Theo quy chế hoạt động của HĐND, chức năng giám sát, thẩm tra ngân sách địa phương được giao cho Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, hoặc ban Kinh tế - Xã hội HĐND cấp huyện. Tuy nhiên, để thảo luận, biểu quyết ngân sách địa phương, ngoài nghiên cứu báo cáo thẩm tra, các đại biểu HĐND cũng rất cần chú ý đến hoạt động giám sát tại kỳ họp.
Thứ nhất, thẩm tra, giám sát việc lập dự toán ngân sách địa phương cần xem xét: căn cứ pháp lý xây dựng dự toán ngân sách địa phương: Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện; quyết định giao kế hoạch, dự toán cho địa phương của cấp trên; nghị quyết của HĐND về kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; định mức phân bổ ngân sách địa phương được HĐND tỉnh quyết nghị... Phải xem xét tổng thu ngân sách trên địa bàn có bảo đảm phù hợp với tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của địa phương không? Cần so sánh dự toán thu với năm trước và một số năm liền kề để thấy được sự ổn định trong tăng trưởng nguồn thu; đánh giá một số khoản thu có ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước như: thu của doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực ngoài quốc doanh, từ hoạt động xuất, nhập khẩu. Phân tích sự biến động của các khoản thu (tăng, giảm, bổ sung mới); xem xét ảnh hưởng của các chính sách đến nguồn thu để dự báo khả năng thu ngân sách trên địa bàn.
Đối với dự toán chi, cần chú ý xem tổng mức chi đã cân đối với tổng thu ngân sách chưa; việc bảo đảm ngân sách để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ KT-XH của địa phương. Xem xét chế độ, chính sách của Nhà nước có tác động đến nhiệm vụ chi ngân sách; sự phù hợp về cơ cấu chi như: giữa chi đầu tư phát triển với chi thường xuyên, giữa chi cho các nhiệm vụ kinh tế với an sinh xã hội... Chú ý đến một số lĩnh vực, nhiệm vụ chi quan trọng của địa phương như: chi đầu tư phát triển, các đề án, dự án trọng điểm; chi cho phát triển KT-XH vùng cao; chi cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ... Phân tích khoản chi thường xuyên trong mối tương quan giữa chi lương và các khoản có tính chất lương với các khoản chi khác.
Thứ hai, thẩm tra, giám sát phân bổ ngân sách địa phương: định mức phân bổ ngân sách địa phương do HĐND tỉnh quyết định. Việc thẩm tra định mức phân bổ ngân sách phải dựa trên cơ sở định mức phân bổ ngân sách nhà nước do Chính phủ ban hành và trên cơ sở tổng mức chi cân đối ngân sách địa phương được Chính phủ giao cho địa phương hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách. Phải xét đến tính đặc thù của từng lĩnh vực, từng địa phương, đơn vị để áp dụng tiêu chí phân bổ và các hệ số bổ sung phù hợp. So sánh với định mức của thời kỳ ổn định ngân sách liền trước và tham khảo mức phân bổ của một số địa phương có cùng điều kiện phát triển. Định mức phân bổ ngân sách phải phù hợp với khả năng thu của ngân sách địa phương.
Việc phân bổ ngân sách hàng năm cho các địa phương, đơn vị cần dựa trên định mức phân bổ ngân sách, nhiệm vụ kế hoạch của các đơn vị, nguồn ngân sách dự kiến bố trí... Xem xét phân bổ cơ cấu chi theo từng lĩnh vực, từng cấp địa phương có phù hợp không; xem xét cơ cấu chi, bố trí dự phòng, quỹ dự trữ tài chính có đúng quy định của Luật và phù hợp với thực tiễn không? Xem xét số bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu cho từng đơn vị cấp dưới có đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nướác và nghị quyết của HĐND tỉnh không; so sánh bảo đảm công bằng giữa các địa phương, đơn vị. Cần có sự ưu tiên cho các huyện nghèo, đồng thời khuyến khích đầu tư cho các huyện có tiềm năng phát triển để nuôi dưỡng nguồn thu.
