Hiện nay chúng ta đang thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố. Tuy chưa tổng kết để đi đến quyết định nên bỏ hay giữ hệ thống cơ quan dân cử như hiện nay, nhưng dư luận phản ánh trên các phương tiên thông tin đại chúng có nhiều chiều, nhiều ý kiến còn băn khoăn khi thôi không tổ chức HDND huyện, quân, phường, những ý kiến đồng tình bỏ cũng đã nêu ra các lý do để bỏ, nhưng các lý do nêu ra để thôi không tổ chức HĐND ở cấp huyện, quận và phường xem ra chưa thực sự thuyết phục, chưa nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng lý do nêu ra chưa xác đáng. Một trong những lý do đó là là HĐND cấp huyện hoạt động nặng về hình thức, nếu nói hoạt động của HĐND huyện mang nặng hình thức thì có lẽ đó là tính mà HĐND các cấp đều có, trong đó HĐND cấp xã còn hình thức hơn.
Vậy tại sao HĐND lại hoạt động mang tính hình thức và không hiệu lực, hiệu quả như quy định của pháp luật và sự kỳ vọng của nhân dân. Nguyên nhân chính là lỗi thuộc về hệ thống, trong đó các quy định của pháp luật chưa cụ thể rõ ràng, sự phân công phân cấp chưa hợp lý, chưa tạo điều kiện về nhiều mặt cho hoạt động của HĐND. Để HĐND hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thực sự là cơ quan đại diêncho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Theo tôi cần nghiên cứu để bổ sung một số nội dung trong quá trình sữa đổi Hiến pháp và luật tổ chức HĐND dân và UBND.
Thứ nhất, về tổ chức HDND nên giữ nguyên ba cấp tỉnh, huyện, xã theo các đơn vị hành chính như quy định tại điều 118 của Hiến pháp năm 1992. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân như điều 2 Hiến pháp, ở tất cả các cấp hành chính đều phải có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, để thực hiện quyền được người dân ủy quyền trong việc quyết địnhcác biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách; về quốc phòng, an ninh ở địa phương; về biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, làm tròn nghĩa vụ đối với cả nước, các vấn đề quan trọng khác tại địa phương và giám sát việc thực thi các nội dung đó.
Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện quận, Phường ở 10 tỉnh, thành phố, là cơ sở quan trọng để sắp tới Quốc hội quyết định có sửa đổi Hiến pháp để thôi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường hay không? nhưng để đảm bảo được tính dân chủ và cũng cần thận trọng khi quyết định vấn đề hết sức hệ trọng của quốc gia, thiết nghĩ nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với vấn đề này, nhân dân là người trực tiếp bầu ra HĐND huyện, quận, phường và là người xuyên tiếp xúc với các đại biểu của mình, nhân dân sẽ biết bỏ HĐND sẽ có lợi và hại gì? Điều này còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng nữa là thể hiện quan điểm lấy dân làm gốc.
Thứ hai, nên thiết kế các cơ quan dân cử (bao gồm Quốc hội và HĐND các cấp) thành hệ thống trong cả nước, để đảm bảo quốc hội là cấp trên của HĐND, Hội đồng nhân dân tỉnh là cấp trên của HĐND huyện và HĐND huyên là cấp trên của HĐND xã. Mô hình các cấp HĐND hoạt động độc lập và đặt dưới sự chỉ đạo quản lý của chính phủ và UBND cấp trên trực tiếp tỏ ra không hợp lý, thực chất lâu nay việc hướng dẫn chỉ đạo của Chính phủ đối với HĐND các cấp là rất it, chưa nói đến việc UBND các cấp hầu như không có mấy hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn đối với HĐND cấp dưới theo qui định. Nên vai trò quản lý, chỉ đạo hướng dẫn của chính phủ và UBND các cấp đối với HĐND theo quy định không được thể hiện rõ. Trong khi đó mối quan hệ giữa Quốc hội với HĐND và HĐND các cấp với nhau tuy có sự chỉ đạo nhưng chủ yếu là phối hợp trong các hoạt động nên tính thống nhất, tính đồng bộ và hiệu quả trong các hoạt động không cao. Đây cũng là tâm tư của nhiều cấp HĐND ở các tỉnh lâu nay. Do vậy nên giao cho Quốc hội là cấp trên trực tiếp quản lý HĐND tỉnh , chỉ đạo hướng dẫn các hoạt động của HĐND tỉnh, huyện, xã; HĐND tỉnh là cấp trên trực tiếp quản lý chỉ đạo HĐND huyện và hướng dẫn hoạt động HĐND huyện, xã, HĐND huyên trực tiếp quản lý hướng dẫn các hoạt động HĐND xã. Các cơ quan dân cử trong cả nước nên trở thành hệ thống có trên, có dưới và sẽ tạo được sức mạnh đồng bộ của các cơ quan quyền lực từ Quốc hội đến HĐND các địa phương.
