Nhiều vấn đề trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được làm rõ
EmailPrintAa
11:17 16/12/2021

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 16/12/2021, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt đã đăng đàn trả lời các nội dung liên quan đến Ngành.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Đối với giải pháp phát triển sản xuất chăn nuôi trong điều kiện giá thức ăn gia súc, giá vật tư đầu vào tăng cao . Người đứng đầu Ngành nông nghiệp cho biết: Hiện nay, giá vật tư đầu vào so với năm 2020 tăng khoảng 30%; giá vắc xin, thuốc thú y tăng khoảng 20%; các chi phí sản xuất như giá thuê nhân công, đầu tư an toàn sinh học, phòng dịch bệnh… đều tăng nên giá thành sản phẩm tăng cao. Trong khi đó, giá lợn thịt xuất chuồng dao động từ 50.000-52.000 đồng/kg, có thời điểm giảm xuống 25.000-27.000 đồng/kg; giá sản phẩm gia cầm, thịt bò cũng giảm. Theo tính toán của Ngành thì tại thời điểm hiện nay khi bán 1 kg lợn hơi, người chăn nuôi đang chịu lỗ khoảng 5.000 đồng. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, dự báo tình hình sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ thời gian tới đang còn khó khăn. Do đó, tỉnh đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, với các định hướng cụ thể cho từng đối tượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần, Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh

Về vấn đề thực trạng và các giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản có truy xuất nguồn gốc, có nhãn hiệu, thương hiệu . Giám đốc Nguyễn Văn Việt cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 434 cơ sở, vùng sản xuất tập trung được chứng nhận VietGAP, VietGAHP, GMP, HACCP, ISO... trên lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; chế biến, làng nghề nông thôn. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, triển khai chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản có truy xuất nguồn gốc gắn với quản lý chất lượng, nhãn hiệu chỉ bước đầu, nhìn chung sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có liên kết theo chuỗi giá trị, có thương hiệu sản phẩm trên thị trường chưa nhiều; sản xuất chưa gắn chặt chẽ với bảo quản, chế biến, kết nối truy xuất được nguồn gốc, một số sản phẩm chủ lực có thời điểm việc tiêu thụ, mở rộng thị trường gặp khó khăn; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại chưa duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao so với yêu cầu.

Thời gian tới, tỉnh sẽ lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế, thị trường tiêu thụ ổn định, sản lượng tương đối lớn để phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành thương hiệu. Hình thành và phát triển các chuỗi liên kết bền vững giữa người dân với các doanh nghiệp từ đầu vào sản xuất cho đến đầu ra sản phẩm để đảm bảo ổn định thị trường tiêu thu; khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp công nghệ. Chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân, Tổ đại biểu huyện Vũ Quang

Với câu chất vấn về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp; các giải pháp thời gian tới . “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp nhấn mạnh: Giai đoạn 2017-2020, chính sách hỗ trợ các mô hình nông nghiệp được thực hiện theo Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND, Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; kết quả kinh phí hỗ trợ đạt trên 67.644 triệu đồng, chiếm 75% trong tổng kinh phí chính sách sản xuất nông nghiệp.

Nhìn chung, chính sách khuyến khích nông nghiệp, nông thôn đã có tác động và đóng góp tích cực đến hoạt động sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, hình thành khá nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, làm thay đổi tập quán, phương thức canh tác theo hướng hàng hóa quy mô lớn, góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 2%/năm, riêng năm 2021 đạt trên 3,87%.

Song song với việc nêu rõ những tồn tại, hạn chế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất nhiều giải pháp trong giai đoạn mới.

Đại biểu Thái Văn Sinh, Tổ đại biểu huyện Đức Thọ

Đối với giải pháp xử lý tình trạng hơn 07ha vùng hạ lưu chân đập hồ chứa nước Xuân Hoa của 167 hộ dân xã Cổ Đạm nhiều năm bị sình lầy không sản xuất, bỏ hoang ; Giám đốc Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: Sau khi nhận được phản ánh, Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh kiểm tra thực tế, cho thấy phản ánh của cử tri và đại biểu là hoàn toàn chính xác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý. Tuy nhiên, trong năm qua do điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nên chưa triển khai được theo kế hoạch. UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương ưu tiên bố trí nguồn kinh phí nâng cấp hồ chứa nước hồ Xuân Hoa; nghiên cứu, xử lý dứt điểm hiện tượng diện tích đất trồng lúa phía hạ lưu hồ chứa bị sình lầy đảm bảo hiệu quả, bền vững. Thời gian tới, Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh thực hiện việc kiểm định, đánh giá an toàn hồ chứa nước Xuân Hoa theo quy định; tiến hành rà soát, đánh giá diện tích còn khả năng canh tác để khuyến khích, động viên Nhân dân tiếp tục sản xuất hoặc cân đối qũy đất dự (phòng 5%) để giao các hộ dân sản xuất; đồng thời căn cứ chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để hỗ trợ người dân cải tạo đồng ruộng đưa vào sản xuất hạn chế đất hoang hóa.