Về phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách, cần tập trung phân tích, đánh giá các nội dung: Luật Ngân sách Nhà nướác và các văn bản hướng dẫn về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và các cấp chính quyền địa phương; phân cấp quản lý KT-XH giữa các cấp chính quyền được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phải căn cứ vào Nghị quyết của UBTVQH về các khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100%, các khoản thu theo tỷ lệ phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Chú ý xem việc phân cấp nguồn thu cho ngân sách cấp xã được thực hiện như thế nào; việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp đã phù hợp với tình hình thực tế và khả năng thực hiện của các địa phương, đơn vị chưa?
Thứ ba, giám sát việc chấp hành ngân sách: cần xem xét việc chấp hành ngân sách của các cấp chính quyền, đơn vị có bảo đảm các yêu cầu về: thẩm quyền quyết định ngân sách; các quy định về quản lý, điều hành ngân sách các cấp; quy định về huy động các khoản thu, đóng góp... Thẩm tra, giám sát việc chấp hành ngân sách cần xem xét tất cả quá trình thực hiện ngân sách từ việc chấp hành dự toán thu, điều chỉnh dự toán ngân sách, dự toán chi. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc chấp hành dự toán chi vì đây là lĩnh vực nhạy cảm. Trong lĩnh vực này, cần chú ý đến các khoản chi vượt dự toán cao, chi bổ sung dự toán, chi mua sắm, sửa chữa ô tô, tài sản cố định; việc sử dụng dự phòng ngân sách, việc trích, lập và sử dụng các quỹ và sử dụng các nguồn tăng thu ngân sách; việc sử dụng các khoản thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, các khoản vay, viện trợ, ủng hộ của các tổ chức; chi chuyển nguồn sang năm sau... Xem xét việc sử dụng ngân sách vào các nhiệm vụ, đề án, dự án có hiệu quả không, có gây lãng phí, thất thoát? So sánh với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao để đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách.
Thứ tư, thẩm tra, giám sát quá trình lập, thẩm định, xét duyệt và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương cần chú ý một số vấn đề: tính hợp pháp của báo cáo quyết toán cả về số liệu, biểu mẫu; chỉ tiêu báo cáo phải phù hợp với nội dung chỉ tiêu dự toán đã được HĐND quyết định; số quyết toán thu, chi phải là số thực thu, thực chi. Thẩm tra tính đầy đủ, chính xác, độ tin cậy của báo cáo quyết toán: kiểm tra số liệu thu, chi có cân đối không; đối chiếu với số liệu của các đơn vị: Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, hải quan; xem xét báo cáo của các cơ quan kiểm toán, thanh tra tài chính, thuế để bảo đảm tính tin cậy, chính xác; cần quan tâm xem việc thực hiện những kiến nghị của kiểm toán, thanh tra tài chính, thuế như thế nào. Đánh giá kết quả thực hiện thu ngân sách theo tổng số và chi tiết từng khoản thu, so sánh với dự toán; phân tích những nguyên nhân kết quả và tồn tại. Chú ý đến các khoản huy động theo nghị quyết của HĐND; các khoản thu không đạt dự toán; các khoản thu quản lý qua ngân sách... Phải xem xét cụ thể từng nhiệm vụ chi chủ yếu, so sánh với dự toán. Xác định mức tăng chi có phù hợp với tăng trưởng KT-XH và thực hiện nhiệm vụ được giao; cần phân tích rõ khoản chi chuyển nguồn sang năm sau, vì đây là khoản thường chiếm tỷ lệ rất cao và không khuyến khích. Cuối cùng, cần xem xét số kết dư ngân sách và việc xử lý kết dư có chính xác, đúng Luật Ngân sách Nhà nước không?
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)