Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ tọa kỳ họp.
|
Thừa nhận thực trạng tổng nguồn lực đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh năm 2019 thấp hơn năm 2018 và không đạt kế hoạch đề ra ; nhiều dự án đã được thống nhất về chủ trương nhưng đến nay chưa được triển khai, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Trần Tú Anh cho biết, ngoài nguyên nhân chủ quan do các nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực quản trị chưa đáp ứng yêu cầu; chưa quyết liệt trong việc triển khai dự án đầu tư… thì về phía cơ các cơ quan quản lý nhà nước cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, bất cập, chất lượng chưa cao; công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện vẫn còn lúng túng; việc nắm bắt tình hình, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư chưa được thực hiện một cách chủ động, thường xuyên và sâu sát ở các cấp, ngành và địa phương.
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Trần Tú Anh đăng đàn trả lời chất vấn
|
Đối với vấn đề đầu tư các nhà máy xử lý rác, dự án cấp nước sạch chậm tiến độ , ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 09 dự án xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có 06 dự án đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, 03 dự án đang tiến hành đầu tư, chậm tiến độ do nhà đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức thi công, tập trung nguồn lực, nhân lực để triển khai; quá trình thực hiện có một số nội dung kỹ thuật cần được điều chỉnh; một số dự án còn vướng mắc trong thực hiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga
|
Với vấn đề thời gian chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng một số lò xử lý rác thải tối đa chỉ 15 năm nên khó khăn trong thu hút đầu tư, theo Sở Kế hoạch Đầu tư, việc xác định thời hạn hoạt động của các dự án nói trên được căn cứ theo hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư và không trái với quy định; thời hạn 15 năm là phù hợp với quy mô dự án (có quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư khoảng 9-10 tỷ đồng) và tuổi thọ của lò đốt rác (thường từ 10-15 năm). Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức rà soát, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua để xây dựng Đề án quản lý chất thải rắn đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tập trung xử lý những vướng mắc về các thủ tục để thống nhất được phương án đề xuất khả thi…
Đại biểu Nguyễn Thị Nhị
|
Liên quan đến đầu tư các dự án cấp nước sạch , Giám đốc Trần Tú Anh cho biết: giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn toàn tỉnh triển khai đầu tư 28 công trình cấp nước sinh hoạt. Qua rà soát, có một số công trình triển khai còn chậm. Nguyên nhân là do chậm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư; nguồn vốn đầu tư từ Trung ương (NSTW, ODA) cấp phát chậm và công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Thời gian tới, tỉnh sẽ yêu cầu các chủ đầu tư chủ động trong công tác triển khai, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư; tiếp tục liên hệ, làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tranh thủ nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên.
Đại biểu Trần Nhật Tân
|
Đối với vấn đề tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chậm . Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Trần Tú Anh cho biết nguyên nhân là do công tác rà soát, lựa chọn danh mục, hoàn thiện hồ sơ và phân bổ chi tiết vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới của các địa phương triển khai còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ dự án... Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch; rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, giao trách nhiệm, tạo sự chủ động cho địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nhanh và kịp thời công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc triển khai các dự án trên địa bàn.
Đại biểu Võ Hồng Hải
|
Xung quanh việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản , ông Trần Tú Anh cho biết: Tổng số nợ xây dựng cơ bản và khối lượng hoàn thành các dự án cấp tỉnh quyết định đầu tư tính đến hết ngày 30/8/2019 là 460 tỷ đồng của 334 dự án. Đối với cấp huyện, cấp xã, tổng số nợ xây dựng cơ bản và khối lượng hoàn thành phát sinh chưa có vốn thanh toán của các dự án do cấp huyện và cấp xã quyết định đầu tư tính đến hết ngày 30/8/2019 là 802 tỷ đồng của 1.431 dự án. Nguyên nhân là do một số chủ đầu tư chưa tuân thủ nghiêm các quy định trong quản lý xây dựng cơ bản; trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương còn nặng về thành tích; hoàn thành tiêu chí, sớm về đích nông thôn mới; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu ở một số địa phương; năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cơ quan thẩm định, đơn vị tư vấn còn hạn chế...Thời gian tới, ngành sẽ tập trung chấn chỉnh công tác lập, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư đặc biệt là các nguồn vốn tăng thu, giảm cấp chi thường xuyên; triển khai rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh thông qua; ban hành quyết định Quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công; đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án đầu tư hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đặng Ngọc Sơn...
|
...Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng...
|
...Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Lê Minh Đạo làm rõ, giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm
|
Ngay sau trả lời của Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần đề nghị cho biết giải pháp nào cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận chính sách; làm thế nào để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đối với những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng không thực hiện được.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga, Đoàn Đình Anh, Bùi Nhân Sâm, Trần Hậu Tám đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm việc phân bổ nguồn vốn dự phòng và giải ngân nguồn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới chậm. Theo phản ánh của nhiều địa phương, doanh nghiệp; trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án đã có chủ trưởng đầu tư nhưng không được bố trí vốn dẫn đến không thể thi công; giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng thời gian tới? giải pháp để xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn toàn tỉnh. Nguyên nhân các dự án khu hạ tầng thương mại tổng hợp và dự án xây dựng trường mầm non Thị trấn Nghèn; Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân; triển khai tuyến đường Bình - Thủy - Mai, huyện Hương Sơn… triển khai chậm.
Đại biểu Nguyễn Trí Lạc, Trần Nhật Tân, Nguyễn Thị Nhi, Đỗ Khoa Văn đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết giải pháp tháo gỡ vướng mắc để triển khai xây dựng các nhà máy rác. Đại biểu Võ Hỗng Hải chất vấn thêm về việc chậm trễ trong công tác quy hoạch; việc bố trí nguồn vốn cho các dự án về văn hóa chưa tương xứng.
Trong phần chất vấn với sự tham gia của nhiều ý kiến thẳng thắn về các nội dung trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Văn Trọng, đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp - Xúc tiến đầu tư tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã cùng trả lời, làm rõ thêm các nội dung.
Kết thúc phiên chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của tỉnh.
Phân tích sâu về những hạn chế trong xử lý nợ đọng, tiến độ xây dựng nhà máy rác, giải ngân vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho rằng, các cấp, ngành chưa kiên trì, quyết tâm để tìm giải pháp gỡ những nút thắt.
Lĩnh vực này có nhiều đại biểu tham gia chất vấn và phần trả lời khá cụ thể. Tuy nhiên, sau chất vấn vẫn chưa nhận diện được trách nhiệm chính của những khó khăn, vướng mắc, hạn chế đó thuộc về ai.
Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Sở Kế hoạch Đầu tư, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thắng đã đăng đàn trả lời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngành phụ trách.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)