Thứ ba, từ thiết kế lại hệ thống như trên, tổ chức bộ máy của HĐND các cấp cũng cần được thiết kế lại, nên tăng cường cả về số lượng chuyên trách và quyền hạn cho Thường trực, các ban và cơ quan tham mưu phục vụ, để các cơ quan này giúp HĐND hoạt động có hiệu quả, đảm bảo tính thực quyền của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Về Thường trực HĐND các cấp, cần sửa đổi các điều 52,53 của luật tổ chức HĐND và UBND qui định đây là một cơ quan của HĐND có tư cách pháp nhân, ngoài việc được ban hành các văn bản hành chính thì có quyền được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức là Nghị quyết, thẩm quyền và phạm vi của các văn bản Quy phạm pháp luật này theo quy định của Pháp luật và sự ủy quyền của HĐND. Thường trực HĐND có quyền chỉ đạo điều hành các hoạt động của các Ban HĐND, mặc dù Thường trực và các ban đều do HĐND bầu ra. Thường trực hoặc Ban Thường trực HĐND bao gồm Chủ tịch, các phó Chủ tịch( nên bỏ chức danh Ủy viên thường trực HĐND ở cấp tỉnh và huyện, Thêm chức danh ủy viên thường trực cho HĐND cấp xã), Trưởng các ban HDND và Chánh văn phòng.( Chánh văn phòng phải là đại biểu HĐND). Đối với cấp xã Thường trực nên cơ cấu 3 người gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và thêm một Ủy viên thường trực.
Các Ban HĐND cần được tổ chức ở tất cả các cấp, kể cả cấp xã đồng thời cần tăng cường đại biểu chuyên trách ở cấp tỉnh nên cả trưởng ban và phó ban. Cấp huyện trưởng ban chuyên trách, cấp xã nên thành lập 2 ban như cấp huyện và trưởng, phó và thành viên các ban kiêm nhiệm. Do vậy các diều 54,55 luật tổ chức HĐND và UBND cũng cần được sửa đổi, đồng thời quy chế hoạt động của HĐND ban hành theo Nghị quyết 753 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cần được sửa đổi không nên quy định trưởng ban có thể chuyên trách như hiện nay.
Một vấn đề đặt ra là với thiết chế tổ chức như vậy thì có ảnh hưởng gì tới sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND không? thực tế lâu nay ở các tỉnh đều cho thấy nếu bố trí các trưởng ban chuyên trách thì hoạt động của Ban cũng như HĐND có nhiều thuận lợi, cho nên Đảng có thể tăng cường sự lãnh đạo của mình bằng cách bố trí các trưởng ban chuyên trách là cấp ủy viên và một Phó chủ tịch là ủy viên ban thường vụ. Việc tăng cường cấp ủy cho HĐND ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với cơ quan quyền lực, đảm bảo các quan điểm đường lối của Đảng sẽ được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật một cách thực sự dân chủ, còn kết hợp với sự giám sát của cơ quan quyền lực với sự giám sát của cấp ủy đảng, thời gian vừa qua số lượng cấp ủy cơ cấu trong các đại biểu chuyên trách HĐND các cấp ít, chưa tương xứng với các cơ quan chấp hành nên phần nào đấy cũng tạo ra tâm lý hình thức trong các hoạt động của HĐND.
Thứ tư, đi đôi với việc tăng cường cho các cơ quan của thường trực cần tăng các chế tài để đảm bảo các kết luận giám sát, cũng như các quyết định của HĐND phải được thực thi nghiêm túc. Cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung thêm các quyền sau giám sát của HĐND ở các điều 51 đến 81Luật tổ chức HĐND và UBND và có hướng dẫn cụ thể để các nội dung đó thực sự đi vào cuộc sống, riêng điều 65 của luật này suốt nhiều năm từ khi luật ra đời đến nay hâu như chưa áp dụng.
Thứ năm, để hoạt động của HĐND đạt hiệu lực, hiệu quả cần nghiên cứ để tăng cường cho cơ quan tham mưu phục vụ ở các cấp. Ở cấp tỉnh thực hiện Nghị quyết 545 của UBTV Quốc hội khóa 12 đến nay đã bọc lộ nhiều bất cập, hiện nay nhiều tỉnh đã dổi mới tăng cường cả về số lượng biên chế, số phòng, chất lượng bộ máy của văn phòng, nên chăng UBTV Quốc hội nên có sự khảo sát, tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 545 ở tất cả các tỉnh từ đó ban hành Nghị quyết mới thay thế nghị quyết 545, tạo sự thống nhất trong cả nước, để xây dựng bộ máy văn phòng đủ mạnh, giúp văn phòng hoàn thành chức năng nhiệm vụ. Đối với cấp huyện lâu nay tham mưu cho HĐND chỉ bố trí 1 chuyên viên, trong khi đại biểu chuyên trách phần lớn chỉ có 2 người là Phó chủ tịch và Ủy viên Thường trực. Cấp xã chỉ có 1 đại biểu chuyên trách là Phó chủ tịch, không có bộ máy giúp việc như vậy việc tổ chức các hoạt động theo luật định là không thể làm nổi, chính vì vậy việc nghiên cứu để đổi mới cơ quan tham mưu phục vụ hoạt động HĐND các cấp là hết sức cần thiết để giúp HĐND các cấp hoạt động ngày càng tốt hơn./.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)