Về việc nhiều xã của huyện Đức Thọ bị ảnh hưởng nặng nề về môi trường, giao thông, thuỷ lợi do dự án công trình thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang . Thừa nhận có vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Thời gian qua, Chủ đầu tư đã phối hợp với UBND huyện Đức Thọ và UBND các xã rà soát, làm việc với người dân, chính quyền địa phương thống nhất các phương án xử lý, khắc phục, hoàn trả lại mặt bằng, khắc phục các công trình dân sinh bị ảnh hưởng, đến nay cơ bản đã khắc phục để bàn giao cho UBND các xã quản lý. Tuy vậy, hiện còn một số nội dung, hạng mục chưa phối hợp xử lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy, Tổ đại biểu huyện Hương Sơn

Qua kiểm tra thực tế, hầu hết các nội dung, kiến nghị đã được Chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục xử lý, còn một số hạng mục nhưng khối lượng không lớn như: Đối với các nội dung thuộc Hợp phần Hệ thống kênh thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 1), UBND tỉnh giao chủ đầu tư tiếp tục rà soát, phối hợp với UBND huyện Đức Thọ, UBND các xã tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các nội dung, hạng mục đã thống nhất theo các biên bản cam kết với UBND các xã. Giao UBND huyện Đức Thọ chỉ đạo UBND các xã trên địa bàn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, người dân hiểu, nhận thức, chia sẽ, tạo đồng thuận cao về những kết quả dự án mang lại, tham gia tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ, vận hành hệ thống công trình nhằm phát huy hiệu quả; chủ động rà soát, kịp thời khắc phục, đầu tư nâng cấp mặt nền các tuyến đường giao trục xã, thôn, đường nội đồng đảm bảo kết nối với đồng bộ với hệ thống tuyến kênh, tạo thuận lợi trong quá trình giao thông, đi lại của người dân trên địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga, Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân

Đối với dự án Giai đoạn 2, Chủ đầu tư phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, xã kịp thời chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu thi công hoàn thiện các hạng mục dự án; tiếp thu các kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng xem xét, giải quyết các nội dung phát sinh vượt thẩm quyền Chủ đầu tư theo quy định...

Chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần, Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh đề nghị làm rõ giải pháp quản lý đối với chất lượng và giá giống cây trồng trên địa bàn; giải pháp tháo gỡ khó khăn của các Công ty TNHH Lâm nghiệp Dịch vụ Chúc A (Hương Khê) và Công ty TNHH Lâm nghiệp Dịch vụ Hương Sơn.

Đại biểu Thái Văn Sinh (Tổ đại biểu huyện Đức Thọ) đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ trong xử lý các tồn tại trong việc thi công dự án công trình thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; thời hạn khắc phục các hậu quả do thi công công trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân (Tổ đại biểu huyện Vũ Quang) đề nghị làm rõ định hướng phát triển cây có múi trên địa bàn tỉnh; giải pháp để người dân không mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản xuất theo hướng hữu cơ. Chiến lược phát triển đối với sản phẩm cây có múi trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy (Tổ đại biểu huyện Hương Sơn) đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và phục hồi, phát triển chăn nuôi. Giải pháp tháo gỡ trong quản lý giá vật tư nông nghiệp; phương án xử lý các công ty kinh doanh thuốc diệt cỏ trái quy định pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga đề nghị nêu rõ giải pháp nâng cao tỷ lệ đóng góp của Ngành nông nghiệp vào tỷ trọng nền kinh tế để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Sau phần chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt đã nêu rõ những giải pháp, lộ trình thực hiện đối với các vấn đề liên quan. Đồng thời, Giám đốc Nguyễn Văn Việt cũng đã thông tin thêm về tình hình giá cây trồng, quản lý giá vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua; định hướng thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Liên quan đến một số vấn đề của Ngành Nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã giải trình, làm rõ một số vấn đề về thi công dự án công trình thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; công tác quản lý Nhà nước đối với giá giống cây trồng cao, ảnh hưởng đến thu nhập người dân; giải pháp để giảm giá thành, nâng cao năng suất trên lĩnh vực nông nghiệp. Việc sản xuất, các tiêu chuẩn trong trồng cây có múi theo hướng hữu cơ. Công tác chuyển đổi số trong hỗ trợ người dân tiêu thụ các sản phẩm.

BBT

    Ý kiến bạn đọc