Một số kỹ năng thẩm tra dự toán, quyết toán chi thường xuyên
EmailPrintAa
07:40 24/08/2012

Nhiệm vụ chi thường xuyên có vai trò và tác động to lớn đối với mọi hoạt động của địa phương. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nâng cao chất lượng thẩm tra dự toán, quyết toán chi thường xuyên để HĐND có cơ sở quyết định đúng, góp phần quan trọng thực hiện tiết kiệm chi và chi có hiệu quả cho các hoạt động thường xuyên.

Để thẩm tra dự toán chi thường xuyên, cần chú ý những nội dung cơ bản sau:

Một là thẩm tra các căn cứ xây dựng dự toán chi. Đó là kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của địa phương gắn với kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm được cấp thẩm quyền phê duyệt; các văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước cấp trên. Các chế độ tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách hiện hành, chế độ chi tiêu đặc thù của địa phương

Căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách cấp trên giao theo quy định của Luật Ngân sách. Đối với cấp tỉnh là quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách; quyết định của Bộ Tài chính về giao chỉ tiêu hướng dẫn thu, chi ngân sách hàng năm. Đối với cấp huyện là quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách của Chủ tịch UBND tỉnh và của Chủ tịch UBND huyện (đối với cấp xã).

Căn cứ vào định mức phân bổ ngân sách địa phương đã được HĐND thông qua, UBND tỉnh quyết định; căn cứ vào các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách được cấp thẩm quyền ban hành; các chế độ chi tiêu đặc thù của địa phương do HĐND tỉnh phê chuẩn theo phân cấp của Chính phủ.

Hai là thẩm tra báo cáo đánh giá tình hình thu-chi ngân sách năm trước. Đây là nội dung không thể thiếu được vì đó là cơ sở để đánh giá, so sánh cho việc lập dự toán năm sau. Đặc biệt đối với nhiệm vụ chi thường xuyên thì thông thường các khoản chi không biến động nhiều, trừ trường hợp cải cách tiền lương theo chế độ. Cần căn cứ vào dự toán của cấp trên giao; dự toán được HĐND quyết định; các khoản điều chỉnh tăng, giảm, trong đó lưu ý các khoản tăng chi từ nguồn dự phòng, nguồn tăng thu của ngân sách địa phương; nguồn bổ sung của ngân sách cấp trên và các khoản giảm theo quyết định của cấp trên có thẩm quyền.

Ba là thẩm tra việc bảo đảm thực hiện tuân thủ các nguyên tắc lập dự toán, cần lưu ý đến: tốc độ tăng chi thường xuyên phải phù hợp với các văn bản của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của UBND cấp trên hướng dẫn hàng năm. Tốc độ tăng chi thường xuyên thông thường phải cao hơn so với thực hiện năm trước, song phải thấp hơn tốc độ tăng chi đầu tư phát triển; các nhóm tăng chi theo thứ tự ưu tiên khác nhau, trong đó lưu ý chi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ - môi trường phải bằng hoặc cao hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao; chi hành chính phải tiết kiệm và có mức tăng hợp lý song không đồng đều giữa các cơ quan; bảo đảm thực hiện chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cấp có thẩm quyền ban hành, kể cả chế độ chi tiêu đặc thù theo nghị quyết của HĐND ở địa phương; bảo đảm thực hiện các định mức phân bổ ngân sách theo nghị quyết của HĐND tỉnh.

Lưu ý khi thẩm tra dự toán chi thường xuyên cần làm rõ các quan hệ tỷ lệ: tổng chi thường xuyên trong mối quan hệ cân đối với tổng số chi và chi thường xuyên với chi đầu tư phát triển. Thẩm tra tốc độ chi thường xuyên so với cùng kỳ năm trước và so với tốc độ tăng chi chung; sau đó đến thẩm tra chi tiết các nhiệm vụ chi thường xuyên chủ yếu...

Việc thẩm tra dự toán chi tiết các nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương tập trung chính vào một số khoản chi chủ yếu như dự toán chi giáo dục - đào tạo, y tế, chi quản lý hành chính, chi sự nghiệp kinh tế, chi bảo đảm xã hội, an ninh quốc phòng. Mỗi nhiệm vụ chi đều quan trọng và cần thiết nhằm duy trì hoạt động của bộ máy chính quyền và sự phát triển của xã hội trong phạm vi ngân sách nhà nước phải đài thọ. Song khi thẩm tra dự toán chi từng lĩnh vực cần phải dựa vào nguyên tắc, căn cứ, phương pháp khác nhau phù hợp với từng lĩnh vực chi. Trong bài viết này chỉ đề cập đến việc thẩm tra dự toán chi giáo dục - đào tạo, y tế, chi sự nghiệp kinh tế, chi bảo đảm xã hội.

Đối với dự toán chi giáo dục – đào tạo: đây là nhiệm vụ chi được ưu tiên theo nghị quyết của Đảng, Chính phủ và nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Vì vậy tốc độ tăng chi về nguyên tắc được bố trí với tốc độ tăng chi cao nhất trong các khoản chi thường xuyên và mức chi không được thấp hơn mức giao của Chính phủ và của UBND cấp trên. Căn cứ định mức phân bổ dự toán chi ngân sách cho thời kỳ ổn định, được HĐND tỉnh phê chuẩn... làm cơ sở thẩm tra, so sánh. Việc lập dự toán chi đối với giáo dục-đào tạo phải trên cơ sở tổng số giáo viên, quỹ lương phải trả, tổng số học sinh, tính chi tiết cho từng cấp học.

