thị xã, thành phố đã được phê duyệt để cân đối ngân sách và có cơ chế, lộ trình đầu tư hợp lý. Thứ năm, tất cả các xã tập trung hoàn thiện các cở sở thu gom, xử lý rác thải như trạm trung chuyển, bãi xử lý chất thải rắn gắn với xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2015 xây dựng ít nhất 70% trạm trung chuyển tại các xã thuộc các huyện theo mục tiêu Nghị quyết 132/2010/NQ-HĐND. Thứ sáu, đẩy nhanh các chương trình, đề án do các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện theo Đề án quản lý chất thải rắn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Thứ bảy, ban hành mức phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác ở các hộ dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh phù hợp nhằm bảo đảm kinh phí hoạt động cho các đơn vị hoạt động về môi trường; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã trong việc đầu tư trang thiết bị ban đầu nhất là xe đẩy tay, các thiết bị thu gom rác, xe chuyên dụng chở rác; ban hành quy chế và hướng dẫn quản lý sử dụng phí vệ sinh trên địa bàn tỉnh; quy chế về tổ chức hoạt động của các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường. Thứ tám, xây dựng mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn cho các nhà máy chế biến rác thải thành phân hữu cơ. Thứ chín, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Khuyến khích các thành phần kinh tế áp dụng công nghệ sản xuất sạch, ít chất thải bằng các chính sách ưu đãi theo các quy định của nhà nước; xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn.
Theo thống kê mới nhất, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh có 1,23 triệu dân, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày khoảng 1.141 tấn, mỗi năm khoảng 416.465 tấn. Trong đó, theo thống kê, chất thải rắn sinh hoạt bình quân mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, khu dân cư khoảng 1.142 tấn/ngày tương đương với 416.784 tấn/năm. Nhưng chỉ khoảng 46,5% khối lượng chất thải rắn thu gom được xử lý bằng biện pháp chế biến thành phân hữu cơ hoặc chôn lấp hợp vệ sinh. Đối với chất thải rắn công nghiệp, ước tính khối lượng phát sinh năm 2012 là 83.381 tấn, 6 tháng đầu năm 2013 là 45.025 tấn nhưng chưa được thu gom và xử lý đảm bảo quy trình công nghệ. Các chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm: bóng đèn hỏng, dầu thải, giẻ lau, ắc quy hỏng... tại 168 đơn vị đã đăng ký chủ nguồn thải nguy hại với khối lượng từ 200 - 300kg/năm/đơn vị nhưng trong tỉnh chưa có bất kỳ một cơ sở nào xử lý được chất thải nguy hại này. Hàng năm tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh là 136 tấn/năm, trong đó khối lượng được xử lý là 115 tấn/năm, đạt 84,1%. Chất thải rắn phát sinh tại các khoa, phòng được phân loại bằng các thùng thu gom, sau đó tập trung và xử lý (chất thải nguy hại được xử lý bằng biện pháp đốt, chất thải rắn sinh hoạt xử lý như bình thường).
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)