Dự toán chi đối với đào tạo và dạy nghề, ngoài việc tính số giáo viên và quỹ lương phải trả còn phải tính tổng số học sinh của từng cấp đào tạo. Khi thẩm tra số giáo viên phải căn cứ vào quyết định giao biên chế, quyết định tuyển dụng của cấp có thẩm quyền; thẩm tra định mức chi tính trên đầu học sinh phải căn cứ vào định mức phân bổ dự toán chi ngân sách theo nghị quyết của HĐND tỉnh chi tiết cho từng ngành học, cấp học. Khi thẩm tra phải xem xét tính đầy đủ, trung thực của các cơ sở tính chi, phân tích các quan hệ tỷ trọng trong tổng chi, tốc độ tăng tỷ trọng, so sánh mức thực hiện năm liền kề với các năm trước để xem xét tính hợp lý của dự toán (thông thường năm sau tăng chi hơn năm trước song tăng ở khoảng nào, có hợp lý không?). Khi cần thiết có thể kiểm tra kỹ một số khoản chi chủ yếu. Ví dụ xem xét tổng chi và tổng số học sinh để tính mức chi bình quân cho một học sinh, xem tốc độ tăng, giảm có hợp lý không hoặc tính tỷ lệ giữa quỹ lương và chi khác để xem có bảo đảm mức khống chế không?

Đối với dự toán chi lĩnh vực y tế: về nguyên tắc khoản chi này tốc độ phải tăng, tuy nhiên còn tùy thuộc vào khả năng của ngân sách và điều kiện cụ thể của địa phương. Cần lưu ý nội dung chi phòng bệnh và chữa bệnh gắn kết với nhau theo tỷ lệ hợp lý, trong đó chi phòng bệnh có xu hướng tăng hơn. Phải bố trí kinh phí bảo đảm cho khoản chi các chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cho trẻ dưới 6 tuổi.

Khi thẩm tra phải xem xét tính đầy đủ, trung thực, khách quan các cơ sở tính chi, phân tích các khoản chi cơ bản, như mức chi bình quân trên giường bệnh, mức chi giữa tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã; cơ cấu phù hợp và đúng xu hướng giữa chi chữa bệnh và phòng bệnh; sự đúng đắn giữa biên chế tính chi và quyết định của cấp có thẩm quyền, giữa nguồn thu từ ngân sách và thu viện phí; việc thực hiện các mục tiêu chương trình y tế quốc gia phải bảo đảm đúng mục tiêu đã được cấp trên phê chuẩn...

Việc thẩm tra dự toán chi đối với y tế phải căn cứ vào các số liệu cơ bản để tính chi cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, tính chi tiết cho từng cơ sở khám chữa bệnh, số giường bệnh, số bác sỹ, y sỹ, nhân viên y tế. Mức chi bình quân trên giường bệnh hoặc chi phòng bệnh cần căn cứ số liệu bộ máy biên chế chi cho hoạt động phòng chống dịch bệnh. Chi sự nghiệp y tế khác, căn cứ vào quỹ lương và biên chế do cấp thẩm quyền phê duyệt. Các nguồn thu tài chính hợp pháp như viện phí, BHYT chi trả, nguồn ủng hộ, viện trợ, các dịch vụ khác và các định mức chi trong phương án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách theo nghị quyết của HĐND tỉnh phê chuẩn.

Đối với dự toán chi sự nghiệp kinh tế: đây là khoản chi phức tạp, khó định lượng theo tỷ lệ nên phải thẩm tra theo từng nhiệm vụ cụ thể, từng loại hình như sự nghiệp giao thông vận tải; sự nghiệp nông, lâm, thủy lợi, thủy sản... Đối với từng khoản chi cần xác định nhiệm vụ đã đúng là nhiệm vụ của ngân sách địa phương hay chưa; khối lượng có phù hợp không? Sau đó xác định mức chi theo khối lượng và đơn giá hiện hành được phê duyệt. Đối với các khoản chi khó xác định khối lượng như xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển thị trường... thì thẩm tra theo dự toán chi tiết của cơ sở.

Thẩm tra dự toán chi bảo đảm xã hội, cần nắm chắc đặc điểm của việc thực hiện nhiệm vụ chi của lĩnh vực này: kinh phí được tính trên cơ sở số lượng đối tượng và chế độ chi cho từng đối tượng. Vì vậy xác định đúng đối tượng được hưởng chính sách xã hội là mấu chốt của xây dựng chi bảo đảm xã hội. Cần chú ý nguồn bảo đảm, gồm cả các khoản ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương.

Thẩm tra quyết toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương cơ bản giống như thẩm tra dự toán chi thường xuyên, song cần chú ý đến những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa quyết toán chi với dự toán; sự chuyển nguồn chi từ năm trước sang năm sau; thẩm tra quyết toán theo nội dung kinh tế của các khoản chi như: chi tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế, hội nghị phí, công tác phí xuất phát từ quy định; quyết toán chi phải chi tiết theo dự toán và mục lục ngân sách nhà nước; việc thẩm tra thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn là trọng tâm của thẩm tra chi thường xuyên. Song cần chú ý đến cơ chế tự chủ tài chính, vì Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp được chi cao hơn chế độ định mức từ nguồn thu hợp pháp.


    Ý kiến bạn đọc